Ngày 24/2, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tỷ lệ nam giới mắc bệnh lupus chỉ bằng 1/10 so với nữ giới. Đây là trường hợp nam giới lớn tuổi mắc lupus ban đỏ ít gặp được ghi nhận tại bệnh viện. Bệnh hay xảy ra ở nữ giới 15-40 tuổi.
Bác sĩ Kiều lý giải sự thay đổi của nồng độ hormone trong cơ thể là nguyên nhân phổ biến gây bệnh lupus. Bệnh chủ yếu biểu hiện triệu chứng trên da, thận, khớp. Ở nữ giới, lượng estrogen được sản xuất nhiều hơn. Đó là lý do nam giới ít có nguy cơ mắc bệnh hơn so với phụ nữ. Lupus ở nam giới thường khởi phát ở độ tuổi muộn hơn và có xu hướng tổn thương cơ quan nặng hơn.
Tháng trước, ông Vỹ đau nhức khắp người, sưng và đau hai gối khi đi lại, khám tại một bệnh viện được chẩn đoán thoái hóa khớp gối, uống thuốc theo toa. Tình trạng có cải thiện dần, nhưng sau đó ông đau ngực râm ran, cơn đau tăng khi nằm, hít sâu, không liên quan gắng sức. Ông còn bị phù cẳng chân hai bên, mệt, khó thở, nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám.
Bác sĩ Cơ xương khớp nhận thấy ông đau ngực nhiều - triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch nên chỉ định siêu âm tim. Kết quả cho thấy ông bị tràn dịch màng tim (tích tụ chất lỏng bất thường ở giữa hai lớp của màng ngoài tim), mức độ trung bình.
BS.CKI Phạm Phong Luân, khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chọc dịch màng tim cho người bệnh, dẫn lưu ra 400 ml dịch máu loãng màu đỏ sẫm (dịch màng tim bình thường chỉ 15-35 ml). Ông Vỹ đỡ đau ngực, hết khó thở ngay sau đó. Xét nghiệm dịch màng tim cho thấy đây là dịch tiết, không có vi khuẩn lao hay tế bào ác tính. Kết quả xét nghiệm miễn dịch ghi nhận kháng thể ANA và Anti-dsDNA dương tính, xác định ông mắc lupus ban đỏ hệ thống.

Bác sĩ Luân kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: Hạ Vũ
Lupus ban đỏ (lupus hoặc lupus ban đỏ hệ thống) là bệnh tự miễn. Hệ miễn dịch được xem là lá chắn, bảo vệ cơ thể bằng cách sinh ra kháng thể tấn công vi khuẩn và tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Bệnh lupus ban đỏ xảy ra khi hệ miễn dịch bị lỗi, thay vì tạo kháng thể phòng bệnh lại tấn công các mô lành của cơ thể. Lâu dần các tế bào miễn dịch khác cũng tham gia vào cuộc "nội chiến" này, dẫn tới quá trình viêm, tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
Ông Vỹ được điều trị bằng corticoid và thuốc ức chế miễn dịch, giúp giảm đau khớp và cải thiện triệu chứng. Bệnh nhân hết đau ngực, lượng dịch màng tim giảm, khỏi đau khớp gối, giảm phù chân sau ba ngày. Chức năng gan thận ổn định, giảm đau ngực, ông xuất viện sau 10 ngày điều trị nội trú, cần tái khám định kỳ, uống thuốc để ổn định bệnh, tránh biến chứng lên tim, thận, khớp về sau.
Theo bác sĩ Luân, lupus ban đỏ khó chẩn đoán. Trường hợp ông Vỹ không có dấu hiệu rõ rệt, chỉ đau nhức hai gối. Phải gần một tháng sau, bệnh biểu hiện triệu chứng tràn dịch màng tim, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm.
Hiện lupus ban đỏ chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thuốc kiểm soát bệnh ổn định. Phòng ngừa các đợt bệnh bùng phát cấp bằng cách hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo dài tay, đội khăn, mũ khi ra ngoài, tiêm vaccine để nâng cao hệ miễn dịch, hạn chế ăn mỡ động vật, kiêng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, không thức khuya, tránh xa stress và theo dõi điều trị đều đặn. Đi khám để phát hiện bệnh sớm khi thấy xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi kéo dài, phát ban trên da mặt dạng cánh bướm, đau bụng, đau khớp, rụng tóc, chóng mặt, nhức mỏi toàn thân.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |