GS.TS.BS Ngô Quý Châu - Giám đốc chuyên môn kiêm Cố vấn cao cấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, khối u có thể hiểu đơn giản là sự tích tụ bất thường của mô khi các tế bào phân chia quá nhanh hoặc không chết đi như bình thường. Khối u phổi xuất hiện ở nhu mô phổi hoặc trong đường dẫn khí trong phổi. Các khối u phổi có thể là ác tính (ung thư) hoặc lành tính (không phải ung thư).
Nốt phổi lành tính và khối u phổi lành tính là gì?
Nốt phổi là một "điểm trên phổi", có thể nhìn thấy trên phim chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Nốt phổi có thể đứng một mình đơn độc hoặc nhiều nốt sát nhau.
Nốt phổi của bạn thường có tính chất là lành tính nếu: bạn chưa đến 40 tuổi: không hút thuốc lá, gia đình không có tiền sử đặc biệt, nốt có bờ đều mềm mại, giới hạn rõ: nốt phổi có kích thước nhỏ.
Khối u phổi được xem là lành tính khi các tế bào trong khối u là tế bào bình thường. Đồng thời, khối u phát triển chậm, tại chỗ, không xâm lấn các tổ chức lân cận và không lan rộng đến các khu vực khác của cơ thể (di căn).
Khối u lành tính có nguy hiểm không?
Khối u lành tính nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì không nguy hiểm, có thể chữa khỏi hoàn toàn và không tái phát. Ngược lại, nếu để khối u phát triển lớn, chèn ép vào khí quản, các phế quản lớn gây rối loạn nghiêm trọng chức năng phổi, xẹp phổi, viêm phổi dưới chít hẹp, hoặc chèn ép vào tim, các mạch máu lớn...thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Sự khác nhau giữa u phổi lành tính và ác tính
GS Ngô Quý Châu cho biết, các bác sĩ phân biệt khối u phổi lành tính và ác tính dựa trên các đặc điểm sau:
Tốc độ phát triển: Các khối u ác tính có xu hướng phát triển nhanh chóng, với thời gian nhân đôi dưới 18 tháng. Trong khi đó, khối u lành ở phổi thường phát triển chậm, có trường hợp còn nhỏ lại.
Khả năng tái phát: Cả khối u lành tính và ác tính đều có khả năng tái phát sau khi được cắt bỏ. Thế nhưng, khối u lành luôn tái phát tại vị trí cũ, còn u ác có thể phát triển ở các vị trí xung quanh.
Sự xâm lấn: Khác với khối u ác tính, khối u lành tính không xâm lấn lên các bộ phận xung quanh.
Nguy cơ đe dọa sức khỏe: Trong khi căn bệnh ung thư phổi là mối đe dọa lớn đến tính mạng người bệnh, thì hầu hết các khối u phổi lành tính có thể được kiểm soát. Chúng chỉ gây nguy hiểm nếu để khối u phát triển lớn, chèn ép vào khí quản, các phế quản lớn gây rối loạn nghiêm trọng chức năng phổi, xẹp phổi, viêm phổi dưới chít hẹp... Một số u lúc đầu lành tính nhưng có thể ác tính hóa sau này dù với tỉ lệ thấp.
Tuổi khởi phát: các khối u phổi ác tính thường xảy ra ở người lớn. Ngược lại, u phổi lành tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Các loại u phổi lành tính thường gặp
Các loại khối u và nốt lành tính ở phổi bao gồm:
Hamartoma
Hamartoma là loại u phổi lành tính phổ biến nhất. Chúng chiếm khoảng 55% trong số các khối u phổi lành tính và 8% trong số các khối u phổi. Khoảng 80% Hamartoma được tìm thấy ở phần mô liên kết của phổi. Phần còn lại xuất hiện bên trong các ống phế quản (đường dẫn khí đến phổi).
Hamartoma được tạo thành từ các mô như sụn, mô liên kết, chất béo và cơ nhưng với số lượng bất thường. Chúng thường có đường kính dưới 4cm và xuất hiện trong phim chụp X-quang ngực dưới dạng một khối tròn giống như đồng xu hay hình dạng lông cừu hoặc bỏng ngô. Tin vui là Hamartoma thường khu trú trong một khu vực giới hạn chứ không có khả năng chèn ép các mô lân cận. Hamartoma thường gặp ở nam giới độ tuổi từ 50 - 70.
U tuyến phế quản
U tuyến phế quản là một loại u phổi lành tính phổ biến khác. Chúng phát triển trong tuyến nhầy hoặc ống dẫn khí lớn của phổi (phế quản).
Papilloma (u nhú)
So với Hamartoma và u tuyến phế quản, u nhú là loại u phổi lành tính ít phổ biến hơn. Chúng phát triển trong các ống phế quản, nhô ra khỏi bề mặt nơi chúng bám vào. Papilloma được chia thành 3 loại:
U nhú dạng vảy: Dạng u nhú này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Đây là kết quả của tình trạng nhiễm virus u nhú ở người. Trong một số trường hợp hiếm hoi, những khối u này có thể chuyển đổi ác tính và trở thành ung thư.
U nhú dạng tuyến: ít phổ biến hơn u nhú vảy và chủ yếu gặp ở người lớn. Chúng hầu như luôn xuất hiện dưới dạng một nốt, nằm ở trung tâm phổi. Chưa xác định được nguyên nhân gây ra u nhú dạng tuyến.
U nhú dạng vảy và tuyến hỗn hợp: Những u nhú này chứa hỗn hợp các mô u nhú cả dạng vảy và tuyến.
Các khối u lành tính hiếm gặp khác bao gồm u chondromas, fibromas, neurofibromas và lipomas. Những khối u này được tạo thành từ mô liên kết hoặc mô mỡ.
Các triệu chứng của khối u phổi lành tính
Các khối u phổi lành tính thường không gây ra triệu chứng rõ rệt. Điều này lý giải tại sao chúng chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi chụp X-quang phổi hoặc chụp CT. Trong một số trường hợp, bệnh nhân u phổi có thể có các biểu hiện như: thở khò khè; ho kéo dài, ho ra máu; hụt hơi; khàn tiếng; sốt, nhất là khi kèm theo viêm phổi; sụt cân, mệt mỏi. Khi đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác bệnh và có hướng can thiệp đúng cách.
U phổi lành tính có đau không?
Ở giai đoạn đầu, các khối u phổi lành tính không biểu hiện bằng bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào, do đó người bệnh hoàn toàn không cảm nhận được cơn đau. Trong một số ít trường hợp khối u phát triển lớn hơn và chèn ép các bộ phận xung quanh, có thể khiến bệnh nhân đau dữ dội vùng ngực lan ra bả vai và vùng sau lưng. Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi ho hoặc vận động mạnh.
Nguyên nhân hình thành khối u phổi lành tính
Cho đến nay, các bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn tới việc hình thành các nốt phổi và u phổi lành tính. Nhìn chung, chúng thường là hậu quả của một số tình trạng như: U hạt (các chùm nhỏ tế bào bị viêm) phát triển do nhiễm vi khuẩn (như vi khuẩn lao) hoặc do nhiễm nấm (như bệnh nấm histoplasmosis); áp xe phổi (nhiễm trùng chứa đầy mủ, thường do vi khuẩn gây ra); viêm do các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, sarcoidosis hoặc u hạt Wegener; nhiễm virus u nhú ở người; hút thuốc lá; dị tật bẩm sinh như u nang phổi, sẹo hoặc dị dạng phổi khác.
Cách chẩn đoán các khối u và nốt phổi lành tính
Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, để chẩn đoán một nốt phổi hay khối u phổi lành tính, ngoài việc xem xét bệnh sử và khám sức khỏe tổng quát cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính nhiều lần. Nếu nốt phổi giữ nguyên kích thước trong ít nhất 2 năm, nó được coi là lành tính. Tuy vậy, bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục kiểm tra nốt phổi của bạn mỗi năm, trong tối đa 5 năm để đảm bảo rằng nó thực sự là u lành.
Trong trường hợp nốt phổi, khối u phổi thay đổi về kích thước/hình dáng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm khác nhằm loại trừ khả năng ung thư hoặc xác định nguyên nhân của sự thay đổi này. Những xét nghiệm này thường là: nội soi phế quản lấy dịch phế quản tìm vi khuẩn lao, nấm, tế bào ung thư hoặc sinh thiết thiết tổn thương nghi ngờ trong lòng phế quản; chụp PET/CT; sinh thiết khối u (qua nội soi phế quản hoặc sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của máy CT) để xác định lành tính hay ác tính.
Điều trị các khối u và nốt phổi lành tính
Với các nốt phổi theo dõi là lành tính, bác sĩ có thể đề nghị bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) nhằm theo dõi bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của khối u.
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u nếu: bạn là người hút thuốc lá hoặc có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao; bạn bị khó thở hoặc gặp phải các triệu chứng đường hô hấp khó chịu khác; các xét nghiệm cho thấy khối u có khả năng tiến triển thành ung thư; nốt phổi hoặc khối u phổi tiếp tục phát triển mà không có dấu hiệu ngừng lại.
Phương pháp phẫu thuật như thế nào tùy thuộc vào vị trí và loại khối u. Bác sĩ có thể loại bỏ một phần nhỏ của khối u, một hoặc nhiều phần của một thùy, một hoặc nhiều thùy của phổi hoặc toàn bộ lá phổi. Trong mọi trường hợp, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng ít mô càng tốt.
Cách phòng tránh u phổi lành tính
Để phòng tránh sự hình thành nốt hoặc u phổi lành tính, bạn cần tuân thủ các điều sau:
Ngừng hút thuốc
Thuốc lá là nguyên nhân gây nên 90% các bệnh liên quan đến phổi, trong đó có u phổi lành tính. Vì thế, biện pháp đầu tiên bạn cần thực hiện là bỏ thuốc ngay.
Tập thói quen đeo khẩu trang
Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý hô hấp. Do đó, bạn hãy tập thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra đường hoặc đến nơi công cộng để "giữ sạch" lá phổi.
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa các bệnh mạn tính không lây, bao gồm cả u phổi lành tính. Vì thế, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh này bằng cách tuân thủ một thực đơn ăn uống khoa học, lành mạnh (giàu chất xơ và tinh bột có lợi; hạn chế thịt đỏ, chất béo xấu; tránh xa thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn; ăn ít hơn 5g muối mỗi ngày).
Tập thể dục thường xuyên
Tình trạng lười vận động không chỉ gián tiếp gây ra các bệnh lý về phổi mà còn là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các ca bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư. Bạn nên làm quen dần với việc tập luyện đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất độc hại
Những người thường xuyên làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại cần được trang bị đồ bảo hộ phù hợp để tránh nguy cơ hít phải khói độc, lâu ngày gây nên các bệnh lý về hô hấp. Một số hóa chất được chứng minh có liên quan đến bệnh u phổi là thạch tín, crom, silic, niken... .
Thiên Lam