Bà Thoa bị hoại tử ba ngón chân trái hồi tháng 8/2023, chụp CT ghi nhận hẹp nặng động mạch chày trước, được phẫu thuật cắt 1/3 cẳng chân. Nay đầu ngón thứ ba của chân phải bị loét to dần, tím tái đau nhức, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 19/12, ThS.BS Nguyễn Phạm Diễm Kiều, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết ngón thứ ba ở chân phải của bà Thoa có dấu hiệu hoại tử, hẹp nặng động mạch chày, động mạch mác và động mạch mu chân. "Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống hơn 20 năm nay tiến triển gây biến chứng suy tim, suy thận, viêm tắc mạch máu chân", bác sĩ Kiều nói.
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE hoặc lupus) là bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì tạo kháng thể phòng bệnh thì lại tấn công các mô lành của cơ thể. Lâu dần, tế bào miễn dịch khác cũng tham gia vào quá trình này, dẫn tới viêm, tổn thương các mô trong hệ thống. Bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả cơ quan.
Một trong những biến chứng nghiêm trọng của lupus là xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. Ở trường hợp bà Thoa, mảng xơ vữa tích tụ gây bít tắc hệ động mạch chi dưới. Vùng cẳng chân, bàn chân, ngón chân thiếu máu nuôi nghiêm trọng gây triệu chứng đau chân, khó lành, một số mô bị hoại tử.
BS.CKI Dương Đình Hoàn, Trưởng Đơn vị Can thiệp thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định nếu không nong mạch khơi thông dòng máu nuôi chi, vết thương của bà Thoa ngày càng lan rộng tăng nguy cơ hoại tử bàn chân và cẳng chân, tình huống tệ nhất là buộc phải cắt chân. Bác sĩ Hoàn cùng êkíp tiến hành can thiệp, nong rộng lòng mạch để tăng tưới máu cho ngón chân của bệnh nhân và giữ lại các mô lành. Riêng ngón chân thứ ba đã hoại tử nặng không còn dấu hiệu phục hồi nên phải cắt bỏ. Sau can thiệp, bà Thoa giảm đau chân, chi ấm, ngón chân hồng.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lupus. Người bệnh cần tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ nhằm ngăn chặn đợt cấp bùng phát, hạn chế biến chứng. Nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thoa kem chống nắng hàng ngày để ngăn ngừa tia UVA và UVB. Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng, kiểm soát căng thẳng bằng cách ngồi thiền, tập yoga, massage, đọc sách, nghe nhạc, ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn.
Theo bác sĩ Kiều, bệnh lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể nên biểu hiện đa dạng. Đến bệnh viện khám khi có các dấu hiệu bất thường như đau khớp, mệt mỏi kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, rụng tóc, phát ban trên da...
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |