Khối u ở miệng hoặc khoang miệng lan đếm hàm thông qua ổ răng, lưỡi, tuyến nước bọt, vòm miệng hoặc sàn miệng. Khối u trong xương hàm có thể lành tính hoặc ác tính. Ung thư hàm ảnh hưởng đến cả hàm dưới lẫn hàm trên nhưng phổ biến ở hàm dưới hơn.
Phân loại
Dưới đây là các loại ung thư hàm.
Ung thư biểu mô tế bào vảy phát triển trong niêm mạc khoang miệng và chiếm hơn 95% các trường hợp ung thư hàm. Ung thư biểu mô tế bào vảy phát triển trong xương hàm được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy ở xương nguyên phát.
Ung thư xương hàm phát triển ở xương hàm, chiếm khoảng 1% trong tất cả bệnh ung thư đầu và cổ.
Ung thư biểu mô tế bào sáng được đặt tên theo hình dáng của tế bào và phát sinh từ các mô hình thành răng.
Ung thư biểu mô nguyên bào sợi bắt đầu từ lớp men răng và lan xuống xương hàm dưới.
Ngoài ra còn có các loại ung thư hàm khác như ung thư biểu mô xơ cứng; sarcoma do răng; ung thư trong mô liên kết; ung thư ở cả mô liên kết và lớp lót mô...
Triệu chứng
Ung thư hàm hầu như không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Một số triệu chứng có thể không rõ ràng và giống với các bệnh lý ở miệng khác như mảng trắng trong miệng, vết loét như nhiệt miệng, chảy máu.
Ung thư hàm tiến triển khiến người bệnh đau hoặc khó nuốt, khó mở miệng, đau tai hoặc đau hàm, khó nói, thay đổi độ khít của răng, răng lung lay, khối u ở cổ.
Nguyên nhân
Ung thư hàm nằm trong nhóm ung thư đầu cổ nên có một số yếu tố nguy cơ tương tự như sau:
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu bia.
- Nhai trầu.
- Béo phì.
- Chăm sóc răng miệng kém.
- Dinh dưỡng không đảm bảo, ăn nhiều thịt chế biến sẵn không bổ sung rau củ quả lành mạnh.
- Virus gây nhiễm trùng, bao gồm cả HPV ở người.
Chẩn đoán
Bác sĩ thường kiểm tra hàm hoặc miệng để tìm khối u. Vì ung thư hàm liên quan đến các bệnh ung thư đầu và cổ khác nên người bệnh có thể được nội soi cổ, họng. Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ chỉ định sinh thiết để lấy mẫu mô đi kiểm tra.
Khi phát hiện mẫu chứa tế bào ung thư, người bệnh có thể được yêu cầu chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc chụp CT (chụp cắt lớp điện toán) để xác định vị trí và mức độ của khối u, giai đoạn, từ đó đưa ra các khuyến nghị điều trị.
Điều trị
Điều trị ung thư hàm phụ thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của khối u ác tính.
Phẫu thuật giúp loại bỏ mô ung thư và một số mô khỏe mạnh xung quanh. Phẫu thuật cắt bỏ khối u phổ biến ở giai đoạn đầu của ung thư hàm. Sau khi các vùng ung thư được loại bỏ, người bệnh có thể được tư vấn phẫu thuật tái tạo để khôi phục chức năng và giải quyết các vấn đề về ngoại hình.
Xạ trị sử dụng sóng năng lượng cao tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại hoặc ung thư ở những nơi không thể tiếp cận được trong quá trình mổ, ngăn ung thư tái phát.
Hóa trị thường được chỉ định trong trường hợp ung thư hàm đã lan sang các mô khác. Hóa trị cũng có thể được sử dụng kết hợp với xạ trị, liệu pháp miễn dịch.
Bác sĩ có thể dùng một, hai hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhằm tăng hiệu quả điều trị.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |