Ngoài thay đổi cảm xúc hai tháng nay, chị Thủy còn mệt khi leo cầu thang, thở dốc, tim đập nhanh, khó ngủ, sụt 1 kg. Nghĩ mình mắc bệnh tâm lý do áp lực công việc, chị đến bệnh viện kiểm tra tâm lý, bác sĩ nghi ngờ bệnh tuyến giáp.
Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, kết quả xét nghiệm máu cho thấy hormone tuyến giáp tăng cao. Cụ thể hormone FT4 là 40,24 pmol/l cao hơn gấp hai lần bình thường, hormone kích thích tuyến giáp TSH giảm dưới 0,001 mU/L, trong khi bình thường 0,34-5,6 mU/L.
Ngày 22/8, ThS.BS.CKI Võ Đình Bảo Văn, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Thủy mắc bệnh cường giáp. Hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong chuyển hóa. Tăng hormone này ảnh hưởng đến nhiều chức năng như thân nhiệt, tim mạch, hệ thần kinh, tinh thần, cơ xương. Hormone giáp thay đổi nhanh làm xáo trộn cảm xúc của người bệnh, gây ra các triệu chứng như bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ... Nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần nhưng ít gặp hơn.
Men gan của chị Thủy cao gấp 7 lần bình thường. Đây là biến chứng khác do cường giáp gây ra. Tăng nồng độ hormone giáp dẫn đến rối loạn chuyển hóa protid, lipid, tăng men gan. Các rối loạn này thường hồi phục khi tình trạng cường giáp ổn định.
Chị Thủy được điều trị bằng thuốc kháng giáp, ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp, điều trị men gan cao. Sau một tuần, men gan gần về ngưỡng ổn định, hormone tuyến giáp được kiểm soát. Người bệnh ăn cơm ngon miệng hơn, bớt mệt, hết hồi hộp đánh trống ngực, tâm trạng vui vẻ hơn. Bác sĩ tư vấn giúp chị ổn định tâm lý.
Cường giáp không điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, suy tim, song thị, mất thị lực, cơn bão giáp - tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Văn hướng dẫn nhận biết triệu chứng bệnh cường giáp như cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ 37,5-38 độ C, tiêu chảy không kèm đau quặn 5-10 lần một ngày do tăng nhu động ruột và giảm tiết các tuyến của ống tiêu hóa. Người bệnh có thể hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng lao động, yếu cơ. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần gặp bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được khám và điều trị sớm.
Đinh Tiên
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |