Bệnh thần kinh (rối loạn thần kinh) ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh bao gồm các dây thần kinh, não và các rễ, đám rối, dây thần kinh. Hệ thống thần kinh là bộ phận kiểm soát tất cả các chức năng của cơ thể. Bất kỳ sự tổn thương hay bất thường nào ở hệ thần kinh cũng dẫn đến triệu chứng ở các bộ phận khác nhau.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) trong số hàng trăm bệnh lý thần kinh có một số bệnh phổ biến như đột quỵ, bệnh Parkinson, động kinh...
Đột quỵ
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) dùng để chỉ sự thay đổi lưu lượng máu não, có hai loại tai biến mạch máu não chính là xuất huyết (máu tràn lên các vùng não, chủ yếu do vỡ các túi phình động mạch não) và thiếu máu cục bộ (dòng chảy của máu bị cản trở, thường do tai biến huyết khối hoặc tắc mạch). Các dấu hiệu ban đầu của đột quỵ như tê liệt và yếu cơ, khó hoặc không thể nói, mắt mờ dần, không nhìn rõ, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội..
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết, phương pháp cấp cứu người bệnh đột quỵ trong những phút đầu tiên rất quan trọng. Thời điểm này, mọi biện pháp can thiệp tập trung vào việc bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Trong giai đoạn sau cấp tính, bác sĩ can thiệp ở cấp độ vật lý (để điều trị các hậu quả về vận động), cấp độ tâm thần kinh (để giải quyết các vấn đề về nhận thức: thiếu định hướng, mất trí nhớ, mất khả năng ngôn ngữ...).
Bệnh Parkinson
Parkinson là bệnh rối loạn hệ thần kinh tiến triển, ảnh hưởng chủ yếu đến chức năng vận động và nhiều chức năng ngoài vận động khác. Triệu chứng thường khởi phát bằng cơn run ở một tay, sau đó lan sang cả hai tay. Bệnh cũng thường gây ra hiện tượng cứng cơ, mất thăng bằng, rối loạn ngôn ngữ hoặc khó khăn khi di chuyển. Tỷ lệ mắc bệnh này ở đàn ông cao hơn phụ nữ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết, mặc dù bệnh Parkinson không thể chữa khỏi, nhưng thuốc sẽ cải thiện đáng kể các triệu chứng. Ở những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh các vùng nhất định của não, từ đó kiểm soát tốt triệu chứng.
Động kinh
Động kinh xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những dấu hiệu khác nhau. Co giật, các cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay, mất ý thức... là triệu chứng thường gặp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, có khoảng 50 triệu người mắc chứng động kinh trên thế giới.
"Căn bệnh này sẽ theo người bệnh đến suốt đời mà không có cách điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ, tần suất xuất hiện các cơn động kinh sẽ giảm. Nếu trẻ nhỏ mắc bệnh động kinh, các triệu chứng bệnh có khả năng biến mất khi trẻ trưởng thành", PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu nói.
Bệnh Alzheimer
Alzheimer là dạng rối loạn thần kinh dẫn đến sa sút trí tuệ thường gặp. Theo WHO, chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 55 triệu người trên thế giới, trong đó 60% ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Vào năm 2030, dự kiến số người bị sa sút trí tuệ sẽ lên tới 78 triệu người và 139 triệu người vào năm 2050.
Bệnh Alzheimer đặc trưng bởi sự xuất hiện của một loạt triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy và các kỹ năng xã hội, làm đảo lộn sinh hoạt và giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chứng sa sút trí tuệ xảy ra với sự thay đổi của ít nhất hai chức năng não: mất trí nhớ, suy giảm khả năng phán đoán hoặc ngôn ngữ; khó thực hiện các hoạt động thường ngày như vệ sinh cá nhân hoặc đi siêu thị.
Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào giúp khắc phục triệt để bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ, càng không có biện pháp đảo ngược quá trình tiến triển của bệnh. Mặc dù vậy có nhiều liệu pháp can thiệp như sử dụng thuốc, tập luyện trí não... giúp kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Đau nửa đầu
Đau nửa đầu migraine là bệnh đau đầu phổ biến, thường đi kèm với tình trạng buồn nôn, ói mửa và nhạy cảm với ánh sáng. Những triệu chứng này có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày nếu không được can thiệp kịp thời. WHO cho biết, khoảng 50% người trưởng thành gặp tình trạng đau nửa đầu ít nhất một lần trong năm.
Khi bệnh đau nửa đầu tái phát, các cơn đau đầu sẽ xuất hiện với cường độ thay đổi, từ trung bình đến rất dữ dội. Cơn đau có thể chuyển từ bên này sang bên kia, ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ đầu. Để kiểm soát tốt cơn đau nửa đầu, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
Đa xơ cứng
Đa xơ cứng (còn gọi là xơ cứng rải rác) là tình trạng tổn thương của não và tủy sống. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy myelin - lớp bảo vệ xung quanh các dây thần kinh, khiến chúng bị tổn thương.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh đa xơ cứng là mệt mỏi, cử động khó khăn, yếu cơ, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ và nhận thức, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, các cơn động kinh cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân đa xơ cứng.
Mục tiêu trong điều trị đa xơ cứng là cải thiện các đợt cấp, làm chậm tiến triển của bệnh (bằng cách sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch và ức chế miễn dịch), đồng thời cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
U não
U não là căn bệnh đặc trưng bởi sự hình thành mô bất thường ở cả não và tủy sống. Có rất nhiều loại khối u, do đó, các triệu chứng sẽ khác nhau. Kích thước và tốc độ tăng trưởng của khối u sẽ quyết định các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh.
Một số biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân u não là đau đầu hoặc nhức đầu; các đợt co giật vùng đầu; khó tập trung, khó nói chuyện; thay đổi hành vi; yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể; mất thị lực và thính lực; lú lẫn và mất phương hướng; hay quên, thậm chí mất trí nhớ.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u, triệu chứng bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh, thường được áp dụng là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Cách chẩn đoán bệnh
Khi xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như tê bàn tay hoặc bàn chân, đau mỏi cơ, chóng mặt, đau đầu, thường xuyên mất thăng bằng... cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát, kiểm tra chức năng thần kinh để xác định dây thần kinh có bị tổn thương không, phản xạ nhanh hay chậm khi nhận được tín hiệu từ não... Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử gia đình, tìm hiểu thói quen sống của bệnh nhân như có tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hút thuốc lá hay lạm dụng rượu bia không.
Sau khi khám tổng quát, tùy theo tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng (đo điện não, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính...) và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như dùng thuốc kết hợp tập vật lý trị liệu, phẫu thuật...
Ngọc An