VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ tư, 26/6/2024
Người lớn: Giảm cân/Tăng cân/Tăng cơ giảm mỡ/Tăng sức đề kháng/Chống lão hoá
Lê Anh Dũng, 47 tuổi, Tô Hiệu, Trại Cau, Lê Chân, Hải Phòng

Tôi cao 1,56 m, nặng 53 kg, huyết áp 110/70, sức khoẻ tốt. Tôi uống một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày, loại của Mỹ. Tôi muốn hỏi uống kéo dài có tốt không và cần lưu ý gì không? Tôi xin cám ơn bác sĩ.

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha

Chào bạn,

Tốt nhất, bạn nên duy trì chế độ ăn cân đối các nhóm thực phẩm. Các vitamin và khoáng chất trong tự nhiên là nguồn cung cấp và hấp thu tốt nhất. Đồng thời, bạn cần điều chỉnh lại thói quen ăn uống cho hợp lý hơn. Tuy nhiên, có một số loại vitamin và khoáng chất không thể cung cấp đủ từ thực phẩm thì vẫn phải nạp từ bên ngoài. Bạn vẫn có thể bổ sung nhưng phải chọn loại có uy tín và hàm lượng phù hợp với nhu cầu cơ thể. Bởi vì bổ sung thừa vitamin lâu dài cũng sẽ gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về chế độ dinh dưỡng cũng như loại thuốc bổ sung vitamin phù hợp, bạn có thể đến thăm khám bác sĩ.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Phan Tùng Lâm, 11 tuổi, Hà Đông

Con của tôi sinh tháng 12/2009, cháu 56 kg cao 1,45 m. Tình trạng thừa cân đã lâu, cháu ăn không nhiều, nhưng cân nặng vẫn tăng đều. Muốn tư vấn bác sĩ để cháu giảm cân không thiếu canxi và tăng chiều cao. Cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Con bạn đang ở vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh về chiều cao. Trong độ tuổi này, việc điều chỉnh cân nặng cho bé cần hết sức cẩn thận, vì bé cần dinh dưỡng tối đa để kích thích tăng chiều cao tối ưu. Nếu giảm cân không đúng cách sẽ đồng nghĩa với hạn chế tăng cao.

Đối với giai đoạn nhạy cảm này, bác sĩ khuyên bạn nên đưa con đến khám để được các chuyên gia xây dựng chế độ dinh dưỡng - vận động phù hợp với thể trạng, giúp bé phát triển chiều cao và có cân nặng hợp lý trong giai đoạn dậy thì.

Cảm ơn bạn.

Bệnh mãn tính: Tiểu đường/Cao huyết áp/Bệnh thận/Bệnh gan/Ung thư
Le Thi Huyen Trang, 28 tuổi, Tây Ninh

Em năm nay 28 tuổi, cao 1,50 m - 40 kg. Em bị nhiễm virus viêm gan B và HPV, hiện tại virus bất hoạt nên bác sĩ bảo không cần dùng thuốc điều trị. Kính mong các bác sĩ Nutrihome tư vấn giúp em chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao như thế nào để tăng cường sức đề kháng, cũng như ...

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha

Chào bạn,

Trường hợp của bạn là bệnh lý do nhiễm virus. Đối với HPV không có lưu ý gì đặc biệt trong dinh dưỡng. Đối với nhiễm viêm gan B giai đoạn ổn đinh thì ngoài chế độ dinh dưỡng như người bình thường, bạn cần chọn những thực phẩm tốt cho gan như thực phẩm giàu đạm (cá, thịt, trứng, sữa...); thực phẩm chứa đường và vitamin (hoa quả tươi, sữa chua...); thực phẩm dễ tiêu. Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm các loại rau quả giàu vitamin như bầu, bí, cà chua, cải bắp, quýt, táo... Các thực phẩm như bột mì, gạo tẻ, đậu tương, đậu đen, đậu xanh..., nên được cung cấp đầy đủ trong các bữa ăn để duy trì năng lượng cần thiết cho cơ thể.

Người bệnh viêm gan B không nên ăn đồ chiên, xào nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, người bệnh viêm gan B cũng cần hết sức tránh kiêng một số thực phẩm như thực phẩm có mỡ, các món xào, rán, quay, nhiều dầu mỡ... Tuyệt đối kiêng rượu bia, chất kích thích, bởi sẽ làm hại trực tiếp đến gan. Ngoài ra, bạn cần hạn chế ăn thực phẩm quá bổ dưỡng, nhiều đạm, tính nóng như thịt dê, ba ba, lòng đỏ trứng gà, thịt chó...

Bạn không nên ăn nhiều gan do gan bị bệnh sẽ chuyển hóa kém, gây rối loạn tiêu hóa nặng hơn. Không nên ăn các thực phẩm quá nhiều đường, giàu chất ngọt, khiến gan không chuyển hóa hết được, làm tăng đường huyết, có thể dẫn đến đái tháo đường. Bạn cần hạn chế ăn các loại hạt có nhiều chất béo như lạc, dừa, hạt điều, hướng dương... gây cản trở chuyển hóa chất béo là tích mỡ ở gan, ảnh hưởng nặng thêm đến chức năng gan.

Cảm ơn bạn.

Người lớn: Giảm cân/Tăng cân/Tăng cơ giảm mỡ/Tăng sức đề kháng/Chống lão hoá
Nguyễn Thị Thu Hà, 50 tuổi, CMT8, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương

Bé gái nhà tôi năm nay 10 tuổi, nặng 34 kg, mà chỉ cao 1,34 m. Trí não phát triển bình thường, là học sinh giỏi bốn năm liền, thể chất vận động tốt, thể thao bé chơi tốt hai môn bơi và tennis. Xin tư vấn làm thế nào để chiều cao bé phát triển vì như hiện nay là bé bị lùn so ...

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Các số đo của con bạn vẫn đang nằm trong khoảng chuấn bình thường theo tuổi, tuy nhiên con đang có sự thiếu hụt về chiều cao so với các bạn cùng tuổi. Có hai thời điểm vàng mà chiều cao có sự tăng nhảy vọt là giai đoạn trẻ dưới hai tuổi và giai đoạn dậy thì. Sau đó, chiều cao sẽ tăng chậm lại và dừng hẳn ở tuổi 25, rất khó để tác động vào chiều cao khi giai đoạn dậy thì kết thúc, hiệu quả điều trị sẽ khó tiên lượng.

Với độ tuổi của con có lẽ con chuẩn bị hoặc vừa mới bước vào giai đoạn dậy thì. Đây là cơ hội để hỗ trợ việc gia tăng chiều cao của con bắt kịp hoặc có thể vượt các bạn cùng tuổi. Cho nên, gia đình cần đưa con đi khám tại trung tâm dinh dưỡng, để các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra các vi chất quan trọng liên quan đến tăng trưởng và phát triển chiều cao, từ đó bổ sung kịp thời nếu có sự thiếu hụt, xây dựng cho con khẩu phần ăn khoa học. Các bài tập vận động và lối sống phù hợp còn giúp thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao cho con.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Hiến, 26 tuổi, Hà Nội

Bé gái nhà em bốn tháng tuổi, cân nặng lúc sinh là 3,3 kg. Hiện tại, sau bốn tháng cân nặng của cháu mới có 5,5 kg, chiều cao của cháu là 62 cm, nhanh nhẹn, ngủ tốt ạ. Hai tháng đầu cháu bú nhiều nhưng cũng hay bị nôn. Vì thấy cân nặng cháu tặng và nôn nhiều trong tuần cuối tháng thứ hai, ...

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai

Chào bạn,

Bé nhà mình cân nặng và chiều cao đều trong mức bình thường tuy hơi nhẹ cân hơn so với các bạn cùng tuổi cùng giới. Về chế độ dinh dưỡng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong sáu tháng đầu. Một số mẹ khi thấy con chậm tăng cân có quan niệm rằng hay là tại sữa mình nóng, sữa người ta mát nên con người ta bụ bẫm thế kia... Trong y khoa không có khái niệm sữa nóng hay sữa mát. Đó hoàn toàn là quan niệm sai lầm, sữa mẹ luôn tổng hòa đầy đủ các dưỡng chất và kháng thể.

Về hiện tượng bé không tăng cân, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể do mẹ không đủ sữa (lượng sữa không đủ) cho bé bú hoặc mẹ cho bé bú chưa đúng cách. Nếu trẻ có ăn bổ sung, ngoài xem xét lượng sữa, mẹ cần xem lại cả chế độ ăn bổ sung có đáp ứng đủ nhu cầu của bé không.

Bạn có thể đưa bé đến khám, phân tích thành phần sữa mẹ, từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn hướng dẫn cách cho bé bú và dinh dưỡng phù hợp cho mẹ để tăng cường sữa mẹ.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Phạm Vũ Khánh Băng, 37 tuổi, Chung cư Hai Thành, Q.Bình Tân, HCM

Bé gái nhà em tám tuổi, cao 1,3 m, nặng 22 kg. Bé rất biếng ăn, chỉ ăn vài món yêu thích. Em cho bé uống mật ong mỗi ngày một muỗng cà phê lúc mới ngủ dậy. Nhưng em nghe nói mật ong làm trẻ dậy thì sớm, có đúng không ạ? Em cảm ơn.

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Chiều cao hiện tại của bé đang trong ngưỡng phát triển tối ưu. Tuy nhiên cân nặng so với chiều cao lại đang thiếu, để cân đối với chiều cao của bé thì còn thiếu 4,5 kg. Tình trạng thiếu cân này có thể là do việc biếng ăn, chỉ ăn một số món. Ở độ tuổi này, trẻ cần ăn mỗi ngày ba bữa cơm và thức ăn, hai đến ba bữa phụ như sữa, sữa chua, trái cây hay bánh. Lượng sữa cần thiết cho trẻ là 400-500 ml một ngày. Ăn đầy đủ, đa dạng và cân đối các nhóm thức ăn.

Mật ong chứa thành phần chủ yếu là đường, cũng như hỗn hợp các axit amin, vitamin, khoáng chất, sắt, kẽm và chất chống oxy hóa. Việc mật ong gây dậy thì sớm hiện chưa có nghiên cứu hay bằng chứng nào cụ thể. Tuy nhiên không nên sử dụng quá thường xuyên để thay thế các thực phẩm khác. Như đã nói ở trên, trẻ cần được ăn đa dạng, cân đối và đầy đủ.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Ái Trọng, 29 tuổi, Linh Trung, Thủ Đức

Bé gái nhà em 30 tháng. Khi sinh, bé được ba kg bằng phương pháp mổ. Từ bé, bé chỉ bú mẹ không ti bình mặc dù vắt sữa mẹ cho vào bình. Bé ăn dặm tốt. Tuy nhiên, bé không tăng cân. Bé đi học nhà trẻ, bé nhanh nhẹn, ăn đúng cử và hết phần. Bé vừa bị TCM xong, nên hiện tại ...

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai

Chào bạn,

Hiện tại cân nặng và chiều cao của bé vẫn phát triển trong khoảng chuẩn bình thường, tuy nhiên thấp hơn so với trung bình của bạn bè cùng tuổi, cùng giới. Với trẻ ở độ tuổi này thì nên ăn mỗi ngày 3 bữa cơm cùng với thức ăn, ngoài ra nên sử dụng thêm 2-3 bữa phụ gồm sữa, sữa chua, trái cây hoặc bánh. Lượng sữa sử dụng cho bé là 400-600 ml mỗi ngày. Muốn trẻ tăng cân thì ăn số lượng nhiều chưa đủ, ăn cần đầy đủ, đa dạng nhóm thực phẩm, cân đối các nhóm chất, ngoài ra cần tính toán nhu cầu năng lượng để bé hoạt động, phát triển cũng như tăng cân. Ngoài ra, vận động cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cho việc tiêu hóa hấp thu thức ăn cũng như góp phần giúp trẻ ăn ngon và tăng cân. Tình trạng đi tiểu lắt nhắt nếu có kèm theo tiểu buốt, và tiểu máu thì có khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy cần cho bé đi khám sớm để điều trị cho trẻ.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Tấn Đức, 30 tuổi, HCM

Mẹ tôi 55 tuổi mắc tiểu đường tuýp 2. Ngoài chế độ ăn uống mỗi ngày thì tôi có khuyến khích mẹ đi tập thể dục để có sức khỏe tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết nên cho mẹ tập những bài tập nào hợp lý với độ tuổi và bệnh lý, nhờ bác sĩ tư ...

ThS.BS Phạm Thanh Nghị

Chào bạn,

Người bệnh mắc tiểu đường tuýp 2 dễ bị các biến chứng tim mạch (như HA cao, hẹp mạch máu ở tim, tay chân, thận, não), béo phì và yếu do teo cơ, tay chân tê. Trong trường hợp này, tập vận động sẽ giúp giảm HA, giảm mỡ máu, giảm đường trong máu và làm tăng bắp cơ, sức cơ. Các bài tập phải được thiết kế khoa học, phù hợp với tình trạng tim mạch và thể lực từng người.

Chính vì lý do đó, bạn nên cho mẹ đi khám tại những Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động uy tín như Nutrihome. Tại đây, đội ngũ bác sĩ Y học Thể thao - Vận động sẽ đưa ra phác đồ, chế độ vận động, luyện tập phù hợp với thể trạng và mục tiêu điều trị, phòng tránh được các chấn thương hoặc tác động xấu đến hệ cơ xương khớp mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Tiếp đến, khách hàng sẽ được HLV thể thao chuyên nghiệp hướng dẫn các bài tập khoa học, phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cho quá trình điều trị. Đây là những bài tập được thiết kế riêng theo thể trạng, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng hoặc bệnh lý của khách hàng.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Luong Nguyet Tam, 50 tuổi, Cao Bằng

Tôi có cháu gái sinh năm 2005, hiện nay cao 1,5 m, nặng 48 kg. Tôi muốn được tư vấn để tăng chiều cao cho cháu.

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Với chiều cao 1.5 m, bé nhà bạn có chiều cao trong giới hạn bình thường nhưng thiếu 11.7 cm so với các bạn cùng tuổi cùng giới. Còn cân nặng dư 2.4 kg so với điểm trung bình ở trẻ cùng chiều cao nên vấn đề của bé nhà bạn là cần tăng chiều cao.

Để tăng chiều cao cho bé, ngoài gen còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, vận động và ngủ nghỉ, sinh hoạt. Quan trọng nhất là phải cân đối các tỷ lệ vitamin và khoáng chất cho bé, cũng như cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày.

Bé nhà bạn 15 tuổi, thường là qua giai đoạn dậy thì. Chiều cao sau giai đoạn dậy sẽ tăng rất chậm và cần nhiều sự nỗ lực mới mong cải thiện được. Trong giai đoạn này, cần cung cấp đủ các dưỡng chất cũng như vitamin và khoáng chất cho cơ thể bé, phải đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng của trẻ thông qua thăm khám và xét nghiệm, phối hợp vận động để kích thích trẻ ăn uống.

Để tối ưu hóa chiều cao của con, ngoài việc uống sữa, con còn cần chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và các vi chất quan trọng giúp tăng chiều cao như kẽm, magie... đồng thời bổ sung vitamin D qua thức ăn hoặc tắm nắng đúng cách. Chế độ vận động phù hợp khoảng 30 - 60 phút một ngày, ít nhất năm ngày một tuần cũng rất quan trọng để hỗ trợ bé phát triển chiều cao. Bạn có thể đưa bé đến thăm khám bác sĩ để được đánh giá tình trạng dinh dưỡng và tư vấn chế độ ăn uống - tập luyện giúp bé phát triển tối đa chiều cao trong giai đoạn quan trọng này.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Đinh Thị Huyền Cơ, 32 tuổi, Liên Phường, Phước Long B, Q9

Em có bé gái khi ở 32 tuần bị vỡ ối, nằm dưỡng tại bệnh viện đến 34 tuần thì phải phẫu thuật lấy bé. Bé lúc sinh được 2,8 kg, dài 54 cm. Hiện tại bé được 20 tháng, nặng 12 kg, cao 83 cm, bé biết đi lúc 15 m.
Vấn đề 1: hiện tại bé đi vẫn chưa được cứng cáp như ...

BS Nguyễn Văn Quang

Chào chị,

Bé gái nhà chị sinh ở lúc 34 tuần như vậy là bé sinh non. Hiện tại, cháu 20 tháng tuổi, cân nặng 12 kg, cao 83 cm, theo bảng chiều cao và cân nặng chuẩn với trẻ 20 tháng của WHO thì cháu phát triển đạt chuẩn.

Vấn đề một: Câu hỏi này của chị có thể chia làm hai ý:

- Thứ nhất: Bé 20 tháng tuổi mà bé đi chưa vững so với các bé khác. Mỗi bé sẽ khác nhau một chút về thời điểm biết đi, thông thường bé sẽ tập đi trong giai đoạn 12-18 tháng và sẽ hoàn thiện kỹ năng đi vững tới lúc 3 tuổi.

Bé nhà chị 20 tháng tuổi, đã biết đi ở tháng thứ 15 nhưng đi chưa vững so với trẻ khác thì chị đừng nên quá lo lắng, vì bé vẫn trong giai đoạn hoàn thiện kỹ năng đi vững. Có thể bé có tiền sử sinh non nên bị thiệt thòi hơn các trẻ sinh đủ tháng khác. Mọi cơ quan trong cơ thể bé còn chưa phát triển toàn diện, trong đó có hệ vận động nên bé chậm hơn các bé khác.

Thứ hai: Bé nhà chị đi được vài bước lại nhón gót đi bằng các đầu ngón chân. Trẻ đi nhón chân hay còn được gọi là trẻ đi nhón gót, là hiện tượng trẻ đi bằng đầu ngón chân hoặc phần trước của gan bàn chân khi di chuyển. Theo nghiên cứu, tật đi nhón gót hay gặp ở trẻ trong giai đoạn tập đi, tức là dưới hai tuổi.

Chị nên đưa trẻ đi khám khi sau hai tuổi nếu trẻ vẫn đi nhón gót. Chị cũng nên theo dõi xem bé chỉ đi nhón gót lúc tập đi hay còn xuất hiện thường xuyên trong những sinh hoạt hàng ngày khác của trẻ. Nguyên nhân do lúc này các gân cơ ở bắp chân (cẳng chân) của trẻ đã bắt đầu bị co rút và ngắn hơn bình thường, khiến cho gót chân bị nhón lên và trẻ không thể đặt chán xuống đất.

Vấn đề thứ hai: Theo như chị mô tả, hai con ngươi của bé lệch vào trong mà không ở giữa mắt như người bình thường. Bé lại có tiền sử đẻ non. Vì vậy, tôi đang nghĩ tới trường hợp trẻ bị lác mắt trong. Một số triệu chứng khác của trẻ bị lác mắt như thường nhìn lệch, nhìn nghiêng hoặc quay đầu mới nhìn thấy đồ vật bên cạnh.

Tuy nhiên, vì các triệu chứng chị cung cấp chưa đầy đủ và không rõ ràng, vì vậy để xác định rõ tình trạng mắt của bé, chị cần cho cháu đi khám sớm để được thăm khám kỹ hơn.

Cảm ơn chị.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Nguyễn Việt anh, 43 tuổi, Nguyễn Kiệm, P3, Gò Vấp

Năm nay em 43 tuổi. Thời gian gần đây em hay bị đau đầu gối phải. Đầu gối khi co hay gập lại phát ra tiếng kêu lục cục. Bác sĩ cho hỏi em bị bệnh gì và nên đi khám ở đâu? Cảm ơn bác sĩ nhiều!

ThS.BS Phạm Thanh Nghị

Chào bạn,

Đau đầu gối có rất nhiều nguyên nhân như hoạt động quá tải, mòn khớp chè đùi, tổn thương sụn, thoái hóa khớp. Vì vậy, bạn nên đến khám và có thể cần đến hình ảnh cận lâm sàng tại các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Le Huong, 48 tuổi, Chung cư Riverside Residence, Nguyễn Lương Bằng, Quận 7

Con trai tôi 11 tuổi, nặng 66 kg, cao 1,55 cm. Xin bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt chống béo phì. Xin cảm ơn.

PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương

Chào bạn,

Với BMI là 27.4, con bạn bị béo phì, chiều cao phát triển tốt so với bạn cùng tuổi cùng giới. Con bạn đang ở vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh về chiều cao. Trong độ tuổi này, điều chỉnh cân nặng cho bé cần hết sức cẩn thận, vì bé cần dinh dưỡng tối đa để kích thích tăng chiều cao tối ưu. Nếu giảm cân không đúng cách sẽ đồng nghĩa với hạn chế tăng cao. Trong giai đoạn này, cần cung cấp đủ các dưỡng chât cũng như vitamin và khoáng chất cho cơ thể bé, cũng cần phải đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng của trẻ thông qua thăm khám và xét nghiệm.

Bên cạnh đó, cần phối hợp vận động để kích thích trẻ ăn uống. Để tối ưu hóa chiều cao của con, ngoài việc uống sữa, con còn cần chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và các vi chất quan trọng giúp tăng chiều cao như kẽm, magie... đồng thời bổ sung vitamin D qua thức ăn hoặc tắm nắng đúng cách. Chế độ vận động phù hợp khoảng 30 - 60 phút một ngày, ít nhất năm ngày một tuần cũng rất quan trọng để hỗ trợ bé phát triển chiều cao.

Đối với giai đoạn nhạy cảm này, bác sĩ khuyên bạn nên đưa con đến khám bác sĩ để được các chuyên gia xây dựng chế độ dinh dưỡng - vận động phù hợp với thể trạng, giúp bé phát triển chiều cao và có cân nặng hợp lý trong giai đoạn dậy thì.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Nguyen Thi Linh, 40 tuổi, Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM

Bé gái nhà em năm nay 13 tuổi, cao 1,56 m, nặng 59 kg, xin bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống hợp lý để bé giảm cân cũng như phát triển chiều cao cho bé a. Em cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Phạm Thị Thu Hương

Chào bạn,

Con bạn đang có chiều cao nằm trong khoảng chuẩn bình thường so với tuổi, tuy nhiên với cân nặng hiện tại. con đang có nguy cơ thừa cân trong tương lai nếu tình trạng mất cân xứng này không được giải quyết. Để tối ưu hóa về chiều cao và sự cân xứng giữa cân nặng - chiều cao, cần có sự kết hợp của cả dinh dưỡng - vận động và lối sống điều độ, lành mạnh.

Các bác sĩ dinh dưỡng - y học vận động cùng các huấn luyện viên thể hình có thể giúp xây dựng cho con khẩu phần ăn khoa học đủ dinh dưỡng, các bài tập vận động phù hợp để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Ben Cường, 40 tuổi, Hà Tĩnh

Em có hai bé sinh đôi, khi 7 tháng tuổi thì bé thứ nhất nặng 1,2 kg, bé thứ hai nặng 0,9 kg (Sinh tháng 4/2016). Hiện nay bé thứ nhất nặng 12 kg cao 95 cm, bé thứ hai nặng 15 kg cao 103 cm, ăn ngủ tương đối điều độ. Các bé đều có thói quen tù lúc trước đến giờ là ngủ ...

PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương

Chào bạn,

Bé thứ nhất nhà bạn hiện chiều cao đã ở mức suy dinh dưỡng thấp còi. Ở độ tuổi này, bé cần ăn ba bữa chính, ba bữa bổ sung, ăn đa dạng tám nhóm thực phẩm, uống khoảng 600 ml sữa. Để phát triển chiều cao của con, ngoài việc uống sữa, con còn cần chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và các vi chất quan trọng giúp tăng chiều cao như kẽm, magie... đồng thời bổ sung vitamin D qua thức ăn hoặc tắm nắng đúng cách. Bên cạnh đó, chế độ vận động phù hợp khoảng 30-60 phút một ngày, ít nhất một ngày một tuần cũng rất quan trọng để hỗ trợ bé phát triển chiều cao.

Để tăng cân bé cần cung cấp đủ khẩu phần và cách chế biến phù hợp. Bên cạnh đó cần giáo dục về tâm lý cho trẻ và cả người nuôi dưỡng để tập cho bé ăn uống tốt hơn. Ngoài ra còn cần phải đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng của trẻ thông qua thăm khám và xét nghiệm, phối hợp vận động để kích thích trẻ ăn uống.

Bé nhà bạn có tình trạng giãn đại tràng và táo bón. Bạn cần phải theo dõi tình trạng bụng bé, nếu đau bụng, chướng bụng nhiều, tiêu phân có máu... nên đưa bé đến bệnh viện nhi để tái khám lại. Vì bé có nguyên nhân giãn đại tràng dễ gây táo bón, chưa giải quyết được nguyên nhân thì tình trạng táo bón vẫn còn. Để giảm bớt tình trạng táo bón mạn tính, cháu cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gồm chế độ dinh dưỡng, xoa bụng, tập đi đại tiện mỗi ngày, tăng cường vận động, thuốc hoặc thực phẩm bổ sung hỗ trợ. Đối với trường hợp này, bác sĩ cần gặp và đánh giá cụ thể tình trạng của bé.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Lê Thị Lan Phương, 38 tuổi, Da Nang

Tôi có hai bé. Bé gái 13 tuổi, chưa có kinh nguyệt, cao 1,47 m và nặng 52 kg. Từ ba năm nay, mỗi ngày khi chưa có Covid-19 xảy ra, cháu đều tập thể thao đều đặn: chiều thứ 2, 4, 6 cháu tập võ karate (2 giờ), chiều thứ 3, 5 cháu tập bóng bàn (1,5 giờ), chiều thứ 7, chủ nhật cháu ...

ThS.BS Phạm Thanh Nghị

Chào bạn,

Thật ngưỡng mộ về tinh thần tập luyện thể thao của cháu bé. Trong thời Covid-19, bé đã biết cách tập thể thao tại nhà với các động tác toàn diện về phần thân trên, thân dưới và cả vùng cơ trung tâm, thật đáng khen. Tôi chỉ có lời khuyên nhỏ, với mỗi động tác 200- 300 là rất nhiều cho một lần. Vì vậy, cần chia nhỏ ra ba đến bốn chu kỳ, mỗi chu kỳ khoảng 50-80 cái nhằm tránh quá tải cho hệ cơ xương khớp.

Cảm ơn bạn.

Xét nghiệm: Sữa mẹ/Vi chất dinh dưỡng/Vitamin A, D, E, B...
Diem My, 25 tuổi, TP.HCM

Con em hiện tại được bốn tháng và bú sữa mẹ hoàn toàn, tháng vừa rồi bé đang bị đứng cân, mẹ chồng em bảo do sữa em nóng, thiếu chất, em không biết có đúng không. Được biết, Nutrihome có thiết bị phân tích thành phần sữa mẹ, em muốn tham gia dịch vụ này thì cần đăng ký như thế nào, em cần ...

Xét nghiệm: Sữa mẹ/Vi chất dinh dưỡng/Vitamin A, D, E, B...
Thanh Hằng, 22 tuổi, TP.HCM

Em mới sinh bé thứ hai được bốn tháng, bé đầu sữa về ít nhưng bé vẫn tăng cân đều, lần này sữa có phần nhiều hơn hẳn nhưng bé lại không tăng cân, chỉ phát triển chiều dài nên em sợ bé thiếu chất. Cho em hỏi với dịch vụ phân tích thành phần sữa mẹ sẽ phân tích được bao nhiêu thành phần ...

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Ho Thi Thanh Binh, 31 tuổi, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Nhờ chuyên gia tư vấn cách tăng chiều cao cho: bé trai bốn tuổi nặng 15 kg cao 115 cm; bé trai chín tuổi nặng 27 kg cao 132 cm. Xin cảm ơn chuyên gia.

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Bé bốn tuổi chiều cao hiện đang trong mức bình thường tuy nhiên cân nặng so với chiều cao là bé đã ở tình trạng suy dinh dưỡng thể gầy còm. Bé chín tuổi chiều cao và cân nặng đều trong mức bình thường so với trẻ cùng tuổi cùng giới.
Để tối ưu hóa chiều cao của bé, ngoài việc uống sữa, bé còn cần chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và các vi chất quan trọng giúp tăng chiều cao như kẽm, magie... đồng thời bổ sung vitamin D qua thức ăn hoặc tắm nắng đúng cách. Bên cạnh đó, chế độ vận động phù hợp khoảng 30 - 60 phút một ngày, ít nhất năm ngày một tuần cũng rất quan trọng để hỗ trợ bé phát triển chiều cao.

Bé bốn tuổi còn cần chú ý tăng cân nặng do đã ở mức suy dinh dưỡng. Để tăng cân bé cần cung cấp đủ khẩu phần và cách chế biến phù hợp, bên cạnh đó, cần giáo dục về tâm lý cho trẻ và cả người nuôi dưỡng để tập cho bé ăn uống tốt hơn. Ngoài ra,cần phải đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng của trẻ thông qua thăm khám và xét nghiệm, phối hợp vận động để kích thích trẻ ăn uống.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Minh Ánh, 27 tuổi, TP.HCM

Từ khi sinh bé đến nay bé được bốn tháng tuổi em vẫn chỉ cho bé bú sữa mẹ, không muốn dùng sữa công thức. Được biết Nutrihome có dịch vụ phân tích sữa mẹ để xem sữa mẹ có đủ chất chưa, đúng với cái em cần nên cho em hỏi em muốn đến xét nghiệm sữa mẹ thì cần lưu ý gì ạ, ...

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Nguyễn Trinh, 46 tuổi, Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8

Con gái của tôi 14 tuổi, cao 1,53 m, nặng 49 kg. Nhờ bác sĩ tư vấn cách điều chỉnh chiều cao cho con. Trân trọng.

TS.BS Phạm Thị Thu Hương

Chào bạn,

Bé nhà bạn hiện chiều cao và cân nặng vẫn đang trong mức bình thường so với các bạn cùng tuổi cùng giới. Bạn chưa cho biết thông tin bé đã dậy thì hay chưa. Bé gái độ tuổi này thường đã dậy thì rồi. Đối với bé đã dậy thì rất khó nói được bé có thể tăng thêm được mấy cm. Bé nhà bạn cần được đánh giá tuổi xương, nếu cần sẽ xét nghiệm thêm các hormone cần thiết.

Đối với trường hợp này, bé cần phải được thăm khám và đánh giá bởi bác sĩ, xây dựng thực đơn và có chương trình vận động để kích thích tối đa tiềm năng còn lại của bé. Để tăng chiều cao cần phối hợp ba yếu tố gồm dinh dưỡng hợp lý, vận động phù hợp thể chất và sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ. Dinh dưỡng của bé ngoài sữa con phải chú ý cân đối lượng canxi, phospho, vitamin và chất đạm. Chơi tất cả môn thể thao đều có lợi nhưng cần ưu tiên những môn yêu cầu sức rướng như bóng chuyền, bóng rổ...

Cảm ơn bạn.