Đồng tình với tác giả bài viết "Từ thiện và hệ lụy", độc giả Hoangyen.hcmcity nêu quan điểm về khác biệt giữa "cứu trợ khẩn cấp" và "cứu trợ nhân đạo":
"Bão lũ miền Trung là cứu trợ thiên tai trên diện rộng và tiền ủng hộ của đồng bào cũng không phải được đóng góp vô hạn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh, các nước khác cũng khó ủng hộ tiền cho Việt Nam. Việc cầm một khoản tiền lớn của các mạnh thường quân mà không có cân nhắc sẽ gây thiệt hại lớn về lòng tin.
Giai đoạn một là cứu trợ khẩn cấp: ai cũng được cứu trợ. Trên thế giới, tôi chưa thấy các hoạt động cứu trợ thiên tai khẩn cấp phân loại dân chúng cần hỗ trợ theo hình thức "giàu hay nghèo, trang sức, quần áo đang mặc đẹp hay xấu" mà tất cả dân trong vùng thiệt hại đều được cấp các thực phẩm, nhu yếu phẩm, cùng nơi trú ẩn an toàn như nhau. Phần này tốn ít tiền nhất, vì thực phẩm và nhu yếu phẩm căn bản như mỳ gói, lương khô, nước uống, chăn mền đều có giá rẻ.
Số tiền còn lại, dành cho giai đoạn hai là cứu trợ nhân đạo: tiền mặt dùng để tái thiết cuộc sống, dọn dẹp và sửa các tuyến giao thông huyết mạch, đưa bác sĩ về khám các bệnh dịch sau lũ, phối hợp cùng chính quyền giúp người dân giảm tiền nợ ngân hàng, mua lại gia súc chăn nuôi, hỗ trợ người nhà bị mất thân nhân là lao động chính, sửa trường học, bệnh viện... Ở các hoạt động cần nguồn lực, chính quyền có thể đứng ra huy động nhân lực, chỉ huy cứu trợ".
Cùng chung quan điểm về từ thiện, bạn đọc Lê Văn Liêm nhấn mạnh: "Tôi từng nêu ý kiến về chuyện cẩn trọng khi từ thiện nói chung và từ thiện cho bà con miền Trung đợt vừa rồi nói riêng nhưng bị chính bạn bè dè bỉu theo kiểu: "không giúp được gì thì thôi, đừng bày đặt". Hình ảnh một ca sĩ nổi tiếng huy động được hơn 100 tỷ rồi tự tay đi phân phát cho bà con là hình ảnh đẹp. Nhưng ngay khi số tiền gom được đến 60 tỷ đồng, tôi bắt đầu thấy có vấn đề phát sinh. Số tiền nhiều, phạm vi cần giúp đỡ thì quá rộng, sông nước mênh mông, một nhóm người nhỏ sẽ phải làm trong bao lâu mới có thể giải ngân hết số tiền đó? Rồi sự bất bình từ chính những người được giúp đỡ vì kẻ nhiều người ít... Đó là việc cực khó.
Có một tỷ phú từng lý giải việc ông không bao giờ cho tiền từ thiện rằng: "Tôi đầu tư cả chục tỷ đôla để lập doanh nghiệp, cả triệu việc làm, đó là cách làm từ thiện tốt nhất". Còn tôi, không phải đại gia, hay nhà đầu tư. Nhưng mỗi khi có thể, tôi vẫn hay gọi mấy cậu bé đánh giày dù đôi giầy vẫn còn sạch. Chỉ cần có 5 hay 10 khách tạo việc làm cho các em, xã hội sẽ bớt đi những chuyện tiêu cực ẩn giấu đằng sau. Từ thiện, vì thế rất cần sự cẩn trọng".
>> Để tiền từ thiện không trở thành 'tiền chùa'
Khẳng định từ thiện bằng hiện vật hay tiền không quan trọng bằng cách làm, độc giả NQT cho rằng:
"Phát tiền cũng phải đúng cách, hợp lý, không phải tùy tiện có nhà một triệu, nhà hai triệu, ba triệu, có nhà lại mấy trăm triệu trả nợ ngân hàng... Người làm từ thiện cũng phải hợp tác với chính quyền địa phương nhiều hơn vì họ là người hiểu rõ ràng nhất hộ nào gặp khó khăn, không nên tự ý quyết định cho ai, không cho ai, cho nhiều hay cho ít. không phải từ thiện vật chất hay tiền tốt hơn mà là cách làm từ thiện. Nếu người làm từ thiện có kinh nghiệm, có khả năng quản lý hay làm việc có kế hoạch hợp lý rõ ràng thì đã không để lại nhiều hậu quả như vậy".
Chia sẻ về phương án từ thiện tốt nhất, bạn đọc Huỳnh Phước Hậu nêu quan điểm: "Mỗi người có tâm niệm, cách làm khác nhau, nhưng chung mục đích chia sẻ với người khó khăn. Thiết nghĩ, khi muốn chia sẻ, ta có thể ngỏ ý nhờ người trung gian, đại diện trưởng quản địa phương đi thị sát, lập danh sách, đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại, gia cảnh, tài sản, nhân khẩu... để có mức hỗ trợ phù hợp. Việc này phải công khai, minh bạch, đúng người, đúng mức, không vị nể, hợp tình hợp lý, thấu đáo để dân hiểu, chia sẻ, gắn bó.
Trước tiên, để đảm bảo sức khỏe; ăn uống; nơi tạm trú; khắc phục nhà cửa, trường, đường phố và khởi nghiệp tự lực tự cường... bạn nên tặng thực phẩm, nước uống cho bà con tạm dùng trước vì có tiền lúc này chưa chắc họ đã đi mua được những thứ cần khi ngập lụt, ngăn sông cách chợ. Sau đó, địa phương có thể huy động người tình nguyện, bà con lập nhóm cùng sửa cầu đường, nhà cửa của nhau... trợ cấp khởi nghiệp vay vốn không lãi, trả góp tháng quý, sau bao năm, sẽ hoàn lại số tiền trợ cấp ban đầu cho bà con (thay vì cho tiền, tạo sự ỷ lại, không phấn đấu, tạo điều kiện cho bà con có ý thức, trách nhiệm vươn lên vượt khó, tự lực tự cường).
Cuối cùng, chính quyền sẽ cùng bà con rút kinh nghiệm, phòng ngừa thiệt hại, đề xuất cách làm hay, sáng tạo hiệu quả, phù hợp giúp địa phương giữ gìn môi trường sống vừa bảo vệ an toàn khi thiên tai đến, biến khó thành dễ, vượt lên chính mình thật nhanh và bền vững. Chúng ta cần những địa phương tự lực, tự cường, quyết gắn bó, tạo dựng quê hương tươi mới, không còn nghèo, có thể đứng dậy ngay sau mỗi đợt thiên tai, địch họa".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.