Cơn bão số 7 vào miền Trung gây mưa lớn kéo dài, kết hợp với xả lũ để đảm bảo an toàn cho hồ Kẻ Gỗ, đã gây ngập lụt tại tỉnh Hà Tĩnh. Từ những thông tin về mưa lũ miền Trung được cập nhật từng giờ, cúng tôi quyết định đi đến miền đất xa xôi, hẻo lánh đầy khó khăn, để mang lại niềm vui, sự chia sẻ thân tình đến với đồng bào nơi đây. Mặc dù, đây cũng là điểm đến của hai cơn bão số 8 và số 9.
Khẩn trương chuẩn bị các đồ thiết yếu để mang theo, chúng tôi bắt đầu hành trình từ rất sớm. 1h sáng, những cơn gió lạnh chớm đông của miền Bắc không thể làm nguội đi những con tim đang rực cháy hướng về miền Trung. Xuất phát từ Nam Định, trong lòng mỗi chúng tôi đều có sự háo hức, xen lẫn những cảm xúc khó tả, những câu hỏi mà chưa có câu trả lời, nóng lòng mong muốn đến nơi thật nhanh...
Trên đường đi, đoàn liên tục cập nhật tình hình bão lũ qua radio và internet. Bên ngoài, thi thoảng chúng tôi lại gặp các đoàn cứu trợ ở các tỉnh. Chẳng quen nhau nhưng tất cả đều chung một chí hướng, chúng tôi nháy đèn pha, giơ tay chào nhau và cho nhau thêm nhiệt huyết. Điều bất ngờ là khi đi đến các trạm thu phí cầu đường, các barie bỗng bật mở, mời xe qua, nhân viên thu phí nói muốn góp sức ủng hộ đồng bào mền Trung, và không quên nói với theo những lời động viên cho đoàn.
Hơn 5h sáng, đoàn chúng tôi đã gần đến thành phố Hà Tĩnh. Chúng tôi ngồi nghỉ ăn sáng tại một cây xăng và hẹn được một đoàn thanh niên tình nguyện tại địa phương. Bữa sáng trở nên nhanh gọn, mọi người đều muốn đi ngay, nóng lòng đến được nơi đang khó khăn nhất, để chia sẻ khó khăn cùng bà con. Đến điểm hẹn, hai đoàn gặp nhau, chỉ trong thời gian ngắn, không kịp cả nhớ tên, nhưng lúc này hai nhóm đã như một, xóa đi mọi e dè, khoảng cách bởi những cử chỉ thân thiện, nhiệt tình của những con người cùng chung chí hướng.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là huyện Cẩm Xuyên, một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Qua thăm hỏi và hướng dẫn của người dân địa phương, đoàn chúng tôi đến được nhà một người phụ nữ lớn tuổi ở xóm 6, Cẩm Vĩnh, Cẩm Xuyên. Cả đoàn đều ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngôi nhà xiêu vẹo, các khe nứt chạy dọc tường chằng chịt, bà cụ đã 97 tuổi ngồi ở cửa, phía trước hiên và sân là ngổn ngang chăn gối, mâm bát... đang phủ lớp bùn đã khô trắng. Nhận quà từ chúng tôi, cụ cứ khóc, nói nhiều lúc muốn ra đi để thoát hoàn cảnh này, mà vẫn canh cánh trong lòng vì còn có người con trai 60 tuổi đang ung thư. Các đoàn vào tặng tiền và quà, cụ đều để dành mua thuốc chữa trị cho con.
>> Từ thiện - đừng 'thấy người ăn khoai vác mai đi đào'
Di chuyển sang một nhà khác gần đó là hoàn cảnh của người phụ nữ sống độc thân trong ngôi nhà trát đất đã bị ngấm nước, bong tróc, trơ ra các lõi tre đan bên trong, đồ đạc đã trôi gần hết, chỉ còn chiếc giường trải tạm mảnh chiếu để nằm. Chúng tôi tiếp tục đến nhà người đàn ông ở thôn Tam Trung, Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên. Anh là lao động chính nhưng mới bị tai nạn lao động, hỏng mất đôi chân, chỉ nằm một chỗ hoặc di chuyển bằng xe lăn. Nhà xây tạm chưa trát, từ trong ra ngoài đồ đạc không có gì giá trị, tất cả đều đang bám bùn lầy do úng ngập mấy ngày...
Quá trưa, đoàn chúng tôi ghé một quán cơm ven đường. Sau khi ăn xong, anh chủ quán ra bắt tay và nói miễn phí bữa ăn để góp sức cùng đoàn đi ủng hộ đồng bào. Rồi cứ như vậy, chúng tôi qua từng thôn xóm, đến từng nhà, chia sẻ từng trường hợp khó khăn, rồi gặp cả những người đồng chí hướng. Các quán cơm, nhà nghỉ ven đường cũng miễn phí để chung tay góp sức cùng đoàn, tăng thêm niềm nhiệt huyết cho mỗi người.
Hôm sau, do ảnh hưởng bão số 9, trời mưa và gió to hơn hôm trước. Chúng tôi được một người thanh niên bản xứ nhiệt tình hướng dẫn và chỉ cho những nhà khó khăn nhất nơi đây để đoàn vào thăm. Trước khi di chuyển, cô trưởng đoàn có tặng cho anh một món quà nhỏ, nhưng anh dứt khoát từ chối: "Tôi cũng bị ảnh hưởng, nhưng xin hãy gửi món quà này đến những hoàn cảnh khó khăn hơn"...
Đoàn chúng tôi đến thăm một gia đình khác ở Mỹ Trung, Cẩm Mỹ. Đây là nơi một người phụ nữ bị ung thư đang nuôi ba con nhỏ, chồng chị đi làm kinh tế, khai hoang ở miền Nam, nhưng đã hai năm mất liên lạc, giờ chẳng biết ở đâu. Trên đường đi, chúng tôi còn gặp một người phụ nữ với vẻ mặt thất thần, hớt hải, vừa chạy vừa nói đi tìm con bò lạc mất hai hôm nay, đó là tài sản duy nhất có giá trị của nhà chị...
Sau đó, chúng tôi còn đến nhiều điểm khác như: Tường Sơn, Cẩm Duệ, Thạch Thắng... đều là những nơi chịu ảnh hưởng rất nặng, và cuối cùng là khu vực hồ Kẻ Gỗ. Trước khi quay trở lại miền Bắc, chúng tôi đã được các bạn tình nguyện viên mời ăn bánh Cu Đơ, cam Khe Mây. Chúng tôi chia tay bịn rịn, lắng đọng bao cảm xúc. Dù trong bao khó khăn nhưng nhân dân nơi đây vẫn đối xử với nhau rất ấm áp.
Nhìn thấy những niềm vui, hạnh phúc của người dân vùng lũ khi được nhận quà, chúng tôi cảm nhận được sâu sắc, chân thực nhất cuộc sống xung quanh, những khó khăn vất vả của nhân dân nơi đây, để thêm yêu cuộc sống, lạc quan hơn, và cũng để cho tâm hồn biết đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.