"Đây là khối u lớn nhất mà chúng tôi từng phẫu thuật", ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nói hôm 14/10.
Anh Tiến, 33 tuổi, bị ung thư xương (Sarcoma sụn) năm 2016, đã phẫu thuật hai lần cắt bỏ u song không thành công. U to dần ở vùng khung chậu khiến anh đi lại khó khăn. Bác sĩ khuyên tháo bỏ khớp háng để ngăn ngừa khối u phát triển nhưng sẽ khiến chân không thể đi lại bình thường.
Đầu năm nay, anh Tiến tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Bác sĩ Quyền ghi nhận khối u xuất phát từ khung chậu, sau đó xâm lấn vào khớp háng, hiện phát triển quá lớn, chiếm 1/3 mặt trước của đùi phải gây cứng khớp. U còn chèn ép vào thần kinh đùi làm chức năng gấp duỗi gối, phần còn lại của chân và bàn chân ngày càng yếu đi.
Kết quả chụp mạch cho thấy u đã xâm lấn hoàn toàn hệ thống mạch máu ở vùng chậu và đùi, mạch máu tăng sinh bên trong khối u cũng tạo thành các bể máu lớn có nguy cơ chảy máu cao khi phẫu thuật. Theo bác sĩ Quyền, cần đảm bảo tưới máu ở vùng hạ lưu và kiểm soát các nguồn máu nuôi u để giảm chảy máu mới có thể bóc bỏ u an toàn. U đã xâm lấn một phần vào khớp háng và khả năng cao là các tạng trong tiểu khung như bàng quang, niệu quản, trực tràng... nên cuộc phẫu thuật có sự phối hợp liên chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, mạch máu, tiết niệu, tiêu hóa, gây mê hồi sức.
Êkíp tiết niệu nội soi ngược dòng để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u từ bên trong niệu quản và bàng quang của bệnh nhân, đồng thời đặt ống thông dòng tiểu để tránh tổn thương niệu quản trong quá trình phẫu thuật bóc tách sau đó. U lớn chèn ép làm niệu quản bị gập góc khiến việc đặt xông gặp nhiều khó khăn mới có thể thực hiện được.
Tiếp theo, nhóm phẫu thuật viên mạch máu bóc tách mạch máu khỏi khối u và bắc cầu động mạch nhằm đảm bảo tưới máu cho phần xa của chi cũng như kiểm soát chảy máu trong quá trình bóc u. Một đoạn mạch máu dài 40 cm bị xâm lấn hoàn toàn bởi khối u đã được cắt bỏ và thay thế bằng mạch máu nhân tạo.
Sau cùng, nhóm phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình cắt bao vây xung quanh khối u với điều kiện các tạng trong ổ bụng được bảo vệ toàn vẹn và ít gây tổn thương nhất cho khớp háng. Đây là quá trình tốn nhiều thời gian nhất trong cả cuộc đại phẫu.
Bác sĩ Quyền cho biết khó khăn nhất của phẫu thuật khối Sarcoma sụn ác tính ở vùng xương chậu là dễ gây tổn thương các tạng quan trọng hoặc gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm tính mạng người bệnh. Tỷ lệ cắt toàn vẹn khối u cũng không cao như các ung thư xương ở các vị trí khác như xương đùi, xương khớp gối, chân, tay... Sau nhiều giờ nỗ lực, kíp mổ đã bóc tách và đưa khối u toàn vẹn ra khỏi cơ thể bệnh nhân. "Khối u quá lớn, đường mổ quá dài và cấu trúc giải phẫu phức tạp nên chúng tôi phải xử lý rất chậm, cẩn trọng từng bước", bác sĩ Quyền nói.
Giải phẫu bệnh sau phẫu thuật đánh giá toàn bộ diện cắt khối u không còn tế bào ung thư. Bác sĩ Quyền cho biết y văn thế giới ghi nhận ung thư xương sarcoma sụn độ ác tính thấp, nếu thực hiện cắt trọn vẹn được khối u không để lại tế bào ung thư thì tiên lượng hồi phục sức khoẻ trên 90%.
4 tháng sau mổ, vết thương lành hẳn, anh Tiến kiên trì tập vật lý trị liệu nên có thể đi lại và sinh hoạt bình thường, mức độ hồi phục rất nhanh so với thông thường, các chức năng về tiết niệu không bị ảnh hưởng.
Ung thư xương là bệnh xảy ra khi một khối u hoặc một khối mô bất thường hình thành trong xương. Một khối u được đánh giá ác tính khi phát triển mạnh mẽ và lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Trong đó, Sarcoma sụn (Chondrosarcoma) phổ biến thứ hai và chiếm khoảng 25% các trường hợp u xương ác tính. Sarcoma sụn thường phát triển ở xương hông, vai, xương chậu, xu hướng ảnh hưởng đến bộ xương trục thay vì xương tứ chi.
Ung thư xương, nhất là Sarcoma sụn ác tính, là căn bệnh ung thư âm thầm, không phòng tránh được. Do đó, bác sĩ Quyền khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, nhất khi có các dấu hiệu xương hoặc khối sụn phát triển bất thường trên cơ thể, đau khi vận động.
Ly Nguyễn
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |