Hầu hết các cơn đau đầu không để lại hậu quả nghiêm trọng và không gây tử vong. Chúng đến từ các nguyên nhân như căng thẳng, thiếu ngủ, thói quen chưa phù hợp, thay đổi môi trường sống... ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý một số trường hợp đau đầu có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như u não và các bệnh thần kinh nguy hiểm khác.
U não có thể ác tính (ung thư) hoặc lành tính (không phải ung thư). Các khối u có thể bắt nguồn từ não (khối u não nguyên phát) hoặc ung thư bắt đầu ở các bộ phận khác của cơ thể và lan đến não (khối u não thứ phát hoặc di căn).
Hộp sọ là một khoang kín. Khi khối u phát triển và chiếm không gian sẽ dẫn đến tăng áp lực bên trong hộp sọ gây đau đầu. Áp lực tăng lên thì cơn đau đầu sẽ tăng về cường độ và tần suất. Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến của khối u não. Những triệu chứng này tồi tệ hơn vào buổi sáng và thường làm người bệnh thức giấc, không giống như những cơn đau đầu khác thường nặng hơn vào buổi tối.
Đau đầu liên quan đến khối u não cũng tăng lên do ho, hắt hơi hoặc tập thể dục. Chúng thường đi kèm với nôn mửa hoặc nhìn mờ và nhìn đôi. Sự hiện diện của chứng động kinh hoặc co giật cũng có thể chỉ ra nguyên nhân nghiêm trọng của cơn đau đầu. Bệnh nhân cũng có thể bị suy nhược thần kinh bao gồm yếu hoặc tê tay hoặc chân, khó nói, các vấn đề về thính giác hoặc thay đổi hành vi.
"Đau đầu do khối u não khác với đau đầu thông thường là cơn đau thường dai dẳng, tiếp tục tăng theo thời gian, khởi phát vào sáng sớm. Kèm theo đó là sự hiện diện của các triệu chứng thần kinh liên quan được mô tả ở trên", bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.
Các cơn đau đầu nặng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thần kinh nguy hiểm khác như đột quỵ xuất huyết não, nhiễm trùng não, viêm màng não, phình động mạch não...
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm, việc chẩn đoán khối u não được thực hiện thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Các bác sĩ có thể chẩn đoán u não thông qua các bài kiểm tra cận lâm sàng và phân tích hình ảnh học sọ não được chụp chiếu từ các máy cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT) hoặc X-quang. Mục đích là phải xác định được tính chất của khối u (u lành tính hay ác tính); nguồn gốc của khối u (tự phát hay do di căn); kích thước, vị trí và giai đoạn phát triển.
Điều trị khối u não phụ thuộc vào loại, kích thước và vị trí của khối u. Các phương pháp điều trị u não hiện nay bao gồm điều trị với phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc tấn công mục tiêu và các loại thuốc hỗ trợ điều trị khác. Trong đó, phẫu thuật là phương thức điều trị chính của hầu hết các khối u não, nhất là khi u kích thước lớn.
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, điều trị u não giúp bệnh nhân loại bỏ được càng nhiều khối u, giảm thiểu biến chứng hậu phẫu và ngăn chặn chúng tái phát. Mặc dù điều này có thể đạt được ở hầu hết các khối u lành tính nhưng sẽ gặp khó khăn hơn đối với các khối u ở gần mạch máu hoặc dây thần kinh quan trọng. Với các khối u não ác tính, sau khi loại bỏ tất cả khối u nhìn thấy được, các tế bào khối u cũng có thể còn sót lại và tồn tại ở độ sâu khó phát hiện. Khi đó, người bệnh cần được điều trị thêm bằng xạ trị và hóa trị.
U não ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Việc trang bị kiến thức về bệnh cũng giúp người bệnh sớm phát hiện bất thường và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "U Não - Chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả bằng phương pháp hiện đại" vào 20h ngày 21/12, phát trên fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia của hai chuyên gia từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM gồm ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm Thần kinh; BS.CKII Nguyễn Văn Phúc - Trưởng đơn vị Hình ảnh học Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp ngay trong chương trình. |
Bình An