Ung thư đại trực tràng là ung thư xuất phát từ ruột già (ruột kết) nhưng cũng có thể xuất phát từ trực tràng. Ung thư đại trực tràng thường xảy ra từ độ tuổi 50. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh ngày càng trẻ hóa với tỷ lệ người trẻ phát hiện ung thư đại trực tràng tăng. Thống kê của Globocan 2020 ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này ở Việt Nam.
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường diễn biến âm thầm, hầu như không bộc lộ triệu chứng. Trong giai đoạn tiến triển, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm đau bụng, có máu trong phân, giảm cân, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
Bệnh được phát hiện ở các giai đoạn ung thư đại tràng khác nhau thì tiên lượng sống thêm 5 năm khác nhau.
Giai đoạn 0
Đây là giai đoạn ung thư tại chỗ. Các tế bào ung thư chỉ có trong niêm mạc hoặc lớp lót bên trong của đại tràng hoặc trực tràng. Khối u giai đoạn này chưa phá vỡ một lớp màng bảo vệ gọi là màng đáy nên chưa có hiện tượng di căn hạch và di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, việc điều trị khỏi bệnh ở giai đoạn này có thể đạt 100%.
Theo bác sĩ Khiêm, ung thư đại tràng giai đoạn 0 thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng. Đó là lý do tại sao việc tầm soát ung thư rất quan trọng, nhất là đối với những người có các yếu tố nguy cơ cao.
Giai đoạn một
Ung thư đã xâm lấn xuyên qua niêm mạc đến lớp cơ của đại tràng nhưng chưa xâm lấn vào mô hoặc hạch bạch huyết lân cận. Bác sĩ Khiêm cho biết, biểu hiện ung thư đại tràng giai đoạn một thường không rõ ràng, chỉ khi ung thư lan rộng mới gây ra các triệu chứng. Triệu chứng người bệnh thường gặp là thay đổi thói quen đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hơn một vài ngày; phân dẹt hình lá lúa; đi tiêu kèm theo máu đỏ tươi hoặc nhầy lẫn máu; đi tiêu phân đen do xuất huyết tiêu hóa... Người bệnh còn có thể bị chuột rút, đau bụng, suy nhược, mệt mỏi, giảm cân ngoài ý muốn...
"Khám định kỳ giúp sàng lọc, phát hiện sớm ung thư đại trực tràng trước khi có triệu chứng. Việc tầm soát còn có thể phát hiện và xử trí các khối u tiền ung thư như polyp ngăn ngừa một số bệnh ung thư đường tiêu hóa", bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Giai đoạn hai
Ung thư đại tràng giai đoạn hai là ung thư đã lan vào dưới lớp cơ của đại tràng, chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận xa của cơ thể. Hầu hết các trường hợp được điều trị bằng phẫu thuật cắt một phần đại tràng (cắt đoạn đại tràng) và các hạch bạch huyết lân cận. Một số có thể cần hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật.
Tương tự giai đoạn một, ung thư đại tràng giai đoạn hai cũng không có dấu hiệu rõ ràng. Các triệu chứng có thể bao gồm đi tiêu có máu; thay đổi tần suất hoặc kiểu đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc phân hẹp, giống như hình lá lúa, són phân; đau bụng, chuột rút hoặc đầy hơi; buồn nôn, ói mửa; thiếu máu (do xuất huyết tiêu hóa); ăn không ngon miệng, chán ăn; giảm cân không chủ ý; chu kỳ kinh nguyệt không đều ở nữ giới...
Giai đoạn ba
Đây là giai đoạn khối u đại tràng di căn đến các hạch bạch huyết cạnh đó, nhưng bệnh vẫn chưa lây lan đến các cơ quan xa trong cơ thể như gan hoặc phổi.
Triệu chứng ở giai đoạn này thường rõ ràng, dễ nhận biết hơn so với các giai đoạn trước, có thể bao gồm tắc một phần (bán tắc ruột) hoặc tắc ruột hoàn toàn; đau quặn bụng hoặc thay đổi thói quen đi tiêu (táo bón hoặc tiêu chảy). Người bệnh có thể có máu đỏ tươi trong phân, phân có màu nâu sẫm hoặc đen; buồn nôn hoặc nôn; ăn không ngon miệng; chướng bụng; mệt mỏi; sút cân; thiếu máu...
Giai đoạn bốn
Ở giai đoạn bốn, các tế bào ác tính đã di căn đến các mô và cơ quan khác của cơ thể như gan, phổi, phúc mạc, xương... Các dấu hiệu của ung thư đại tràng có thể bao gồm rối loạn tiêu hóa gây táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy; tắc ruột, bán tắc ruột, thủng ruột gây viêm phúc mạc; mệt mỏi, chán ăn. Người bệnh còn có thể gầy yếu, suy kiệt; thiếu máu; đau, nổi hạch thượng đòn; chướng bụng; vàng da; vàng mắt; khó thở; di căn xương gây gãy xương...
Người bệnh giai đoạn bốn có thể có một số dấu hiệu khác dự báo tiên lượng xấu. Theo báo cáo của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, một số dấu hiệu đó có thể là buồn ngủ, ngủ nhiều và/hoặc không phản ứng do thay đổi trong quá trình trao đổi chất của cơ thể; giảm khả năng giao tiếp do giảm oxy lên não, giảm lưu lượng máu; mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột do giãn các cơ vùng chậu. Nước tiểu sẫm màu hoặc giảm lượng nước tiểu do chức năng thận suy giảm; da lạnh khi chạm vào, nhất là bàn tay và bàn chân; da có màu hơi xanh, đặc biệt là phần thân dưới do giảm tuần hoàn đến các chi... cũng là triệu chứng của bệnh.
Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO), đối với ung thư đại tràng, tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 5 năm là 64%. Trong đó, nếu ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn khu trú, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 91%. Nếu ung thư di căn đến các mô hoặc cơ quan xung quanh và/hoặc các hạch bạch huyết trong khu vực, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 72%. Trường hợp ung thư di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 14%. Tuy nhiên, những con số này chỉ áp dụng cho giai đoạn ung thư khi được chẩn đoán lần đầu tiên; không áp dụng cho trường hợp ung thư tiến triển, lan rộng hoặc tái phát sau khi điều trị.
Nếu ung thư đại tràng không tái phát sau điều trị trong vòng 5 năm được xem là chữa khỏi. Thông thường, ung thư giai đoạn một, hai và ba có thể chữa khỏi. Bác sĩ Khiêm khuyến nghị, những người từ 45 tuổi trở lên nên khám tầm soát ung thư đại tràng. Tần suất sàng lọc tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng. Tầm soát ung thư đại tràng thường phát hiện các polyp trước khi trở thành ung thư. Việc loại bỏ polyp có thể phòng ngừa căn bệnh này.
Ngoài ra, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống rất quan trọng trong phòng ngừa ung thư đại tràng. Nghiên cứu y học cho thấy chế độ ăn ít chất béo và nhiều chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Nguyên Phương