Ngày 18/9, ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các chỉ số sinh hiệu của anh Đại lúc nhập viện ở mức bình thường. Đánh giá lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh loại trừ nguy cơ đột quỵ, không có tổn thương não.
Kết quả đo đa ký giấc ngủ và tiềm thời giấc ngủ xác định anh Đại mắc bệnh ngủ rũ loại 1. Tiềm thời giấc ngủ là kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ thực hiện vào ban ngày. Người bệnh được kiểm tra 5 giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút theo lịch trình, mỗi giấc ngủ cách nhau hai giờ.
Bệnh ngủ rủ có hai loại. Người ngủ rũ loại một thường có hypocretin (một loại protein trong não) giảm xuống mức thấp. Khi buồn ngủ, người bệnh ngủ rũ loại một thường mất trương lực cơ đột ngột, có thể bị ngã nhưng không mất ý thức. Sau đó vài phút thì tỉnh lại bình thường. Người mắc bệnh ngủ rũ loại hai, nồng độ hypocretin trong não được duy trì ở mức bình thường. Người bệnh không bị mất trương lực cơ nhưng sẽ buồn ngủ, ngủ sâu rất nhanh. Khi ngủ, người bệnh có thể gặp ác mộng, bóng đè.
Theo đó, người bệnh ngủ rũ có thể đi vào giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) rất nhanh. Đây là giai đoạn giấc ngủ sâu, diễn ra sau ba giai đoạn N1, N2, N3 của giấc ngủ NREM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh). Người bệnh sẽ bỏ qua giai đoạn ngủ NREM. "Đây là lý do anh Đại đột ngột vào cơn buồn ngủ và mất trương lực cơ, ngã xuống nhưng vẫn có ý thức", bác sĩ Bảo Đính nói.
Anh Đại được điều trị bằng thuốc uống có tác dụng tăng sự thức tỉnh ban ngày. Kết hợp các phương pháp điều trị thay thế như tránh xa các chất kích thích thần kinh, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, thường xuyên vận động và thực hiện các bài thể dục phù hợp, kết hợp ngủ ngắn 10-15 phút vào ban ngày.
Sau ba tháng điều trị và tích cực giảm cân, uống thuốc ổn định huyết áp, bệnh ngủ rũ của anh Đại được cải thiện, không xuất hiện tình trạng mất trương lực cơ đột ngột.
Bác sĩ Bảo Đính cho biết nhiều người có thể bị chứng ngủ rũ nhưng không biết. Tình trạng mất trương lực cơ, buồn ngủ sâu nhanh dễ gây tai nạn, nguy hiểm tính mạng cho người bệnh lẫn người xung quanh.
Những người hay buồn ngủ vào ban ngày hay bất cứ giờ nào, ngủ ngáy, có dấu hiệu ngưng thở khi ngủ nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh. Hiện, Bệnh viện Tâm Anh ứng dụng kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ và tiềm thời giấc ngủ với các điện cực chuyên dụng được gắn vào các bộ phận liên quan trên cơ thể. Kỹ thuật này có thể giúp tầm soát, đánh giá, phát hiện sớm bệnh ngủ rũ, ngủ nhiều vào ban ngày, rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ và nhiều bệnh lý thần kinh khác. Từ đó, bác sĩ có phương pháp điều trị kịp thời.
Trường Giang
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |