Trả lời:
Đại trực tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa đi từ cuối hồi tràng đến chỗ nối với ống hậu môn. Ung thư đại tràng là một trong 10 bệnh lý ác tính thường gặp. Tế bào ung thư xuất phát từ niêm mạc của đại tràng, chủ yếu từ các tế bào biểu mô tuyến của đại tràng.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) vào 2020, ung thư đại tràng là loại ung thư ác tính phổ biến thứ 5 trong số 10 loại ung thư thường gặp tính trên cả hai giới tại Việt Nam. Ước tính có hơn 6.440 ca mắc mới và 3.445 ca tử vong do bệnh này.
Tiên lượng sống còn sau khi được chẩn đoán ung thư đại tràng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh (như tuổi tác, các bệnh lý nội - ngoại khoa phối hợp...), các phương thức điều trị được lựa chọn, sự đáp ứng và dung nạp của người bệnh với điều trị...
Phẫu thuật là phương pháp điều trị nền tảng cho ung thư đại trực tràng giai đoạn 2. Mục tiêu của phương pháp này là loại bỏ hoàn toàn khối u và các hạch bạch huyết vùng. Những bệnh nhân đánh giá nguy cơ cao tái phát có thể sẽ được chỉ định hóa trị bổ trợ sau mổ.
Số liệu do Hiệp hội Ung thư Mỹ dựa trên cơ sở dữ liệu SEER cho thấy, tỷ lệ sống còn sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn 2 khoảng 60-80%. Nếu ung thư đại tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót còn có thể lên đến 95% nếu người bệnh can thiệp điều trị sớm. Nếu tế bào ung thư lan đến các cơ quan lân cận hoặc hạch bạch huyết gần đó, tỷ lệ sống còn 5 năm chỉ còn khoảng 35-55%. Trong trường hợp tế bào ung thư di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, tỷ lệ sống còn tương đối thấp, khoảng dưới 15%.
Tầm soát và điều trị ung thư đại tràng sớm có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của quá trình điều trị. Hiệu quả điều trị bệnh giai đoạn đầu rất cao hơn 90%. Vì vậy, mỗi người nên thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường như đau tức bụng, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón), đại tiện phân máu, gầy sút cân... hoặc tầm soát bệnh nếu thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc sau 45 tuổi. Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư đại tràng cũng như cải thiện sức khỏe, người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh như: thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; duy trì cân nặng, tránh thừa cân, béo phì; không sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn, chất kích thích. Tăng cường chất xơ bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi; hạn chế thức khuya... giúp người bệnh nâng cao thể chất phòng ngừa, chống chọi với bệnh tật.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thảo Ngọc
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội