VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ bảy, 14/12/2024
Thưa bác sĩ. Em bị bệnh ống kẽ thận mạn, ngày đi tiểu rất nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều, không uống nước cũng đi, đi ngày 3-4 lít nước làm mất nước khô da. Đi khám nhiều nơi rồi nhưng đâu cũng bảo chức năng thận vẫn còn hoạt động ổn nhưng em bị thế này cũng đc 3-4 tháng rồi. Giờ muốn đang ...
Thái Trung Nam, 38 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn, bệnh ống kẽ thận mạn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do nhiễm trùng hoặc do các bệnh lý tự miễn, có thể do thuốc. Tuy nhiên việc đi tiểu nhiều cũng không xảy ra ở giai đoạn đầu bệnh ống kẽ thận mạn, ở giai đoạn này đa phần chỉ xảy ra tăng huyết áp và đi tiểu không quá nhiều.

Trường hợp của bạn, tôi khuyến cáo bạn nên đến thăm khám tại các bệnh viện để làm các xét nghiệm chẩn đoán loại trừ thêm các bệnh lý khác gây đi tiểu nhiều, ví dụ như đái tháo đường...

Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Dạ lần trước tôi có đặt câu hỏi trường hợp con trai tôi 30 tuổi chưa có gia đình mới phát hiện suy thận 80% đuợc hơn 1 tháng nay. Hiện cháu phải lọc máu 3lần/tuần. Tôi vừa nhận được mail trả lời của các chuyên gia. Tôi rất cảm ơn nhưng có một ý nữa hôm trước tôi có hỏi nhưng chưa được ...

Nguyễn Kim Hoa, 55 tuổi, Ngõ 81 Trần Đại Nghĩa-Hai Bà Trưng-Hà Nội

TTUT.BS.CKII Tạ Phương Dung

Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Trước hết, rất cảm ơn gia đình đã đồng hành cùng các bác sĩ động viên bệnh nhân có tinh thần vượt qua cú sốc để điều trị. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng điều trị về thuốc và tiếp tục động viên bệnh nhân, nhưng sự thông cảm của gia đình cũng rất quan trọng. Hiện nay con của bạn phải chạy thận 3 lần/tuần, có nghĩa đã là suy thận mạn giai đoạn cuối. Trường hợp này có lẽ sẽ phải điều trị lâu dài. Hướng điều trị sẽ có 3 hướng song song với điều trị thuốc. Thứ nhất là thận nhân tạo đang thực hiện cho cháu. Thứ hai là lọc màng bụng, trừ trường hợp có vết mổ lớn ở bụng hoặc đang nhiễm trùng vùng bụng thì không thể lọc màng bụng. Còn lại hầu hết các trường hợp đều có thể đáp ứng tốt với phương pháp lọc màng bụng. Phương án thứ 3 là cấy ghép. Cấy ghép hiện nay ở Việt Nam cũng đã rất xuất sắc, sánh ngang với khu vực, trình độ của các bác sĩ nội khoa điều trị cũng như bác sĩ ngoại khoa đều đạt được kết quả cao. Gia đình hãy yên tâm và cùng bàn bạc với bác sĩ để điều trị, lựa chọn phương pháp tối ưu cho con.
Trong trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp, bác sĩ bắt buộc phải có phương án điều trị. Thứ nhất là dùng thuốc hạ áp. Thứ hai là trong quá trình lọc thận chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để rút về "trọng lượng khô", tức là ở mức cân nặng giúp bệnh nhân không còn phù, đáp ứng tốt với thuốc hạ áp, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể bớt hoặc giảm hẳn thuốc hạ áp. Con của bạn hiện tại huyết áp khoảng 135-145 là chấp nhận được. Lý do là sau mỗi một chu kỳ lọc máu huyết áp có thể xuống, trong chu kỳ lọc máu cũng có một biến chứng là tụt huyết áp cũng khá nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, trước khi lọc máu huyết áp khoảng 140 là an toàn. Bình thường khi chưa lọc máu, chúng tôi sẽ cố gắng đưa huyết áp khoảng 120-130 trên 80-90 mmHg, nhưng trong trường hợp đã chuyển sang giai đoạn lọc máu thì chúng tôi sẽ cố gắng duy trì huyết áp trước khi lọc khoảng 140 là đủ. Gia đình đừng quá lo lắng về vấn đề này, đưa được huyết áp từ 180 xuống 135-140 đã là điều rất tốt. Mong gia đình yên tâm!

Tôi bị bệnh bẩm sinh về thận từ nhỏ nang thận, do siêu âm bụng phát hiện, trong thận có 4 nang thận nhỏ li ti. Tôi xin hỏi bác sĩ phương pháp điều trị và cách khắc phục, hạn chế ăn uống những gì đừng để ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh thận sau này? Tôi đã lớn tuổi và khám kiểm ...

Lâm Chí Ư, 54 tuổi, Khóm 3 phường 1 thị xã duyên hải

TS.BS Nguyễn Hoàng Đức

Trưởng khoa Tiết niệu - Trung tâm Tiết niệu Thận học BVĐK Tâm Anh

Chào chú,
Khoảng 60 - 70% các trường hợp nang thận đều có thể chung sống hòa bình và theo dõi sức khỏe định kỳ. Một số trường hợp nang thận tăng kích thước, nhiễm khuẩn nang, xuất huyết nang hoặc phát hiện bất thường nghi ngờ tiến triển thành ác tính thì mới cần can thiệp phẫu thuật.
Về chế độ ăn của người bị thận đa nang thì không có lưu ý gì đặc biệt nào, chỉ cần ăn uống lạnh mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và hạn chế ăn mặn để tránh làm trầm trọng hơn bệnh lý cao huyết áp, suy thận do biến chứng của nang thận (nếu có).
Chú có thể đến khám tại bất kỳ cơ sở y tế nào có chuyên khoa Tiết niệu vì nang thận là vấn đề thông thường trong tiết niệu nhưng nếu có điều kiện, chú nên đến BVĐK Tâm Anh để được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá chính xác hơn với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại.
Chúc chú nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ Vũ Lê Chuyên. Tôi là bệnh nhân ung thư thận trái được bác sĩ mổ nội soi cuối năm 2010. Từ đó tôi giữ chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ và mỗi sáng đi bộ hoặc bơi lội. Tôi luôn nhớ ơn bác sĩ. Tháng 7/2021 tôi đi khám định kỳ thì phát hiện Ure máu = 27 mg/dl, ...

Đỗ văn Sến, 77 tuổi, California. Mỹ

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bác, Với những thông tin đã cung cấp, bác đã được mổ ung thư thận cách đây hơn 11 năm. Hiện nay, bác xuất hiện một số triệu chứng như tiểu máu cục. Theo mô tả, biểu hiện này có thể không liên quan đến quả thận còn lại của bác mà có thể do: bướu tái phát ở niệu quản hay bàng quang; ung thư di căn xuống bàng quang. Trong trường hợp này, bác nên thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT scan) càng sớm càng tốt tại bất kỳ cơ sở y tế nào gần với nơi mình đang sinh sống để xác định chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng tiểu máu cục.
Để đánh giá mức độ tổn thương thận người ta dựa vào chỉ số creatinin máu hoặc độ lọc cầu thận (eGFR). Trường hợp của bác, creatinin 1,46mg/dl có thể xem là có nguy cơ suy thận (suy thận khi creatinin máu > 1.5 mg/dl). Bạn nên thận trọng khi sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm, cochicine vì các thuốc này có nguy cơ làm thận của bạn bị tổn thương. Tiểu máu có thể do nhiều nguyên nhân như sỏi, bướu đường tiểu, viêm thận... Tương tự, nếu bệnh nhân có về Việt Nam, trước tiên bác sĩ cũng sẽ chỉ định chụp CT và khi có kết quả chính xác sẽ quyết định mổ sớm. Yếu tố thời gian với người bệnh rất quan trọng. Vì thế, gia đình nên cố gắng thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Em bị tiểu khó hay bị dừng giữa dòng. Em có bệnh gì và nên uống thuốc gì cho dễ đi tiểu và tiểu không bị dừng giữa dòng nữa. Xin cảm ơn.

Bùi Ngọc Minh tâm, 48 tuổi, 240 nguyên sinh cung hue

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn, tiểu ngắt quảng giữa dòng thường do có vật cản trong đường tiểu như dị vật, sỏi bàng quang, bướu tuyến tiền liệt. Một số trường hợp rối loạn hoạt động bàng quang, co thắt cơ vùng đáy chậu. Trường hợp này bạn nên đến bệnh viện khám, siêu âm đường tiết niệu để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Tôi năm nay 68 tuổi, bị cao huyết áp, vừa rồi có dùng thuốc amplodipin 5 mg được 10 ngày sau đó thấy hai bàn chân bị phù,. Tôi ngừng thuốc nhưng chân vẫn không giảm phù. Sau đó tôi uống thuốc lợi tiểu furosemite 40 mg 1 viên/ngày thì có giảm nhưng không khỏi hẳn ngay cả khi đã dừng uống amplodipin. Tuy ...

Kiều Tràng Minh, 68 tuổi, 1/248 hàng kênh, lê chân, hải phòng

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bác!

Về Mikeliks, đây chỉ là thực phẩm chức năng, chưa được xem là thuốc.

Thuốc hạ huyết áp có rất nhiều nhóm. Nếu không hợp nhóm này, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đổi nhóm khác, không gây phù chân.

Tình trạng phù chân vẫn tồn tại kể cả khi ngưng amlodipin. Đây có thể là do bác bị “suy tĩnh mạch chi dưới”, gặp khá nhiều ở người lớn tuổi, đặc biệt trước đó có làm việc ở môi trường văn phòng hay ít vận động. Suy tĩnh mạch chi dưới được phát hiện bằng cách siêu âm tĩnh mạch chi. Bệnh này có thuốc điều trị.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bác có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Tôi bị suy thận độ 3 do lúc trước bị tăng huyết áp mà không biết. Năm 2020, tôi có điều trị tại bệnh viện để tìm nguyên nhân tăng huyết áp và giảm kali, nghi u tuyến thượng thận, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra, nên điều trị huyết áp và bổ sung kali. Tôi rất muốn được tư vấn cụ thể về ...

Lê Thị Ngọc Anh, 46 tuổi, Phan Rang, Ninh Thuận

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bác!

Nếu đã tìm không ra u, bác không nên nghĩ nguyên nhân u nữa. Vì tăng huyết áp có 80% là không có nguyên nhân. Vấn đề của bác bây giờ là điều trị. Nếu bác có dùng hạ áp bằng lợi tiểu gây mất kali thì nên ngưng. Về ăn uống, bác cần lưu ý:

- Ăn lạt, lượng muối hàng ngày chỉ vào khoảng 2-3g (tương đương muỗng ăn yaourt). Bác nên nhớ là trong thực phẩm đã có sẵn muối rồi, nhất là thực phẩm chế biến sẵn. Suy thận mạn giai đoạn 3, cơ bản vẫn ăn được thịt cá với lượng như người bình thường, nhưng nên bỏ da, ruột. Trứng nên ăn lòng trắng, bỏ lòng đỏ.
- Lương nước nhập hàng ngày = 500ml + lượng nước tương đương lượng nước tiểu trong 24h vừa qua + lương nước mất không xác định (mồ hôi, chiếm khoảng 200-300ml nếu trời không quá nóng + ói (nếu có)), bao gồm cả nước uống, canh, nước phở/hủ tíu (nếu có dùng)
- Hạn chế bia rượu, chất kích thích.
- Bỏ thuốc lá nếu có hút.
- Ngoài ra, bác có thể vô kênh youtube bác sĩ Tạ Phương Dung, ăn uống cho người bệnh thận mạn.

Nếu bệnh nhân thường thiếu kali, có thể bổ sung kali bằng một số thực phẩm quen thuộc, dễ tìm như chuối, nho, cam, bưởi… Chúc bác thật nhiều sức khỏe!


Chào bác sĩ, mẹ cháu năm nay 64 tuổi, thỉnh thoảng bị tiểu gắt, buốt và đi nhiều lần, không có máu, nặng bụng dưới, mẹ cháu mua thuốc ở tiệm thuốc tây uống 3-5 ngày là khỏi. Đợt rồi mẹ cháu bị lại, do dịch nên không dám đi bệnh viện, uống thuốc ở tiệm thuốc tây 10 ngày không khỏi, sau đó ...

Bùi Ngọc Tú Uyên, 33 tuổi, 22/14 Phan Văn Hớn, P Tân Thới Nhất, Quận 12, HCM

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Đường huyết lúc đói 7,4 là có đái tháo đường rồi. Người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Vì vậy, mẹ của bạn cần điều trị ổn đường huyết. Phải dùng thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường niệu dài ngày có thể do:
- Dùng liều chưa đủ
- Thời gian chưa đủ đã ngưng, dẫn tới việc bị tái phát và phải dùng lại hay phải chuyển kháng sinh khác.
- Thuốc kháng sinh “chưa hạp”, chưa diệt được chủng vi khuẩn này.

Bướu giáp có thể chỉ là bướu lành, không cần điều trị. Nếu cẩn thận, bạn nên đưa mẹ đi khám tổng quát. Riêng về Tiết niệu nên khám ở bệnh viện có khoa Tiết Niệu với đầy đủ bác sĩ có trình độ và phương tiện chẩn đoán.

Ngoài ra, ăn uống kiêng khem quá cũng không phải là tốt. Vì cơ thể không đủ chất để duy trì sức khỏe và chống đỡ bệnh tật. Quan trọng là ăn đủ chất, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm và điều độ.

Nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại còn có thể do sỏi, “bất thường của đường tiết niệu” (về cấu trúc), trào ngược bàng quang niệu quản,…cần chụp phim, siêu âm bụng... để phát hiện. Chúc mẹ của bạn nhiều sức khỏe!


Chào bác sĩ. Bố em đang chạy thận và viêm gan B, C thì xin hỏi bác sĩ có thể tiêm vắc xin Covid-19 được không? Em hỏi khắp nơi đều bảo bệnh nền bố nặng không thể tiêm được. Nhà em rất lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn.
Nguyễn Đình Tuyên, 33 tuổi, Hà Nội

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
88921- THS HÙNG
 
 
Chào bác sĩ. Em gái em mấy hôm nay đi tiểu thấy buốt đau, hay đi đái dắt. Sau khi đi khám, siêu âm kết luận là viêm bàng quang kẽ và viêm đường tiết niệu. Xin các bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ra căn bệnh và phương pháp điều trị? Nhà em lo lắm ạ. Cảm ơn bác sĩ.
Lê Ngọc Ánh, 33 tuổi, Hà Tĩnh

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Đây là một bệnh lý rất phổ biến và có thể tái phát lại nhiều lần trong thời gian dài, với triệu chứng: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, tiểu ra máu, đau bụng dưới, sốt... Bệnh thường xảy ra ở nữ giới, với hơn 50%, ít nhất một lần trong đời bị viêm bàng quang.

Nguyên nhân viêm bàng quang chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua ngả niệu đạo. Ở nữ giới, do cấu tạo của đường tiểu dưới, niệu đạo ngắn (3-5cm so với nam giới khoảng 20cm) và nằm sát với âm đạo và tầng sinh môn nên vi khuẩn dễ xâm nhập được vào bàng quang. Ngoài ra, cũng có thể bị viêm từ thận lan xuống, viêm từ máu do du khuẩn huyết.

Điều trị viêm bàng quang, kháng sinh là lựa chọn đầu tiên, kèm với các thuốc làm giảm triệu chứng. Kèm với đó người bệnh phải duy trì uống đủ nước, từ 2,5 – 3 lít nước một ngày.

Tốt nhất bạn đưa em tới bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám, cho làm thêm các xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu làm kháng đồ từ đó mới biết được vi khuẩn nào đang gây bệnh và nhạy với kháng sinh nào và lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp. Chúc em của bạn mau khỏe!

Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Chào bác sĩ, em năm nay 34 tuổi và công việc làm công nhân may. Tháng trước em đi xét nghiệm creatinin là 88 và urê5.2. Mấy hôm nay, em rất hay đi tiểu nhiều vào buổi chiều tầm 1h đi một lần và cảm thấy người hoa mắt mỗi khi quay người làm gì đó. Đêm em không đi tiểu nhiều. Buổi sáng nước ...
Minh Ánh, 34 tuổi, Bắc Giang

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
88919- THS HÙNG
 
 

Chào bác sĩ, cho em hỏi ba em năm nay 60 tuổi cơ địa yếu, đang lọc màng bụng được 1 năm thì có tiêm vắc xin covid được không ạ? Tại cơ địa yếu và già rồi ba lại đau nhiều bệnh nên không có sức đề kháng. Bác sĩ tư vấn giúp em nếu đang lọc màng bụng mà ốm yếu thì ...

Hương Liên, 25 tuổi, Thuận An, Bình Dương

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Để giảm nguy cơ bị nhiễm hoặc khi mắc COVID-19 tránh chuyển nặng, mọi người nên được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Người béo phì, người bệnh nền, người suy thận dù chưa hay đang lọc máu bằng thận nhân tạo hay lọc màng bụng càng nên tiêm vaccine.

Về mức độ đáp ứng với vaccine, tùy cơ địa từng người, người bình thường không có bệnh gì cũng có khi đáp ứng kém. Người bệnh nền cũng có khi đáp ứng tốt, tạo kháng thể sau vaccine.

Nếu đang lọc màng bụng mà cơ thể yếu, có thể đáp ứng chậm hơn và kém hơn người khác. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới khuyến cáo những người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch nên có mũi tiêm thứ 3 (mũi tăng cường) sau mũi 2 khoảng 6 tháng. Tóm lại, bạn nên đưa ba của bạn đi tiêm vaccine. Bạn không nên nghĩ chủ quan rằng ba chỉ ở trong nhà không đi đâu là an toàn. Vì có thể người nhà đi ra ngoài và mang nguy cơ nhiễm về cho ba. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể vô YouTube, tìm mục: bác sĩ Tạ Phương Dung, Người bệnh thận mạn có nên tiêm vaccine không? nhé! Chúc bác nhiều sức khỏe!

Chào bác sĩ, bố tôi có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường. Đêm đi tiểu rất nhiều, có khi đi tiểu hơn 10 lần. Tôi có đưa bố đi xét nghiệm thì phát hiện bị thêm suy thận độ 2, dù bố không thấy sốt, đau nhức mệt mỏi hay khó chịu gì vùng thận. Bệnh tình của bố tôi như vậy có nặng ...
Hùng Anh Trần, 41 tuổi, Hà Nội

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
88918
 
 
Chào bác sĩ, từ lúc mang bầu siêu âm, em đã phát hiện thận 2 bên của bé kích thước nhỏ, chỉ hơn 1/2 trẻ bình thường khác, tinh hoàn ẩn bên phải. Bác sĩ chỉ định sinh ra cho làm xét nghiệm theo dõi thêm, cũng không bảo gì nhiều. Lúc bé vừa sinh ra được mấy hôm thì xét nghiệm chỉ số cre-ure ...
Huyền Ngọc Võ, 38 tuổi, Bắc Ninh

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Sau khi sinh, con bạn đã được làm kiểm tra chức năng thận, kết quả tăng ure và creatinin. Thực tế, chức năng của thận sau sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, có thể là trong ngày thử máu, em bé bú chưa đủ. Khi bị thiếu nước hoặc bị sốt, các chỉ số này cũng có sự chênh lệch đáng kể.

Ở tuổi sơ sinh, chỉ số creatinin lên đến 171 là khá cao. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bé nhập viện để kiểm tra lại lượng dịch. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ creatinin của bé. Nếu chỉ số creatinin tiếp tục tăng cao, các bác sĩ sẽ hội chẩn để đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu chỉ số creatinin giảm dần thì tình trạng con của bạn sẽ không quá đáng lo ngại. Trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng về việc bé có bị suy thận hay không, bác sĩ sẽ phải tiến hành xét nghiệm rất nhiều lần để mang lại kết quả chính xác.

Bên cạnh đó, có thể lúc sinh, con của bạn bị tổn thương thận cấp vì một nguyên nhân nào đó như bị thiếu máu hoặc thiếu nước hoặc sử dụng một loại thuốc nào đó làm tổn thương thận. Với trường hợp tổn thương thận cấp, thận sẽ tự hồi phục trong khoảng 1 tuần hoặc 1 tháng sau sinh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ phải kiểm tra lại lần nữa để xem con bạn đang bị suy thận cấp hay mạn. Nếu suy thận cấp, tỷ lệ phục hồi hoàn toàn khoảng 50%. Trường hợp con của bạn, có thể lúc sinh ra, bé có bị suy thận nhưng chỉ là suy thận cấp, sau đó sẽ tự hồi phục.

Khi chăm sóc bé, mẹ nên lưu ý tránh để con bị nhiễm trùng đường tiểu, xuất hiện tình trạng protein niệu trong nước tiểu, đồng thời cần kiểm tra huyết áp con thường xuyên, theo dõi sự phát triển của thận. Nếu tình trạng phát triển của con tốt, chức năng thận ổn định, con của bạn có thể sẽ không cần phải can thiệp ghép thận trong tương lai. Chúc bé mau bình phục!

Trân trọng!

bệnh lý
 
 

Thưa bác sĩ, ngày 4/10 tôi bị đi tiểu buốt và đi ra máu, nước tiểu có màu hồng. Tôi đã ra tiệm thuốc quen thì được dược sĩ kê cho toa như sau : 1. Tavanic 500mg ngày uống 1,5v/1 lần /ngày 2. Brexin 20mg ngày uống 1v/1 lần/ngày 3. alphachoay ngày uống 2v/2 lần/ngày. Đến nay tôi đã uống được 4 ngày. ...

Hoa Hồng, 51 tuổi, Bắc Ninh

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
88917- THS HÙNG
 
 

Chào bác sĩ, xin cho tôi biết suy thận thì được phép ăn những loại thức ăn nào? Có nên áp dụng chế độ ăn chay hoàn toàn khi bị suy thận hay không? Lượng ure trong máu 0,56g/1 là suy thận ở mức độ nào? Cảm ơn bác sĩ.

Mỹ Linh, 36 tuổi, Quận 8, TPHCM

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Suy thận có nhiều loại, gồm suy thận cấp hoặc suy thận mãn và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, tùy mức độ suy thận, có chạy thận hay chưa…thì cách điều trị và hạn chế dịch, hạn chế thức ăn cũng sẽ khác nhau.
Nhìn chung, khi chức năng thận bị suy giảm thì thường sẽ hạn chế ăn chất đạm (giảm ăn thực phẩm nhiều đạm như thịt, cá, trứng, tôm…). Với nhóm thức ăn bột đường như cơm, bún, mì, khoai, bắp ... và chất béo dầu mỡ thì được ăn bình thường hoặc tăng một chút, giảm muối, có thể phải giảm nước...
Chế độ ăn chay kiểu kiêng thịt, cá, trứng, sữa, chỉ dùng đạm thực vật như đậu hũ, nấm, đậu, hạt khác có thể áp dụng ở người suy thận, nhưng liều lượng ăn bao nhiêu thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng. Hiện tại, lượng ure máu bạn hơi cao, bác sĩ khuyên bạn nên làm xét nghiệm“độ lọc cầu thận” để biết mức độ suy thận.
Vì thế, bạn nên thu xếp đến các bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu Thận học để được kiểm tra và đưa ra lời khuyên chính xác.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ, người nhà cháu bị suy thận, hiện đang chạy thận hôm nay là lần thứ 4. Mong bác sĩ cho cháu xin chế độ dinh dưỡng dành cho người đang chạy thận ạ. Cảm ơn bác sĩ.
Quỳnh Mai, 41 tuổi

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Chế độ dinh dưỡng cho người suy thận đang chạy thận sẽ thay đổi khá nhiều tùy theo mức độ suy thận, tần suất chạy thận, trước hay sau chạy thận, tình trạng bệnh lý khác của người bệnh…
Theo những yếu tố đó, khẩu phần ăn uống của người suy thận đang chạy thận thay đổi từng ngày, từng tuần. Vì thế, để xây dựng được thực đơn phù hợp, bác sĩ cần phải phối hợp với bác sĩ điều trị kiểm tra kỹ lưỡng và có những tính toán chuẩn xác. Đồng thời, muốn kiểm soát bệnh tốt, bác sĩ cần sự tuân thủ chặt chẽ của người bệnh và tái khám đúng hẹn.
Do đó, bạn nên đưa người nhà đến bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu Thận học để được kiểm tra và phối hợp với bác sĩ dinh dưỡng để đưa ra lời khuyên chính xác.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ, tôi bị suy thận độ 3. Khi mới phát hiện ăn không được bị sút cân liên tục tận 5kg. Từ hơn hai tháng nay tinh thần ổn định, ăn được, ngủ được cân nặng không bị sụt nhưng sao không tăng lên được. Có phải bị suy thận thì cân nặng sụt liên tục không ạ, hiện tại tôi chỉ còn ...
Quỳnh Hoa, 53 tuổi, Bình Dương

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn, Bạn nên đi khám tại BVĐK Tâm Anh: Trung tâm Tiết niệu Thận học và khoa Dinh dưỡng Tiết chế để được tư vấn cụ thể chế độ ăn phù hợp thể trạng và bệnh lý của mình. Khi đi nhớ mang theo hồ sơ bệnh án của mình. Suy thận không làm sụt cân nhưng do cách ăn uống kiêng khem không hợp lý, không đủ năng lượng nên gây sụt cân và không lên cân hồi phục.

Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Trong vòng 3 tháng, kali máu của mình nó tăng từ 3,7 lên 4,2. Vẫn trong ngưởng nhưng thấy nó leo nhanh thế có ổn không nhỉ, rau quả mình hay ăn sup lơ xanh, hành tây, bắp cải, ớt chuông đỏ, táo tàu. Mọi người cho ý kiến nên bỏ loại nào với ạ.

Thu Minh, 40 tuổi, TPHCM

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Kali máu tăng có thể do bạn ăn uống thực phẩm giàu kali vào quá nhiều mà chức năng thận của bạn kém không thãi Kali thừa ra hết được, hoặc bạn ăn vào kali không nhiều nhưng chức năng thận bị giảm. Rau quả và nhất là nước luộc rau là nguồn kali dồi dào mà người suy thận cần hạn chế tùy mức độ suy thận. Thực phẩm nhiều kali là trái cây tươi và khô, rau xanh, cà chua, bí đỏ, đậu xanh, khoai tây, nước luộc rau,… Thực phẩm ít kali là măng tây, bông cải xanh (sống hoặc được nấu sau khi đông lạnh), bông cải trắng, cà rốt, bắp cải, cần tây, dưa leo, rau diếp, nho, táo tây, lê …
Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ! Em bé nhà mình lúc 6 tháng đi khám tổng quát thì có kết quả bé bị thận ứ nước cấp độ nhẹ. Vậy cho em hỏi tình trạng như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến thể trạng của bé sau này và chế độ ăn uống thế nào để ngăn ngừa theo dõi được không ạ!
Phạm Trọng Nghĩa, 28 tuổi, 17 Lê Tân Trung Sơn Trà Đà Nẵng

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Thận ứ nước ở trẻ 6 tháng tuổi thường là tình trạng bẩm sinh, cần được tái khám theo dõi định kỳ, có thể cần phải điều trị triệt để nguyên nhân sớm nhất để giảm thiểu tối đa việc suy giảm chức năng thận. Chế độ ăn uống ở trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng thể chất và không gây rối loạn nội môi trong cơ thể trẻ. Bạn nên đưa bé đi thăm khám tại chuyên khoa Thận để các bác sĩ sẽ hỗ trợ cho bé của bạn.