TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết ông Nguyễn Nam (51 tuổi, Vũng Tàu) đến khám vào khoảng cuối tháng 3 trong tình trạng mệt mỏi, sa sút vì lo lắng về bệnh. Hai tháng qua, ông bị ù tai và mất ngủ, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Kết quả thăm khám và chụp MRI cho thấy, ù tai do dò động tĩnh mạch não (thông nối bất thường giữa động và tĩnh mạch) ở khu vực màng cứng xoang sigma bên trái, cạnh các cấu trúc tai trái.
BS.CKI Dương Đình Hoàn (Đơn vị Can thiệp mạch, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp) cho biết đây là trường hợp khó điều trị do động mạch cấp máu cho lỗ dò xuất phát từ rất nhiều nguồn như động mạch cảnh, các nhánh của động mạch đốt sống trái... Trong 2 giờ, ê kíp chọn lọc vị trí lỗ dò, chọn đúng nguồn máu nuôi chính để không gây tắc nhầm các mạch máu khác và bơm vật liệu chuyên dụng vào. Lỗ dò được bít tắc hoàn toàn và vẫn bảo tồn được hệ thống xoang tĩnh mạch dẫn lưu máu từ não về tim. Người bệnh hết ù tai và xuất viện sau 4 ngày.
Theo TS.BS Hồ Hoàng Phương (Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp), dò động tĩnh mạch màng cứng nội sọ chiếm khoảng 10% các dị dạng mạch máu nội sọ, trong đó, thường gặp nhất là dò tại vị trí xoang ngang - sigma. Hiện nay, hình ảnh chụp cộng hưởng từ nhờ ứng dụng các chuỗi xung đặc biệt chuyên chụp mạch máu giúp bác sĩ đánh giá được hầu hết bất thường mạch máu não mà không cần bơm thuốc tương phản từ. Nhờ đó, người bệnh tránh được nguy cơ sốc phản vệ hay các tác dụng phụ do sử dụng thuốc, nhất là với bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
Với các bệnh lý mạch máu nguy hiểm như dò, phình, hẹp,... can thiệp nội mạch với hệ thống máy DSA cho phép bác sĩ thấy rõ các mạch máu não, nguồn cấp máu, vị trí lỗ dò... và đường đi của ống thông để bít tắc chính xác. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh lý thần kinh.
Kim Thư
* Tên nhân vật đã thay đổi.