Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Trưởng khoa Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sỏi tiết niệu ở nước ta chiếm khoảng 9-12% dân số. Trong đó, sỏi thận có tỷ lệ cao nhất chiếm 40%. Đây là bệnh lý đặc thù của khu vực nhiệt đới nóng ẩm và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận hay sạn thận là tình trạng bệnh sinh ra khi nồng độ một số chất xuất hiện quá nhiều trong nước tiểu so với bình thường, tạo thành những tinh thể rắn, thành phần chính tạo ra sỏi. Trong đó, tinh thể canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat là loại sỏi phổ biến nhất. Ngoài ra còn có một số loại sỏi khác như sỏi axit uric, sỏi nhiễm trùng (struvite), sỏi cystine và một số loại sỏi hiếm gặp khác...
Thông thường, với những viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ dễ dàng được tống đẩy qua bên ngoài bằng đường tiểu. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít trường hợp sỏi thận lớn, lên đến vài cm nên khó thải qua bên ngoài hoặc gây tổn thương cho thận, niệu quản, bàng quang trong quá trình di chuyển nên cần phải được can thiệp bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
Nguyên nhân chủ yếu gây sỏi thận
Việt Nam được xem là "vùng sỏi thế giới" với tỷ lệ người mắc bệnh sỏi tiết niệu lên đến 12% dân số và một trong những nguyên nhân gây sỏi là dùng thực phẩm chứa nhiều muối, dầu mỡ.
- Thói quen ăn uống
Các thực phẩm nhiều muối, nhiều dầu mỡ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho thận phải làm việc quá sức, do thể tích tuần hoàn tăng. Người có thói quen dùng thức ăn mặn, thực phẩm đóng hộp, chiên rán, lên men có nhiều nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Bên cạnh đó, người ăn mặn và uống ít nước cũng dễ hình thành sỏi do nồng độ các chất khoáng trong nước tiểu cao.
- Thói quen sinh hoạt
Bỏ bữa sáng, nhịn tiểu, thức khuya... là những thói quen không tốt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng trạng, bao gồm cả thận. Bởi lẽ, các thói quen này có thể khiến cho thận yếu đi, không hoàn thành tốt nhiệm vụ bài tiết nước tiểu và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
- Thói quen chăm sóc sức khỏe
Bên cạnh các yếu tố như di truyền, chủng tộc, khu vực sinh sống... thói quen chăm sóc sức khỏe không đúng cách cũng khiến cho thận dễ tạo sỏi. Cụ thể như thói quen tự ý dùng một số loại thuốc như kháng sinh điều trị bệnh trong thời gian dài là nguyên nhân gây ra sỏi.
Trị sỏi thận bằng cách nào?
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Trưởng khoa Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cùng với sự phát triển của y học hiện đại, các kỹ thuật điều trị sỏi đã có rất nhiều sự thay đổi theo hướng có lợi cho người bệnh như giảm bớt đau đớn, không gây sẹo, rút ngắn thời gian nằm viện, nhanh phục hồi và dễ chăm sóc... Với kích thước sỏi nhỏ dưới 5 mm, người bệnh được hướng dẫn bổ sung nước, dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi. Với sỏi phát triển có kích thước lớn hơn, có triệu chứng và ảnh hưởng đến chức năng thận nhưng không thể điều trị bằng nội khoa, bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh chọn các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, lấy sỏi thận qua da, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm hoặc mổ mở lấy sỏi.
Chia sẻ về ưu điểm của các phương pháp phẫu thuật nội soi, Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên cho biết, các phương pháp phẫu thuật nội soi an toàn, tổn thương thận tối thiểu, đau vết mổ ít và tỷ lệ sạch sỏi cao. Bác sĩ thường chỉ định mổ nội soi cho những trường hợp sỏi kích thước > 1 cm, là chọn lựa đầu tiên cho những trường hợp sỏi thận lớn > 2 cm do có khả năng lấy sạch sỏi chỉ trong một lần phẫu thuật. Phẫu thuật này đã gần như thay thế mổ mở để lấy sỏi thận do tỷ lệ sạch sỏi tương tự nhưng phục hồi nhanh hơn nhiều.
Phương pháp như tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWL)
Đây là một phương pháp điều trị sỏi thận không xâm lấn, an toàn và không gây đau đớn cho người bệnh. Phương pháp này cũng có nhiều ưu điểm khác như ít gây ảnh hưởng đến thận và không mất nhiều thời gian nằm viện hay chăm sóc. Quy trình thực hiện tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể khá đơn giản. Sau khi được gây mê toàn thân hay tiền mê giảm đau, phần lưng tương ứng vị trí sỏi của bệnh nhân được đặt tiếp xúc với nguồn phát sóng xung kích. Sóng xung kích được tạo ra từ bộ phận phát sóng, "bắn" xuyên qua da để phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ có khả năng di chuyển theo dòng nước tiểu ra ngoài.
Phương pháp mổ nội soi lấy sỏi thận qua da
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết, để thực hiện mổ nội soi lấy sỏi thận qua da, bác sĩ sẽ tiến hành xuyên một kim nhỏ qua da ở vùng hông lưng vào thận dưới hướng dẫn của tia X-quang hoặc siêu âm và theo đường này nong rộng ra tạo thành một đường hầm để có thể đưa một ống soi nhỏ vào thận.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành tán vỡ các viên sỏi trong thận bằng cách sử dụng tia laser, xung hơi hoặc siêu âm. Đôi khi, bác sĩ có thể phải chọc nhiều vị trí để có thể lấy hết các viên sỏi. Khi phẫu thuật kết thúc, bác sĩ thường sẽ đặt một ống dẫn lưu trong thận của bệnh nhân.
Phương pháp nội soi tán sỏi bằng ống soi cứng
Cách làm này có thể giúp điều trị sỏi niệu quản ở nhiều vị trí khác nhau. Theo Phó giáo sư Lê Chuyên, phương pháp này cho hiệu quả cao nhất với sỏi ở vị trí 1/3 giữa và dưới, với tỷ lệ thành công hơn 90%. Quy trình tán sỏi được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tại phòng mổ, với đầy đủ các trang thiết bị chuyên sâu về nội soi tán sỏi. Bác sĩ đặt máy soi trực tiếp dưới hướng dẫn của camera vào bàng quang, tiếp cận lỗ niệu quản, dùng dây dẫn (guidewire) luồn qua miệng niệu quản, đưa máy soi vào niệu quản để tiếp cận sỏi. Sau đó, bác sĩ dùng máy laser tán sỏi thành các mảnh nhỏ và dùng rọ lấy sỏi ra hoặc để bệnh nhân tự bài tiết.
Phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm
Kỹ thuật này được thực hiện bằng việc bác sĩ đưa ống soi mềm qua đường tiểu lên niệu quản đến bể thận, vào các đài thận và tán vụn sỏi bằng tia laser rồi lấy ra ngoài. Theo Phó giáo sư Lê Chuyên, lợi thế của phương pháp này là giúp bảo tồn tối đa chức năng thận so với mổ mở và cả mổ nội soi sau phúc mạc, bệnh nhân ít đau đớn, không để lại sẹo do phẫu thuật hoàn toàn theo đường tự nhiên và rút ngắn thời gian nằm viện.
Một số lưu ý khi phẫu thuật nội soi sỏi thận
- Trước khi phẫu thuật
Bên cạnh các kết quả có được thông qua thăm khám, chụp chiếu, bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Cụ thể như vật cấy ghép trong người, các loại thuốc đang sử dụng, tình trạng nhiễm khuẩn MRSA hiện tại hoặc trước đó...
- Vào ngày phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật sẽ xem lại tiền sử và thuốc đang sử dụng, đồng thời sẽ thảo luận lại về phẫu thuật để xác nhận sự đồng ý của bệnh nhân, thảo luận về các phương pháp vô cảm, gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống, giảm đau sau phẫu thuật... Bác sĩ có thể cần chụp X-quang hệ niệu chuẩn bị vào ngày phẫu thuật để đảm bảo sỏi không thay đổi vị trí.
- Sau khi phẫu thuật
Quá trình phẫu thuật kéo dài 1-3 giờ, tùy thuộc vào vị trí có sỏi, kích thước sỏi của bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bác sĩ thường yêu cầu chụp X-quang hoặc CT để kiểm tra tình trạng sỏi thận xem có được xử lý triệt để hay chưa. Bệnh nhân có thể bị rò rỉ nước tiểu từ vị trí vết mổ có ống dẫn lưu thận và tình trạng này sẽ kết thúc trong khoảng 24-48 giờ. Thông thường, bệnh nhân sẽ được xuất viện khi không còn rò nước tiểu, tương đương 2-5 ngày nằm viện.
"Phẫu thuật nội soi sỏi thận tuy rất an toàn nhưng cũng có thể có một số nguy cơ hay biến chứng nhất định. Một số có thể tự giới hạn hoặc tự khỏi. Tuy nhiên, hầu hết đều không đáng kể. Vì thế, người bệnh có thể yên tâm thực hiện, sau khi có trao đổi cụ thể và nhận được sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ", Phó giáo sư Lê Chuyên nói thêm.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Bạn có thể liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia Nam học - Tiết niệu hàng đầu của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
- Hà Nội:
Địa chỉ: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Hotline: 1800 6858
- TP.HCM:
Địa chỉ: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789
Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh