ThS.BS.CKII Châu Thị Ngọc Ánh, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên tại hội thảo khoa học "Hình ảnh học Cơ xương khớp" do Viện Nghiên cứu Tâm Anh tổ chức trong hai ngày 14-15/12, với gần 200 bác sĩ tham dự. Hội thảo tập trung vào ứng dụng cộng hưởng từ và siêu âm trong chẩn đoán các bệnh lý cơ xương khớp, trong đó ứng dụng AI và kỹ thuật mới trên các thế hệ máy hiện đại như MRI 3 Tesla, siêu âm thế hệ mới có đầu dò Hockey...
Theo bác sĩ Ánh, trước đây các bác sĩ thường dựa vào kết quả chụp CT hoặc X-quang để đánh giá tổn thương mô xương. Hiện nay, kỹ thuật chụp MRI 3 Tesla bằng chuỗi xung ZTR có thể tạo ra được hình thái xương, vôi hóa, cốt hóa và có thể tái tạo được hình ảnh 3D. "MRI có thể trở thành lựa chọn thay thế dành cho bệnh nhi và bệnh nhân mang thai, giúp tránh được các bức xạ ion hóa", bác sĩ Ánh nói.
CT, X-quang được ưu tiên chỉ định cho các trường hợp chẩn đoán hình ảnh khi cấp cứu gãy xương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chụp MRI với sự hỗ trợ của chuỗi xung ZTR có thể ghi nhận tình trạng phù xương, tủy xương, giúp bác sĩ phát hiện những vị trí gãy xương kín đáo và tổn thương mô mềm kèm theo. Nhờ đó, bác sĩ đánh giá được toàn diện cấu trúc xương, vôi, sụn, tổn thương đi kèm, nâng cao hiệu quả chẩn đoán. Bệnh nhân đôi khi không cần phải chụp cùng lúc CT và MRI nên tiết kiệm chi phí.
Theo bác sĩ Ánh, các chuỗi xung kết hợp với AI còn giảm thời gian chụp và tăng chất lượng hình ảnh nhờ loại bỏ được các ảnh giả gây nhiễu như khi khảo sát đám rối thần kinh cổ, đám rối thần kinh thắt lưng, các khối cơ nông hoặc sâu cũng thấy được chi tiết hơn...
Hiện nay một số phần mềm trí tuệ nhân tạo cũng hỗ trợ đắc lực cho kỹ thuật siêu âm cơ xương khớp như dán nhãn các mốc giải phẫu khi thực hiện siêu âm, các đầu dò với độ phân giải cao có thể phân biệt được các tổn thương như viêm, phù, sẹo dây thần kinh vận động chi trên và chi dưới.
Bách Hội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |