Bà Phạm Thị Huê, đau bụng, đi ngoài 5 lần mỗi ngày, uống men tiêu hóa, điện giải không bớt. Bà đau bụng dữ dội hơn, nhất là ở quanh rốn, hạ sườn phải, sốt nhẹ, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy túi mật căng to tới tận vùng chậu, thành dày, xoắn gần 180 độ, ngược chiều kim đồng hồ tại vị trí phễu túi mật, nhiều dịch.
Ngày 7/3, BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết túi mật của người bệnh còn xuất hiện tình trạng xung huyết, hoại tử tím đen do quá trình cung cấp máu cho túi mật bị cản trở.
Bà Huê được phẫu thuật nội soi cắt trọn túi mật. Sau phẫu thuật, bà không còn đau bụng, xuất viện sau hai ngày.
Theo bác sĩ Bích, các trường hợp xoắn túi mật thường được chẩn đoán trong lúc mổ, do các biểu hiện lâm sàng và các đặc điểm hình ảnh không đặc hiệu. Bệnh dễ nhầm lẫn với viêm túi mật hoại tử do sỏi trước mổ.
Xoắn túi mật thường gặp ở phụ nữ tuổi 60-80, thể trạng gầy yếu. Bệnh gồm hai thể là xoắn hoàn toàn (trên 180 độ) và xoắn không hoàn toàn (dưới 180 độ).
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây xoắn túi mật vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh, bao gồm túi mật có mạc treo bị xoắn, người lớn tuổi bị mất chất béo, teo mô, khiến túi mật treo tự do. Người thường xuyên vận động mạnh, bị sỏi mật, cũng có khả năng cao mắc bệnh.
Xoắn túi mật ít gặp nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bác sĩ Ngọc Bích khuyến nghị người có các triệu chứng bất thường cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |