Từ thiện không phải là "đâm đầu" làm bừa mà phải có chọn lọc, ai cần được ưu tiên giúp đỡ trước, ai sẽ giúp sau. Bão lũ không phải chỉ năm nay mới có, quá khứ đã có và tương lai cũng vậy. Năm nay, bão lũ mạnh vì nửa đầu năm nay ta gặp hạn nặng và kéo dài. Đó là sự cân bằng của thiên nhiên và nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Bình thường, khi không có bão lũ, vẫn có người nghèo, người giàu. Giàu ở đây chỉ ở mức tương đối, xem như là có của ăn của để chứ không phải là có vốn vài chục vài trăm tỷ mới gọi là giàu. So sánh giàu nghèo ở thành phố và thôn quê không giống nhau nên không thể đem tư tưởng ở thành phố áp đặt vào thôn quê.
Khi thiên tai xảy ra, chúng ta ưu tiên cứu giúp người giàu hay người nghèo? Về mặt tình cảm, người ta sẽ giúp người nghèo. Về mặt lý trí, người ta giúp người giàu. Vì với người nghèo, có giúp hay không họ cũng vẫn nghèo. Với người giàu, chỉ cần giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu, họ sẽ nhanh chóng khôi phục lại vì họ là những người biết cách làm ăn. Họ khôi phục lại thì kinh tế cũng phục hồi, kéo theo cả công ăn việc làm cho người khác.
Đó là giúp sau khi bão tan. Còn trước đó, giàu hay nghèo cũng đều như nhau, điều quan trọng nhất là giúp họ có thể tồn tại, vượt qua cơn bão (chống đói, chống lạnh, ẩm ướt, chống dịch bệnh...). Các tổ chức cứu trợ thường huy động tiền mặt của các mạnh thường quân. Tổ chức cứu trợ sẽ dùng tiền mặt quyên góp được để mua những thứ cần thiết cho người dân vùng lũ thay vì cho tiền mặt.
Kế hoạch cứu trợ trước và sau bão luôn được tính toán tỉ mỉ để làm sao đồng tiền quyên góp được dùng hiệu quả nhất. Trước bão, nếu có di tản người, tổ chức cứu trợ sẽ thuê mọi loại phương tiện có thể để giúp di tản người dân, chuẩn bị lều trại nơi cao ráo để họ ở tạm, cung cấp lương thực, nước uống để họ dùng vài ngày chờ qua bão. Sau bão, ai cần sửa chữa nhà cửa, mua sắm công cụ lao động, cây giống, con giống để khôi phục lại cuộc sống sẽ được tổ chức cứu trợ ưu tiên giúp trước bằng cách thanh toán những khoản xây sửa, mua bán này. Nếu còn dư tiền, họ mới giúp đến những người khác. Những người này thường do chính quyền địa phương trực tiếp cứu trợ, vì họ cơ bản là người nghèo, người làm công ăn lương, số lượng đông đảo, không có tổ chức cứu trợ tư nhân nào cứu xuể.
>> Từ thiện vùng lũ - 'đồng tiền đi trước'
Nếu cứu trợ tiền mặt, tôi cho rằng sẽ ít người dùng đúng mục đích. Họ sẽ ăn tiêu hoang phí vào những việc mà ngày thường do ít tiền nên họ không thể. Những năm đầu thế kỷ 21, không ít lần người ta nghe thấy những chuyện như nông dân bán đất cho khu công nghiệp. Thế nhưng, rất ít người đổi đời sau đó. Phần lớn họ ăn tiêu hoang phí đến mức trắng tay. Nhiều người nông dân bán đất có tiền, họ xây nhà to nhưng nội thất rỗng tuếch. Có làng toàn biệt thự nhưng chỉ là cái vỏ ngoài. Họ chỉ chăm chú khoe mẽ với nhau, không dùng số tiền ấy tạo ra công ăn việc làm thu nhập ổn định.
Phát tiền cho người biết dùng tiền thì tốt nhưng với người không biết dùng tiền là làm hại họ, tạo cho họ thói quen ăn xài lãng phí vì tiền cứu trợ ấy với họ là "tiền chùa". Vì thế, các tổ chức cứu trợ thường lên danh mục thanh toán những việc cần thiết cho hộ nghèo. Ai xài tiền vào những danh mục đó sẽ được tổ chức cứu trợ chi trả thay, xài ngoài thì tự bỏ tiền túi ra. Cứu trợ phải có mục đích chứ không phải đếm đầu người rồi phát bừa. Cứu trợ phải có trọng điểm, chia đều số tiền ấy ra mỗi người được một khoản nhỏ nhoi chẳng làm được việc gì. Thà cứu ít mà đến nơi đến chốn hơn là cho đám đông mỗi người một ít mà số tiền ít ỏi ấy làm cái gì cũng không đủ. Cứu trợ như vậy có hiệu quả sao?
Bây giờ, nếu chúng ta không rút kinh nghiệm, không tính toán chu đáo thì những năm sau, với những người làm thiện nguyện khác, tình trạng cũng chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi không làm thiện nguyện nhưng chúng tôi đóng góp tiền bạc và chúng tôi muốn đồng tiền ấy được dùng có hiệu quả. Còn ai đó cho rằng có làm là tốt rồi, khỏi cần tính toán gì là một sai lầm lớn.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.