Chào bác sĩ, năm nay em 31 tuổi, mới phát hiện bệnh thận, hiện tại chỉ số creatinin của mình là 270 (giai đoạn 2), nhưng chỉ số eGR lọc thận của mình chỉ 18 (giai đoạn 4), bác sĩ có bảo điều trị chưa phải chạy thận. Huyết áp hơi cao khoảng 130-150 tuỳ thời điểm, mỗi khi thức dậy thấy hơi mệt ...
Chào bạn,
Nếu như bạn bệnh thận giai đoạn 4, có nghĩa là chỉ còn 1 mức nữa thôi sẽ chuyển sang giai đoạn 5. Ở giai đoạn 5, bạn sẽ bắt buộc phải chọn lựa phương pháp lọc máu: thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. Bạn sẽ phải cố gắng suy nghĩ, phân bổ công việc để sau này có thể điều trị thay thế thận.
Với câu hỏi của bạn về chế độ thuốc, huyết áp trước khi lọc máu, ở độ tuổi của bạn (31 tuổi) các bác sĩ sẽ cố gắng đưa về mức 120-130, xuống dưới là 80-90 mmHg. Đồng thời, tôi cũng khuyến khích bạn nên ăn nhạt. Mức độ sử dụng muối trong ngày của người suy thận mạn chỉ khoảng 2-3 gram, tương đương với muỗng dùng để ăn yaourt. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế mỡ, thay bằng dầu ăn thực vật.
Trong 3 phương pháp tôi vừa đề cập về điều trị thay thế thận: thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận, đương nhiên phương pháp ghép thận là hoàn hảo nhất, vì có thể giúp bạn trở lại cuộc sống gần như bình thường, không phải đến bệnh viện 3 lần/tuần để lọc máu. Phương pháp thứ hai là lọc màng bụng, khi lọc màng bụng bạn vẫn có thể đi làm được. Khi có thời gian chúng ta sẽ trao đổi kỹ hơn về phương pháp này.
Về ghép thận, có 2 tình huống. Một là ghép thận từ người sống, trong trường hợp này bạn phải có người thân ruột thịt trong gia đình, họ hàng, bạn bè thân hữu. Quốc hội Việt Nam từ năm 2007 đã cho phép được hiến thận mà không cần huyết thống, nhưng phải đảm bảo trên sự hoàn toàn tự nguyện, không được liên quan đến mua bán thận. Trong giai đoạn chưa tìm được người thân để cho thận, bạn sẽ đăng ký với những trung tâm chuyên về ghép. Ở đây họ sẽ đưa tên của bạn lên hệ thống quốc gia, từ đó có thể có cơ hội cho bạn. Từ những trường hợp chết não, chết tim mà gia đình đã đồng ý hiến tạng của người thân, chúng tôi sẽ tìm những người phù hợp để khi may mắn nhận được tạng sẽ tiến hành cấy ghép cho bạn.
Chúc bạn vui khỏe.
1. Xin cho hỏi mẹ tôi năm nay 87 tuổi , đang chạy thận nhân tạo được gần 4 tháng, vẫn đang chạy tạm ở cổ, do cầu tay AVF đã mổ nhưng chưa lớn để có thể chạy được ở tay. Xin bác sĩ cho hỏi có khi nào việc mổ cầu tay AVF khong thành công không? Và nếu cầu tay AVF ...
Chào bạn,
Nếu mẹ bạn mổ cầu tay 4 tháng vẫn chưa sử dụng được thì về lâu dài chưa chắc là sẽ sử dụng được. Bởi khi mổ Fistule ArterioVeinu (FAV) có nguyên tắc số 6, tức là 6 tuần. Nghĩa là từ sau mổ cho đến khi có thể sử dụng được là 6 tuần. Thứ 2, khẩu kính của mạch máu phải trên 6mm. Thứ 3, về độ nông là phải dưới 6mm. Do đó, nếu đã qua 4 tháng mà vẫn chưa sử dụng được thì về lâu dài sẽ khó có thể sử dụng được.
Thường thì sau mổ xong khoảng 48-72 tiếng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tập các động tác uốn, duỗi đơn giản. Sau đó là các động tác cầm nắm, nâng duỗi để cho các Fistule nở ra, nông hóa. Mẹ bạn đã mổ cầu tay và qua 4 tháng, dù có tích cực tập luyện nữa thì cũng chưa đảm bảo có thể làm giãn nở khẩu kính ra ở mức 6mm.
Trong trường hợp này, thì chúng tôi sẽ chuyển vị trí sang tay khác hay di chuyển lên phía khuỷu tay... Với một số trường hợp dáng người nhỏ, mạch máu nhỏ; người cao huyết áp, xơ vữa động mạch khiến do kích thước lòng mạch máu hẹp lại... chúng tôi sẽ đề xuất phương pháp lọc màng bụng. Phương pháp này không sử dụng đến mạch máu, nên người bệnh không cần phải lo lắng việc này.
Hơn nữa, việc sử dụng mạch máu ở cổ, dưới đòn rất dễ nhiễm trùng, nên cần được theo dõi sát sao. Chúc mẹ bạn nhiều sức khỏe!
Em chào bác sĩ, em gần đây hay bị suy nhược, mất khả năng lao động, em đi xét nghiệm máu và nước tiểu chức năng thận thì chỉ số createnin là 124 umol/l. Bác sĩ dưới chỗ em chuẩn đoán em bị suy thận độ 1. Em có tiền sử bị bệnh di, mộng tinh 15 năm, giờ mỗi khi ngủ dậy ban ...
Chào bạn,
Bạn còn trẻ nên quan tâm đến sức khỏe là hoàn toàn chính xác. Theo như bạn chia sẻ, bạn tiểu nhiều tinh trùng, cả ban ngày và ban đêm thì tôi nghĩ là không chính xác. Bởi vì tiểu liên tục như thế thì bạn sẽ rất mệt. Nhiều khả năng là bạn tiểu đạm (tiểu protein) mà bạn không biết. Về chỉ số Creatinin của bạn là 124umol/l thì nhiều khả năng là bạn đã có bệnh thận. Đặc biệt là có thể ở giai đoạn thứ 2.
Hiện tại thì đã nới lỏng giãn cách, nên chúng tôi khuyên bạn nên đi khám chuyên khoa Tiết niệu Thận học càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa Thận học và Nam học sẽ cùng kết hợp với nhau để điều trị cho bạn, giúp duy trì sức khỏe, đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc và hạnh phúc gia đình.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Xin chào bác sĩ, em cao 1,74m nặng 80kg, từ 3 4 năm nay khi xét nghiệm mức cretinine trong máu của em luôn ở mức 90-100, 1 ngày em đi tiểu 8-10 lần khá nhiều nước, em xin hỏi đó có phải là dấu hiệu của việc sau này em sẽ bị suy thận hay không?
Chào bạn,
Nếu bạn đi tiểu mỗi ngày 8-10 lần trong vòng 24 giờ, điều này là hoàn toàn bình thường. Việc bạn uống nước nhiều, thì đi tiểu nhiều là hoàn toàn hợp lý. Tần suất đi tiểu như thế không có gì là đáng ngại. Đặc biệt, khi bạn làm việc trong môi trường máy lạnh, ít ra mồ hôi, nên sẽ đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn cũng đi tiểu nhiều vào ban đêm, thì nhiều khả năng là có liên quan đến thận hay niệu khoa, cụ thể như là tăng hoạt bàng quang.
Tuy tình trạng hiện tại của bạn là bình thường, nhưng chúng tôi cũng khuyên bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để các bác sĩ có thể chăm sóc tốt hơn và cũng đảm bảo việc duy trì sức khỏe, giúp bạn làm việc một cách hiệu quả.
Chúc bạn vui khỏe.
Xin thưa con trai tôi 30 tuổi chưa có gia đình mới phát hiện suy thận 80% hơn 1tháng nay. Bệnh viện nói do virut, hiện tại đang phải lọc máu 3lần/tuần. Tôi muốn hỏi tình hình như vậy thì khả năng điều trị thông thường sẽ thế nào và chế độ dinh dưỡng nên ra sao? Cháu từ trước sức khỏe bình thường ...
Chào bạn,
Trước hết, rất cảm ơn gia đình đã đồng hành cùng các bác sĩ động viên bệnh nhân có tinh thần vượt qua cú sốc để điều trị. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng điều trị về thuốc và tiếp tục động viên bệnh nhân, nhưng sự thông cảm của gia đình cũng rất quan trọng. Hiện nay con của bạn phải chạy thận 3 lần/tuần, có nghĩa đã là suy thận mạn giai đoạn cuối.
Trường hợp này có lẽ sẽ phải điều trị lâu dài. Hướng điều trị sẽ có 3 hướng song song với điều trị thuốc. Thứ nhất là thận nhân tạo đang thực hiện cho cháu. Thứ hai là lọc màng bụng, trừ trường hợp có vết mổ lớn ở bụng hoặc đang nhiễm trùng vùng bụng thì không thể lọc màng bụng. Còn lại hầu hết các trường hợp đều có thể đáp ứng tốt với phương pháp lọc màng bụng. Phương án thứ 3 là cấy ghép. Cấy ghép hiện nay ở Việt Nam cũng đã rất xuất sắc, sánh ngang với khu vực, trình độ của các bác sĩ nội khoa điều trị cũng như bác sĩ ngoại khoa đều đạt được kết quả cao. Gia đình hãy yên tâm và cùng bàn bạc với bác sĩ để điều trị, lựa chọn phương pháp tối ưu cho con.
Trong trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp, bác sĩ bắt buộc phải có phương án điều trị. Thứ nhất là dùng thuốc hạ áp. Thứ hai là trong quá trình lọc thận chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để rút về "trọng lượng khô", tức là ở mức cân nặng giúp bệnh nhân không còn phù, đáp ứng tốt với thuốc hạ áp, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể bớt hoặc giảm hẳn thuốc hạ áp. Con của bạn hiện tại huyết áp khoảng 135-145 là chấp nhận được. Lý do là sau mỗi một chu kỳ lọc máu huyết áp có thể xuống, trong chu kỳ lọc máu cũng có một biến chứng là tụt huyết áp cũng khá nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, trước khi lọc máu huyết áp khoảng 140 là an toàn.
Bình thường khi chưa lọc máu, chúng tôi sẽ cố gắng đưa huyết áp khoảng 120-130 trên 80-90 mmHg, nhưng trong trường hợp đã chuyển sang giai đoạn lọc máu thì chúng tôi sẽ cố gắng duy trì huyết áp trước khi lọc khoảng 140 là đủ. Gia đình đừng quá lo lắng về vấn đề này, đưa được huyết áp từ 180 xuống 135-140 đã là điều rất tốt. Mong gia đình yên tâm!
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào bạn, Ba của bạn năm nay 81 tuổi tức là nhóm tuổi cao, mắc bệnh lý suy tim và suy thận, đa phần đồng mắc với tăng huyết áp, đang uống thuốc theo toa của bác sĩ kê, có lúc thấy tiến triển tốt. Như vậy, tạm thời thuốc có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ba bạn có triệu chứng buồn nôn, chán ăn, sợ thịt và đôi lúc có lơ mơ, theo tôi bạn cần chú ý các vấn đề sau: - Thứ 1: Bạn nên kiểm tra huyết áp của bác hàng ngày. Kiểm tra các thời điểm như mới thức dậy, sau uống thuốc 2-4 tiếng và trước đi ngủ. Đa phần các bệnh nhân suy tim đồng mắc suy thận được khuyến cáo mức huyết áp trong ngày thường là <130/80 mmHg. Bạn kiểm tra xem huyết áp của ba bạn đã được mức đó hay chưa? - Thứ 2: Các triệu chứng kèm theo buồn nôn, chán ăn và sợ thịt tôi cho rằng đó là triệu chứng của Hội chứng ure máu cao trong bệnh lý suy thận. Trường hợp này kèm theo rối loạn ý thức có lúc lơ mơ tức là có khả năng hội chứng ure máu cao ảnh hưởng cả tiêu hóa, não...
Trong trường hợp này, tôi nghĩ bạn nên đưa ba đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm để đánh giá chính xác hơn về tình trạng hiện tại. Bởi một trong biến chứng nguy hiểm của bệnh suy thận, suy tim đó là các biến cố về tim mạch, gồm rối loạn kali máu, rồi loạn chuyển hóa toan kiềm có thể dẫn đến tăng mức độ nặng của bệnh cũng như nguy cơ tử vong.
Mong rằng với các thông tin trên bạn sẽ nhanh chóng cho bác đến cơ sở y tế an toàn, có đầy đủ chuyên khoa như Thận, Lọc máu và tim mạch để thăm khám và điều trị, một trong những cơ sở đó là Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào bạn!
Trường hợp của bạn là sỏi thận đã điều trị nhưng không hết, lại to hơn và xuất hiện thêm ở cả hai thận. Một trong các nguyên nhân là của sỏi thận là rối loạn chuyển hóa và do dị dạng đường bài xuất, làm cho sự chuyển hóa tạo sỏi tại thận cũng như sự bài xuất sỏi ra đường tự nhiên có sự cản trở, khó khăn, khiến sỏi ngày một to và không khỏi. Với những sỏi nhỏ, kích thước như bạn cho biết là 5mm thì hoàn toàn có thể điều trị nội khoa, sỏi thoát được ra ngoài theo đường tự nhiên nhờ sỏi nhỏ đi hoặc rơi xuống tự nhiên khi bạn đi vệ sinh. Trường hợp của bạn điều trị đã từng có kết quả và sau đó lại tái phát, có thể là vì điều trị nội khoa chưa đúng; sự phối hợp của thuốc và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, theo dõi chưa đạt được hiệu quả cao.
Trường hợp này bạn cần đến khám tại trung tâm Tiết niệu chuyên sâu để bác sĩ tư vấn sỏi của bạn liệu có điều trị nội khoa thành công hay không. Trong trường hợp sỏi điều trị nội khoa khó khăn, gây các biến chứng như đau lưng, mệt mỏi, tiểu ra máu thì bạn cần có sự can thiệp hỗ trợ. Trong điều trị sỏi hiện nay, việc can thiệp hỗ trợ của ngoại khoa rất phong phú, bạn có thể lựa chọn tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng hoặc thậm chí là tán sỏi nội soi qua da, mục đích là để tống hết các sỏi ra khỏi đường bài xuất. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn cách theo dõi để phòng tránh sỏi tái phát, cũng như các biến chứng của sỏi khi nằm trong hệ tiết niệu mà không được điều trị đúng và hiệu quả.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào bạn.
Theo miêu tả, bạn được phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bên trái, siêu âm có sỏi thận phải và đau lưng. Với trường hợp này, bạn nên kiểm tra lại xem kích thước của sỏi thận phải và thận ứ nước có do nguyên nhân sỏi hay không. Nếu sỏi nhỏ, thận không ứ nước thì có thể điều trị theo phương pháp nội khoa. Bạn nên uống nhiều nước để giúp các sỏi nhỏ được tống đẩy theo dòng nước tiểu trôi ra ngoài. Trường hợp sỏi lớn gây tắc nghẽn, làm cho thận bị ứ nước và đau lưng thì cần có chỉ định can thiệp. Tùy theo vị trí và kích thước của sỏi bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp nhất. Việc duy trì thuốc uống của bạn cũng sẽ do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Vì thế, bạn nên đi khám lại để các bác sĩ ra quyết định, bạn nhé. Đồng thời, tôi nghĩ bạn cũng nên khám thêm chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để xem triệu chứng đau lưng của bạn có do nguyên nhân từ cột sống hay không. Chúc bạn nhanh khỏe!
Chào bạn.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận cho kết quả rất tốt, lấy sạch sỏi trong đài thận, phẫu thuật ít xâm hại và phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Người thân của bạn có sỏi thận d#22mm, trường hợp này có thể dùng các phương pháp như sau: Tán sỏi nội soi bằng ống mềm hoặc Lấy sỏi qua da với đường hầm nhỏ. Phương pháp Tán sỏi qua da với đường hầm nhỏ có nhiều ưu điểm như ít chảy máu, ít đau, lấy sạch sỏi, người bệnh phục hồi sức khỏe rất nhanh và sẹo mổ rất nhỏ.
Ở độ tuổi 65, nếu người nhà của bạn không mắc những bệnh mãn tính, không có chống chỉ định phẫu thuật thì có thể áp dụng phương pháp này. Với câu hỏi "Tán sỏi nội soi và Lấy qua đã có khác nhau không?", tôi xin trả lời đây là 2 cách làm khác nhau hoàn toàn.
- Tán sỏi nội soi được phẫu thuật viên dùng ống soi nhỏ soi ngược chiều từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản và vào thận để tán sỏi bằng tia laser. Thông thường, phẫu thuật viên sử dụng ống soi mềm để tán sỏi thận và dùng ống soi cứng để tán sỏi từ niệu quản trở xuống.
- Phương pháp Lấy sỏi thận qua da được phẫu thuật viên dùng kim nhỏ chọc trực tiếp ngoài da vùng hông lưng vào thẳng đài thận có chứa sỏi. Sau đó dùng ống nong tạo đường hầm nhỏ từ bên ngoài xuyên qua da vào thận. Dùng laser xuyên qua đường hầm để tán nhuyễn và lấy sỏi vụn ra ngoài.
Hai phương pháp này tuy cách làm khác nhau, nhưng cho kết quả tốt và có rất nhiều ưu thế so với các phương pháp khác. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Bác sĩ ơi cho em hỏi là em năm nay 19 tuổi. Hai ba ngày gần đây em có cảm giác bị đau nhẹ ở vùng bụng dưới bên trái, cho em hỏi thì đây có phải là triệu chứng sỏi thận hay viêm thận không ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp em với.
Chào bạn!
Với triệu chứng của bạn mô tả, có thể bạn đã gặp bởi một số vấn đề như: sỏi tiết niệu, viêm bàng quang, viêm đại tràng, đau cơ thành bụng hoặc các bệnh lý về nam khoa… Để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên đến kiểm tra tại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ thăm khám để tìm thêm các triệu chứng bất thường và cho bạn làm một số xét nghiệm cần thiết như: siêu âm, tổng phân tích nước tiểu, chụp phim X-quang… Sau khi có chẩn đoán xác định, bác sĩ mới tư vấn hướng điều trị cụ thể cho bạn được. Chúc bạn mau khỏe!
Chào bạn,
Bạn bị bệnh thận ứ nước độ 3 do hẹp đường tiết niệu, sau đó phải mổ dẫn lưu thận và đặt stent niệu quản. Bạn chưa nói rõ là mổ sỏi thận hay sỏi niệu quản và mổ một bên hay hai bên và hiện còn stent hay đã rút sau mổ lại. Theo tôi suy đoán, có thể trước đây bạn mổ sỏi niệu quản một bên và sau đó có biến chứng hẹp niệu quản nên bạn phải dẫn lưu thận và đặt stent. Hiện nay stent đã được rút nhưng di chứng vẫn còn giãn thận và thận ứ nước độ 3. Nhiều khả năng là do niệu quản bẹp lại hoặc sỏi tái phát làm bít tắc đường bài xuất của thận.
Trong trường hợp này, bạn cần được thăm khám chuyên khoa Tiết niệu để làm chẩn đoán xác định nguyên nhân giãn niệu thận. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn chính xác cho bạn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả. Khả năng bạn phải phẫu thuật lại tạo hình niệu quản bẹp để đảm bảo thông suốt đường bài xuất nước tiểu làm giảm hoặc khỏi thận ứ nước nhằm cứu quả thận bị tổn thương khi còn có thể.
Chúc bạn nhiều sức khỏe! Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ, liên hệ hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Chào bạn,
Tình trạng tiểu buốt, tiểu dắt, đôi khi tiểu máu, đau vùng bụng dưới của bạn hiện tại là các biểu hiện chính của viêm đường tiết niệu. Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu như sỏi thận hoặc viêm đường tiết niệu lan lên thận do nước tiểu trào ngược (gọi là viêm ngược dòng).
Trường hợp của bạn cần phải đi khám để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, bảo vệ bộ phận tiết niệu, tránh tình trạng viêm nhiễm kéo dài gây viêm ngược dòng, ảnh hưởng đến chức năng thận hoặc quá trình sinh nở sau này. Bạn mới kết hôn và mong có con là nhu cầu chính đáng nhưng trước hết bạn cần điều trị dứt điểm triệu chứng đau tiết niệu, lúc đó mới an toàn và hiệu quả cho việc mang thai. Ngoài ra, việc vệ sinh vùng kín và quan hệ vợ chồng chưa hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân thuận lợi tạo nên viêm nhiễm tiết niệu và tổn thương trong khi giao hợp.
Do đó, bạn cần đến khám chuyên khoa niệu kết hợp khám phụ khoa để bác sĩ làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, soi bàng quang, siêu âm ổ bụng, hệ niệu để xác định rõ nguyên nhân và mức độ viêm nhiễm cũng như đưa ra những lời khuyên bổ ích để mang thai an toàn. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách điều trị hiệu quả và phương pháp phòng tránh trong tương lai. Có một điều bạn cần lưu tâm, viêm tiết niệu cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quá trình có thai và phát triển của thai nhi, liên quan đến cả hai vợ chồng, nên đi khám càng sớm nhé.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Chào bạn,
Bạn mới sinh con nhỏ được 5 tháng và đang nuôi con bằng sữa mẹ. Khi xuất hiện đau lưng, bạn đi khám thì phát hiện sỏi thận 2 bên < 9mm, sỏi niệu quản trái gây ứ nước mức độ I và gây ứ tắc đường bài xuất nước tiểu.
Việc đau sau sinh mổ hoặc gây tê tủy sống sau 5 tháng sinh con đã không còn liên quan đến vấn đề đau lưng của bạn hiện nay nữa, mà chủ yếu là đau do sỏi nằm trong bộ máy tiết niệu. Trường hợp sỏi niệu quản trái của bạn gây đau là một trong những cấp cứu trì hoãn của ngành ngoại khoa. Do đó, phải làm sao để giải phóng sỏi khỏi cơ thể, giải phóng thận khỏi ứ nước, tránh làm tổn thương thận về lâu dài.
Bạn đang còn nuôi con nhỏ nên cần phải cân nhắc hơn về quá trình điều trị cũng như chọn thời điểm điều trị thích hợp. Hiện sỏi bên phải không đau nhưng sỏi bên trái bắt đầu gây ứ nước và tắc không hoàn toàn nên bạn cần phải đến ngay bệnh viện để khám và đánh giá thực tế tình trạng ứ nước, mức độ hoạt động của 2 thận xem có ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe hay không.
Nếu còn điều trị nội khoa hiệu quả, tức là nước tiểu vẫn có thể bài xuất hoàn toàn hoặc một phần lớn xuống đường bài tiết tự nhiên thì có thể hoãn điều trị ngoại khoa cho đến khi không phải nuôi con bằng sữa nữa. Tuy nhiên, bạn cần được theo dõi tình trạng ứ nước, viêm nhiễm và mức độ giãn thận để điều trị kịp thời, tránh biến chứng suy thận mà không được phát hiện sớm. Hiện tại, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ liên hệ hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào chị!
Theo như chị chia sẻ, con của chị đã tiến hành mổ giãn đài bể thận rồi. Gần đây, cháu lại cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau vùng thắt lưng. Chị cần lưu ý vì đây có thể dấu hiệu của hội chứng đoạn nối (một bất thường tại phần nối giữa bể thận và niệu quản). Hội chứng này là yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Vì thế, chị cần đưa bé đi khám ngay để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không.
Chị có thắc mắc rằng vì sao bác sĩ không kiểm tra lại chức năng thận của bé khi thăm khám. Thực tế, khi bị giãn đài bể thận ở một bên thận, cơ thể vẫn có một bên thận còn lại để hoạt động. Nếu kết quả siêu âm cho thấy thận còn lại không xuất hiện tình trạng tăng âm thận, phân biệt tủy vỏ bình thường và sau mổ đã kiểm tra lại chức năng thận không có gì bất thường, các bác sĩ sẽ không cần thiết phải kiểm tra lại chức năng thận trong các lần thăm khám sau. Vì có rất nhiều người đã hiến 1 quả thận rồi nhưng vẫn sống khỏe mạnh bình thường. Chúc bé mau khỏe!
Trân trọng!
Chào bác sĩ, ba em 60 tuổi, bị thận ứ nước, mặt và bụng lúc nào cũng sưng húp lên. Ba em nên đi xét nghiệm gì và chữa trị ra sao ạ?
Chào bạn!
Thận ứ nước là do có sự tắc nghẽn đường tiết niệu, nguyên nhân thường do sỏi đường tiết niệu, hẹp đường tiết niệu, hoặc do có u bướu chèn ép làm tắc nghẽn đường tiết niệu (bướu niệu mạc, bướu bàng quang, bướu tuyến tiền liệt, hoặc các u bướu bên ngoài chèn ép…)
Ba bạn, mặt và bụng lúc nào cũng sưng húp, đó là biểu hiện của phù. Có nhiều nguyên nhân gây phù, như: suy tim, xơ gan, hoặc các bệnh lý về thận (suy thận cấp hoặc mạn, viêm cầu thận, hội chứng thận hư…) Suy thận do tắc nghẽn hay còn gọi là suy thận sau thận thường xảy ra khi có sự tắc nghẽn đường tiết niệu cả 2 bên phải và trái, hoặc tắc nghẽn trên thận độc nhất…
Bạn cần phải đưa ba bạn đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa về thận tiết niệu. Bác sĩ sẽ thăm khám và cho ba bạn làm các xét nghiệm cần thiết: siêu âm bụng, xét nghiệm chức năng thận, thử nước tiểu, các xét nghiệm cần thiết khác… Sau khi có chẩn đoán bác sĩ mới tư vấn cụ thể hướng điều trị được. Chúc ba bạn mau khỏe.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào bạn,
Vôi thận hay còn gọi là vôi hóa thận, là tình trạng lắng đọng canxi bên trong các mô thận, gây ra cặn thận. Nếu lắng đọng quá nhiều, lâu ngày sẽ dẫn đến sỏi thận. Đa số vôi thận không gây triệu chứng khó chịu gì, tuy nhiên một số trường hợp gây: đau thắt lưng, đau bụng, tiểu đục có mùi, tăng tiết mồ hôi…
Điều trị vôi thận tùy thuộc tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Nếu không có triệu chứng, người bệnh chưa cần phải điều trị gì, nên duy trì uống đủ nước (2-3 lít nước một ngày), vận động thể thao, hạn chế ăn các thực phẩm có quá nhiều canxi, oxalate, vitamin C… và đi tái khám định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Chúc bạn khỏe mạnh!
Trân trọng!
Chào chị!
Khi trẻ em bị giãn đài bể thận, bác sĩ sẽ xem độ dài của đường kính trước sau tại đoạn giãn là bao nhiêu mm để đưa ra hướng điều trị thích hợp. Trường hợp con của chị, bị giãn đài bể thận độ 1 thì thường kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn sẽ không lớn.
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là một bất thường tại phần nối giữa bể thận và niệu quản. Tình trạng này gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống niệu quản. Nước tiểu giữa bể thận với niệu quản sẽ bị tắc nghẽn, làm bể thận bị ứ nước và giãn to. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, thận có khả năng bị hủy hoại hoàn toàn. Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản có thể xuất hiện tại một bên hay hai bên. Tỉ lệ hẹp bên trái thường cao hơn bên phải gấp hai lần. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn thường gặp nhất ở trẻ em.
Quay trở lại trường hợp con của chị, bé bị giãn đài bể thận độ 1, thường không quá nghiêm trọng. Các bác sĩ nhi sẽ chưa mời bác sĩ tiết niệu ngay. Thay vào đó, mỗi tháng, chúng tôi sẽ theo dõi thận của bé thông qua siêu âm. Ví dụ như tháng này, kết quả siêu âm cho thấy kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn là 10mm. Tháng sau, kết quả siêu âm của bé lại lên đến 18mm. Khi đó, bác sĩ nhi sẽ phải hội chẩn với bác sĩ tiết niệu để theo dõi tình trạng của bé, cân nhắc có cần can thiệp phẫu thuật hay không. Với các trường hợp kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn nếu nhỏ dần theo thời gian rồi biến mất sẽ không đáng lo ngại.
Vì thế, chị nên đưa bé đi siêu âm để bác sĩ kiểm tra kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn có tăng theo thời gian hay không. Ngoài ra, người bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản rất ít khi bị nhiễm trùng đường tiểu. Tuy nhiên, hội chứng này cũng làm tăng nguy cơ đọng nước tiểu. Nếu xuất hiện vi khuẩn niệu rất dễ gây nhiễm trùng đường tiểu.
Giãn đài bể thận nhỏ sẽ không ảnh hưởng lắm đến thận vì không gây chèn ép lên các mô của thận, không làm ảnh hưởng đến các chức năng của thận. Tuy nhiên, theo thời gian, nếu không được chữa trị sớm, bệnh tiến triển thì nguy cơ chèn ép lên các mô của thận rất cao, gây tác động tiêu cực tới chức năng của thận.
Về ăn uống và sinh hoạt, bé cần uống đủ nước và hạn chế ăn mặn. Người nhà tránh cho bé ăn những thực phẩm như khế, mì ăn liền, đồ ăn đóng hộp… Vì các loại thực phẩm này tạo ra rất nhiều oxalate, có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận. Chúc bé mau khỏe!
Chào bạn!
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu, hình thành do sự lắng đọng các khoáng chất trong nước tiểu. Tại Việt Nam có khoảng 10 - 14% dân số mắc sỏi thận. Việc điều trị sỏi thận tùy thuộc vào kích thước, vị trí và cấu tạo của sỏi.
Với sỏi thận kích thước nhỏ (< 5mm) có thể điều trị bằng thuốc, uống đủ nước (3 lít/ngày). Mục đích chính là điều trị triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân tự tiểu ra sỏi. Hiện nay có một số thuốc điều trị sỏi thận có tác dụng kiềm hóa nước tiểu giúp làm tan sỏi. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng với sỏi cấu tạo bởi canxi (sỏi canxi chiếm hơn 80% các loại sỏi).
Với sỏi thận có kích thước lớn hơn, lựa chọn điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa. Hiện nay với sự phát triển của y học đã có các phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng ống soi cứng hoặc mềm…
Sỏi thận nếu không điều trị kịp thời có thể gây lên các biến chứng như: tắc nghẽn đường tiết niệu gây thận ứ nước, nhiễm khuẩn niệu… Về lâu dài có thể gây giảm chức năng thận dẫn đến suy thận.
Em của bạn có sỏi thận 2cm, cần phải đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa về ngoại Thận Tiết Niệu. Bác sĩ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, tư vấn phương pháp điều trị cụ thể, bạn nhé.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!