Ông Tùng, ngụ Bình Dương, thừa cân, ngủ ngáy rất to, tiền sử tăng huyết áp, mỡ máu cao, đau dạ dày. Do thường xuyên ngủ trong vô thức kể cả lúc lái xe, ông từng gặp tai nạn giao thông. Hiện mỗi đêm ông thường chỉ ngủ khoảng 1-2 giờ do không thở được. "Mỗi lần nằm xuống, thiếp đi là hai tay quơ quơ như đuối nước, giống bóng đè, tôi phải ngồi dậy để thở", ông Tùng nói.
Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 22/2, BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ, buồn ngủ không thể nào kiểm soát, mất trương lực cơ, dễ ngã. Đây là rối loạn thần kinh lâu dài liên quan đến giảm khả năng điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức.
Kết quả đo đa ký giấc ngủ cho thấy ông Tùng mắc chứng ngưng thở khi ngủ rất nặng. Ngưng thở khi mức bình thường xảy ra khoảng 4 lần ngưng thở ngắn mỗi giờ. Trong khi đó, ông bị ngưng thở trung bình 41,5 lần mỗi giờ, gấp 10 lần bình thường.
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến ông bị giảm oxy máu về đêm. Với người bình thường, chỉ số oxy máu giảm xuống dưới 80% đã phải hỗ trợ bằng các phương pháp thông khí cơ học (ví dụ thở máy). Trong khi đó chỉ số oxy máu của ông giảm xuống 40%. Ông có nguy cơ cao đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và nhồi máu cơ tim, theo bác sĩ Minh Trung.
Ông cũng được đo đa tiềm thời giấc ngủ (một tính năng của máy đo đa ký giấc ngủ để đánh giá mức độ nghiêm trọng của chứng ngủ rũ vào ban ngày). Kết quả sau 4,8 phút, ông đã ngủ rất sâu, trong khi người bình thường 15-30 phút. Bác sĩ xác định đây là chứng ngủ rũ (narcolepsy) ít gặp.
Bác sĩ kê đơn điều trị ban đầu làm tăng sự thức tỉnh cho bệnh nhân. Sau gần nửa tháng, áp dụng phương pháp nằm nghiêng và uống thuốc, ông cải thiện chứng buồn ngủ ban ngày, giảm ngủ ngáy, ngủ thẳng giấc từ 23h đến 4h. Bác sĩ hô hấp khám cho người bệnh để tìm nguyên nhân và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
Sau ba tháng điều trị, tích cực giảm cân và thay đổi các chỉ số huyết áp, mỡ máu, chỉ số ngưng thở khi ngủ về mức bình thường. Tuy nhiên, ông cần tiếp tục điều trị để ổn định oxy máu, giảm cân, giảm huyết áp, hướng đến hồi phục sức khỏe bình thường.
Ngủ rũ là chứng rối loạn giấc ngủ gây buồn ngủ quá mức vào ban ngày, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khoảng 70% người bệnh cũng trải qua các giai đoạn mất sức mạnh cơ bắp đột ngột (mất trương lực). Buồn ngủ ban ngày quá mức có thể được gây ra bởi các vấn đề khác như ngưng thở khi ngủ, rối loạn trầm cảm, thiếu máu, suy tim, uống rượu và không ngủ đủ giấc.
Bác sĩ Trung khuyến cáo người ngủ ngáy, có dấu hiệu ngưng thở khi ngủ về đêm, ban ngày buồn ngủ nhiều, cần đi khám và điều trị. Kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ có thể giúp tầm soát và phát hiện sớm chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ rũ và nhiều bệnh thần kinh, giấc ngủ khác để dự phòng biến chứng nặng về tim mạch, mạch máu não.
Bình An
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |