Trước hết, chúng ta hãy đi tìm hiểu một vài khái niệm cơ bản:
Vật chất là gì? Các thực thể vật chất có thể ở dạng từ trường (cấu tạo bởi các hạt trường, thường không có khối lượng nghỉ, nhưng vẫn có khối lượng toàn phần), hoặc dạng chất (cấu tạo bởi các hạt chất, thường có khối lượng nghỉ) và chúng đều chiếm không gian. Với định nghĩa trên, các thực thể vật chất được hiểu khá rộng rãi, như một vật vĩ mô mà cũng có thể như bức xạ hoặc những hạt cơ bản cụ thể và ngay cả sự tác động qua lại của chúng.
Đôi khi người ta nói đến thuật ngữ phản vật chất trong vật lý. Đó thực ra vẫn là những dạng thức vật chất theo định nghĩa trên, nhưng là một dạng vật chất đặc biệt ít gặp trong tự nhiên. Hiểu cho đơn giản theo nghĩa hằng ngày thì vật chất là những gì tồn tại mà chúng ta có thể sờ thấy, cảm thấy, nhìn thấy có thể trực tiếp hoặc qua các công cụ ví dụ như (anten thu sóng, kính lúp, hiển vi...).
Ý thức là gì? Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác-Lênin là một phạm trù song song với phạm trù vật chất, theo đó ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người và có sự cải biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan hệ hữu cơ với vật chất. Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, ý thức là một thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người, là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não người.
Nếu không có sự tác động của thế giới khách quan vào bộ não người và không có bộ não người với tính cách là cơ quan vật chất của ý thức thì sẽ không có ý thức. Bộ não người và sự tác động của thế giới khách quan vào bộ não người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Hiểu cho đơn giản thì ý thức là những gì mà bộ não chúng ta ghi nhận, ghi nhớ, hình dung, cảm nhận, tái hiện một sự vật, hiện tượng thuộc phạm trù vật chất. "Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó", "ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn như vậy đến chừng nào con người còn tồn tại" - Karl Marx.
>> 'Đạo đức tốt hay xấu không liên quan đến tiền'
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
Theo triết học duy vật biện chứng, "vật chất có trước, ý thức có sau" (có vật chất trước thì mới có sự phản ánh vật chất đó lên não bộ con người, và bản thân não bộ con người cũng là vật chất trước khi nó xuất hiện ý thức). Tức là vật chất đã tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý muốn, ý thức chủ quan của một cá nhân nào đó. Cá nhân này có thể là người bình thường hay các Sáng Thế Chủ (nhân vật sáng tạo ra thế giới) của một loại hình thức tâm linh, tinh thần nào đó.
Nhưng giữa vật chất và ý thức lại tồn tại mối quan hệ hữu cơ. Ý thức là sản phẩm của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người. Thế giới vật chất là nguồn gốc khách quan của ý thức. Vật chất quyết định nội dung của ý thức: ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nội dung của ý thức mang tính khách quan, do thế giới khách quan quy định. Vật chất quyết định bản chất của ý thức. Vật chất quyết định phương thức, kết cấu của ý thức. Ý thức tác động tới vật chất.
Sự tác động của ý thức đối với vật chất phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Biểu hiện ở chỗ: ý thức trang bị cho con người sự hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp con người xác định mục tiêu, lựa chọn phương pháp cho hoạt động của mình tạo nên ở con người tình cảm, niềm tin, ý chí, thôi thúc con người nỗ lực hành động để đạt được mục tiêu đề ra. Ý thức có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự vận động, phát triển của những điều kiện vật chất ở những mức độ nhất định.
Đạo đức là gì? Là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Một số phạm trù cơ bản của đạo đức: nghĩa vụ, lương tâm, thiện và ác.
Có thể thấy đạo đức là một phạm trù thuộc ý thức. Đạo đức là một tập hợp các phản ánh (ý thức) về một, nhóm sự vật, hiện tượng được cho là chuẩn mực, có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề sao cho có tình người nhất. Cũng có thể nói là tập hợp các nguyên tắc, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết vấn đề được xã hội loài người công nhận khuyến khích, chấp nhận là nên làm, phải làm.
Đạo đức giả là gì? Đạo đức giả là sự xuất hiện đầy chất giả tạo của đức tính hay lòng tốt, trong khi che giấu những bản chất xấu xa thực sự, đặc biệt là đối với niềm tin tôn giáo và đạo đức. Do đó, trong một ý nghĩa chung, đạo đức giả có thể liên quan đến sự phân tán, giả vờ hoặc một sự giả tạo. Đạo đức giả là thực hành tham gia vào cùng một hành vi hoặc hoạt động mà người này chỉ trích người khác. Trong tâm lý học đạo đức, đó là sự thất bại trong việc tuân theo các quy tắc và nguyên tắc đạo đức được thể hiện của chính mình.
Dấu hiệu của một người đạo đức giả: chỉ tôn trọng những người có quyền lực, ưa chỉ trích (tấn công cá nhân thay vì dùng lý lẽ, phản biện lập luận của người khác); hay buôn chuyện (để kéo người khác xuống nhằm nâng mình lên); chỉ giúp người khác khi có lợi cho mình (nghĩ cho chính bản thân họ, trước khi nghĩ cho người khác); thích gây chú ý, gây ấn tượng (gây ấn tượng, tạo thiện cảm tốt là điều rất bình thường của mỗi người nhưng nếu nó trở thành một lối sống của một người, thì chắc chắn đó là một người đạo đức giả); chỉ thích nói suông (lời họ nói lúc nào cũng hùng hồn, họ thích khoác lác, khoe khoang và tạo ra một hình ảnh long lanh về bản thân).
>> Dạy con kiếm tiền hay ước mơ?
Tại sao phải cần tới đạo đức?
Theo quy luật thịnh suy của xã hội loài người, giữa con người với nhau luôn có sự tồn tại mối quan hệ xã hội phức tạp, ở đó các lợi ích có thể gắn liền nhau, có thể xung đột nhau. Như đã trình bày trước đây thì mối quan hệ sản xuất kinh tế của loài người và các sự cộng tác trong tự nhiên đều tuân theo quy luật kinh tế giữa "kẻ đi săn và con mồi". Ở đó kích thước, khối lượng kẻ đi săn phải tương xứng với con mồi. Càng liên kết mạnh mẽ, đông đúc thì có thể săn được những con mồi lớn, nhưng khi thị trường thay đổi, con mồi lớn khan hiếm, không còn thì kẻ đi săn phải thu nhỏ quy mô tổ chức, thậm chí tan rã thành các cá nhân riêng lẻ để đảm bảo sự tồn vong. Đó là quy luật thịnh suy trong tự nhiên.
Quy luật thịnh suy trong xã hội loài người cũng dựa trên hình thức tương tự trong tự nhiên nhưng phát triển cao hơn thành chiến tranh và hòa bình. Khi mà của cải, tư liệu sản xuất không được phân chia ổn thỏa làm hài lòng tất cả các thành viên trong xã hội, các cộng đồng với nhau thì sẽ xuất hiện hình thức tranh chấp, giải quyết mâu thuẫn dựa trên bạo động là chiến tranh. Xã hội loài người sẽ không ngừng chiến tranh cho tới khi một trạng thái cân bằng mới được thiết lập lại. Ở đó, các thể người, các cộng đồng người tự thỏa mãn với các lợi ích của họ giành được. Lúc đạt trạng thái cân bằng trong hệ sinh thái mới của xã hội loài người diễn ra chính là điểm bắt đầu của thời kỳ hòa bình.
Trong xã hội nguyên thủy, các cuộc chiến tranh giữa người với người, bộ tộc với nhau là rất thường xuyên do không có các công cụ giải quyết mẫu thuận hiệu quả. Sự bất động trong ngôn ngữ và bất đồng trong lợi ích sẽ thôi thúc chiến tranh liên miên. Khi ý thức của con người phát triển tới mức độ nhận thức nhất định thì yêu cầu đặt ra là cần có công cụ để giải quyết mâu thuẫn giữa người với người, các cộng đồng với nhau nhằm tránh chiến tranh phi nghĩa, trì hoãn lâu nhất trạng thái hòa bình.
Để đảm bảo hòa bình trong một cộng đồng, xã hội, quốc gia, con người đã đặt ra các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Từ đó, mọi mâu thuẫn phát sinh sẽ được giải quyết theo nguyên tắc của pháp luật và đạo đức. Giữa các quốc gia với nhau, chúng ta vẫn có công cụ luật quốc tế và ngoại giao quốc tế, đạo đức chung để tham khảo giải quyết mâu thuẫn. Các bạn có thể thấy, trước khi tiến hành chiến tranh, các quốc gia tham chiến luôn đổ lỗi, kết tội nhau vi phạm các nguyên tắc đạo đức, ngoại giao, luật pháp quốc tế nào đó để hợp thức hóa việc chiến tranh.
Mô hình xã hội kim tự tháp
Xã hội loài người là xã hội được tổ chức theo mô hình "bầy đàn" có tập tính xã hội cao. Không chỉ loài người mà các loài khác có tập tính xã hội như ong, mối, kiến... đều có thuộc tính xã hội có tổ chức bầy đàn rất chặt chẽ theo mô hình phân công, phân cấp rõ ràng. Các bạn thường thấy phần ở dưới đáy kim tự tháp thường là giải quyết các công việc cơ bản liên quan đến miếng ăn và nhu cầu cơ bản trực tiếp của xã hội đó. Còn các phần bên trên thì chủ yếu giải quyết các công việc mang tính chất dịch vụ ngoại giao hoặc các dịch vụ phân phối, phân phát (buôn bán) dựa trên sản phẩm, cải tiến sản phẩm có sẵn của tầng lớp ở dưới.
Vị trí càng ở trên cao của mô hình kim tự tháp xã hội đó thì càng phải cần tới các năng lực điều hành, sắp xếp lại mô hình phân phối của cải trong xã hội để đảm bảo tính ổn thỏa, không gây mất cân bằng, duy trì lâu nhất trạng thái hòa bình của xã hội. Như vậy, để có thể tiến được lên tầng lớp trên cao của xã hội loài người thì yêu cầu đặt ra đầu tiên của họ chính là năng lực duy trì ổn định của trạng thái hòa bình, tức là có thể giải quyết các mâu thuẫn xã hội tuân theo quy tắc của pháp luật và đạo đức một cách đầy đủ nhất, ít gây ra biến động nhất cho xã hội, nếu có chỉ là các biến động củng cố không phải là các biến động sụp đổ của xã hội.
Nếu một người không có đạo đức và pháp luật mà có thể lên cao tới vị trí lãnh đạo xã hội thì sẽ gây ra sự sụp đổ của hệ thống xã hội, tổ chức kinh doanh, tổ chức xã hội vì năng lực giải quyết mâu thuẫn rất kém thậm chí bản thân người đó cũng là một tập hợp các mâu thuẫn có thể nổ ra chiến tranh. Trong các tổ chức xã hội, kinh doanh... điều mà các thành viên mong muốn, kỳ vọng ở tập thể lãnh đạo chính là việc duy trì và phát triển trạng thái ổn định hòa bình, do đó những người có đạo đức, có hiểu biết pháp luật luôn được xem xét là ứng viên tiềm năng.
Những cá nhân có tiềm năng gây bất ổn, nguy hại cho tổ chức sẽ bị thải loại đầu tiên. Do đó, đạo đức và hiểu biết pháp luật là một phần năng lực để có thể đi lên của con người, là phẩm chất đầu tiên của người lãnh đạo. Thiếu phẩm chất này sẽ không thể đi lên tầng lớp lãnh đạo, nếu có chỉ gây bất ổn xã hội, mang tới chiến tranh và bất ổn trong tổ chức.
>> Dạy trẻ tiết kiệm để không trở thành 'nô lệ tình cảm'
Từ thiện có tốt không?
Từ thiện có thể là biểu hiện thường thấy nhất của người có đạo đức. Xã hội loài người luôn tồn tại và phát sinh các bất ổn, mâu thuẫn. Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn kinh tế, có thể dẫn tới các xung đột lớn tới chiến tranh vì quyết định trực tiếp tới sự sinh tồn. Để đảm bảo tính ổn định lớn nhất của xã hội loài người thì tự ổn thỏa và giải quyết các xung đột kinh tế, mở ra cơ hội cho các tầng lớp bên dưới, yếu thể có thể đi lên, sẽ giảm phát sinh nguy cơ bạo động và chiến tranh kinh tế.
Rất nhiều giải pháp giải quyết vấn đề đã được đưa ra bao gồm trợ cấp, hỗ trợ kinh tế từ chính phủ, các tổ chức khác. Một trong những yếu tố nổi lên là từ thiện. Đối với người nhận, khi nhận một vài lần, họ sẽ lấy lòng biết ơn ra mà trả. Nhưng khi nhận quá nhiều, họ sẽ mặc nhiên là quyền lợi họ được thừa hưởng nếu mà bị cắt đi họ sẽ cho rằng người cho là kẻ ăn cắp phần xứng đáng họ được hưởng. Vậy nên, cho cái gì không quan trọng bằng cách cho.
Ông bà ta có câu "cho cái cần câu hơn cho con cá". Việc cải tạo môi trường sống, làm việc, khả năng đổi đời các tầng lớp yếu thế sẽ được đánh giá cao hơn là việc bạn cho người ta những bữa ăn miễn phí. Không ai có thể đãi người dưng cả đời vì "miệng ăn núi lở". Vấn đề tồn vong của một tổ chức xã hội nằm ở tính hiệu quả, sản sinh ra bao nhiêu của cải để tồn tại, tính sản xuất. Tức là kẻ kiếm tiền sẽ quyết định sự tồn vong chứ không phải là kẻ ngồi ăn. Tập thể mà nhiều kẻ ngồi ăn ít người kiếm tiền sẽ nhanh chóng phá sản, sụp đổ.
Do đó, chỉ có biến đổi những người nhận từ những người "ngồi ăn" thành những người có thể "kiếm ăn" mới là từ thiện đúng nghĩa, có giá trị. Cứ như một quốc gia ở phương Tây giàu có nhiều đời nhờ tích trữ tiền từ dầu mỏ đã trợ cấp toàn bộ giá trị tiêu dùng cho xã hội thay vì phát triển hệ thống sản xuất kinh doanh, dẫn tới hết tiền, người dân phải đi tứ xứ xin ăn là thấy rõ nhất. Từ thiện mà không hiểu các quy luật tự nhiên sẽ chuốc lấy thương đau cho cả người, cả mình.