Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp dùng chính màng bụng của người bệnh để làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Phương pháp điều trị này giúp lọc những chất chuyển hóa, nước điện giải khỏi cơ thể, cân bằng nội môi. BS.CKII Tạ Phương Dung cho biết, phương pháp điều trị thay thế thận này được áp dụng phổ biến với người bệnh suy thận hiện nay.
Diện tích màng bụng gần bằng diện tích của cơ thể (khoảng 1- 2 m²). Khoang ổ bụng thường chứa khoảng 100 ml dịch sinh lý, có khả năng chứa hơn 2 lít lọc màng bụng mà không gây khó chịu hay ảnh hưởng tới chức năng hô hấp của người bệnh. Màng bụng được dùng như màng bán thấm ngăn cách giữa hai khoang. Một bên là khoang chứa dịch lọc màng bụng, bên còn lại là những mao mạch quanh màng bụng. Trong quá trình dịch lọc màng bụng lưu tại khoang bụng, quá trình khuếch tán, siêu lọc, hấp thu được diễn ra đồng thời.
Quá trình khuếch tán là hiện tượng những chất hòa tan đi từ nơi có nồng độ cao trong máu như ure, creatinin, kali... qua màng bán thấm (màng bụng) đến khoang chứa dịch lọc. Sự chênh lệch áp lực thẩm thấu giữa dịch lọc và mạch máu sẽ giúp nước thẩm thấu từ khoang máu sang khoang dịch lọc, từ đó loại bỏ nước thừa trong cơ thể.
BS.CKII Tạ Phương Dung chia sẻ, lọc màng bụng cấp tính, bác sĩ sẽ đặt một ống thông tạm thời vào khoang bụng của người bệnh. Cứ mỗi lần 2 lít dịch lọc được đưa vào khoang màng bụng của người bệnh. Sau 2 giờ, dịch được tháo ra, đưa tiếp 2 lít dịch lọc mới. Bác sĩ sẽ thực hiện liên tục cho tới khi người bệnh hết rối loạn điện giải, nội môi được cân bằng, chức năng thận phục hồi. Phương pháp lọc màng bụng này được thực hiện khi không có thận nhân tạo hay người bệnh chống chỉ định với thận nhân tạo. Lọc màng bụng cấp được chỉ định trong trường hợp suy thận cấp hay những đợt tiến triển nặng của suy thận mạn, khi pH máu ≥ 7,2 , kali máu ≥ 6.5 mmol/l, ure máu ≥ 30 mmol/l, quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp...
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú, bác sĩ sẽ luồn một ống thông cố định qua một đường dưới da thành bụng vào khoang bụng đến vị trí sát túi cùng Douglas. Loại ống thông thường được sử dụng là catheter Tenckhoff, có 2 nút chặn. Quá trình đặt ống thông được tiến hành trong phòng phẫu thuật, cố định trong suốt thời gian người bệnh lọc màng bụng. Khi lọc màng bụng liên tục ngoại trú, dịch lọc luôn hiện diện trong khoang bụng của người bệnh. Dịch này được thay 4 lần trong ngày. Quá trình thay, tháo dịch được tiến hành bằng tay, có thể được thực hiện tại nhà.
ADP - lọc màng bụng chu kỳ tự động, một ống thông sẽ được thiết lập để trao đổi dịch. Phương pháp lọc màng bụng này có ba cách:
- Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (Continuous Cycling Peritoneal Dialysis-CCPD): mỗi đêm khoảng 3 - 10 lần, dịch lưu được đưa vào cơ thể thông qua một thiết bị trao đổi dịch chu kỳ tự động. Ban ngày, người bệnh được lưu một thể tích dịch lọc màng bụng trong ổ bụng. Lượng dịch này được tháo ra trước chu kỳ lọc ban đêm.
- Lọc màng bụng cách quãng ban đêm (Nocturnal Intermittent Peritoneal Dialysis- NIPD): diễn ra như lọc màng bụng liên tục chu kỳ, ngoại trừ việc không có dịch lọc trong cơ thể của người bệnh vào ban ngày. Số chu kỳ lọc ban đêm được tăng lên để bù lại sự thiếu lần lưu dịch ban ngày.
- Lọc màng bụng thủy triều (Tidal Peritoneal Dialysis- TPD): là phương thức dùng thể tích dịch đưa vào ban đầu sau đó dẫn lưu dịch một phần trong các khoảng nghỉ chu kỳ.
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú và lọc màng bụng chu kỳ tự động được áp dụng cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối khi mức lọc cầu thận < 15ml/ph, khi người bệnh ở xa những trung tâm lọc máu nên không thể thực hiện chạy thận nhân tạo hay có chống chỉ định với chạy thận nhân tạo.
Theo BS.CKII Tạ Phương Dung, lọc màng bụng là phương pháp lọc máu đơn giản có thể thực hiện ở những nơi không có máy chạy thận nhân tạo, người bệnh không phải phụ thuộc vào máy móc. Nó phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là với người còn đi học, đi làm. Hiệu quả lọc máu tốt, giúp bảo tồn tốt thận. Hơn nữa người bệnh ít bị mất máu gây thiếu sắt; không cần sử dụng các loại thuốc chống đông thường xuyên, nên hạn chế nguy cơ đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng của người bệnh ít bị hạn chế hơn khi áp dụng phương pháp chạy thận nhân tạo.
Không như người bệnh chạy thận nhân tạo phải tới bệnh viện 3 lần/tuần để lọc máu, người bệnh làm lọc màng bụng thực hiện tại nhà, chỉ tái khám hàng tháng và lãnh dịch lọc, thuốc. Trong dịch Covid-19, người bệnh ít phải tới bệnh viện, có thể 2 tháng mới tới tái khám, giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
Người bệnh đang lọc màng bụng có thể vận động nhẹ nhàng, tập luyện thể dục thể thao với cường độ phù hợp. Trong đó, đi bộ là hình thức tập luyện phù hợp với phần lớn người bệnh suy thận. Ngoài ra, bạn có thể vận động nhẹ bằng cách làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, phơi quần áo... Người bệnh cần tránh tham gia các bộ môn tập luyện mạnh như đá bóng, quần vợt, bóng rổ...
Phương pháp thẩm phân phúc mạc mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh suy thận mạn tính, tuy nhiên, theo BS.CKII Tạ Phương Dung, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng phương pháp điều trị này. Ngoài những trường hợp chống chỉ định, người bệnh và người nhà cần phải tự thực hiện thao tác theo hướng dẫn của bác sĩ, nơi ở phải có đủ không gian để lắp đặt phòng riêng đảm bảo vô trùng khi lọc màng bụng, chi phí cho máy lọc tự động cũng khá cao. Vì thế, để mang lại hiệu quả điều trị cao, người bệnh suy thận cần đến thăm khám tại bệnh viện để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng kinh tế.
Anh Ngọc
Trung tâm Tiết niệu Thận học, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa. Các chuyên gia, bác sĩ của trung tâm làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý về thận và đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trung tâm trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực; phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế; cùng với khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao... Trung tâm Tiết niệu Thận học nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, trong đó có suy thận. Để đặt lịch khám và điều trị suy thận bằng cách sau đây:
- Gọi tổng đài 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường tại đây.
- Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu - Nam học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
- Nhắn tin qua Zalo OA của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Địa chỉ Hà Nội:108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Địa chỉ TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.