Gần 20 năm trước, người phụ nữ chuyên làm từ thiện mang đến cho tôi một bức ảnh. Cậu thiếu niên 14 tuổi, mặc bộ quần áo dân tộc thiểu số rách rưới và cáu bẩn, đôi chân cong lệch biến dạng như bị gập lại thành nhiều khúc. Qua câu chuyện, tôi biết cậu bé đã được cha mẹ chữa chạy nhiều lần bằng thầy lang và thầy cúng, người phụ nữ cũng đã hỗ trợ tiền, nhưng bác sĩ chỉ kê đơn thuốc canxi và không làm gì hơn.
Bức ảnh đã thực sự làm tôi bị ám ảnh. Thời điểm đó, đang có một đoàn phẫu thuật từ thiện quốc tế, đó là lý do người phụ nữ liên hệ với tôi để kêu gọi hỗ trợ tiền. Ngay lập tức tôi ủng hộ hai tháng lương. Nhưng tôi biết số tiền ấy quá ít, mặc dù ca mổ được miễn phí hoàn toàn, nhưng còn các khoản chi phí khác như tiền đi lại nhiều lần, tiền ăn uống và tiền cho người chăm sóc cậu bé sau hàng năm trời tập phục hồi chức năng. Vì thế mà tôi giới thiệu thêm vài người bạn quyên góp để giúp cậu có ca phẫu thuật.
Các chuyên gia quốc tế đã phẫu thuật thành công. Những đoạn xương gấp góc được chốt giữ bằng đinh nẹp, sau đó là những tháng ngày vật lý trị liệu. Tôi tin chắc đôi chân cậu bé sẽ duỗi thẳng, sẽ đến ngày cậu tự vịn tay vào đầu gối và đứng dậy, bước những bước đầu tiên trong đời.
Hơn ba năm sau phẫu thuật, tôi gặp lại cậu, bấy giờ đã là thanh niên 17 tuổi, xen giữa những nụ cười trên mặt em là cái mím thật chặt môi để vượt qua đau đớn. Cơ bắp sau 17 năm không sử dụng đã teo yếu hết, khớp háng và khớp gối đều dính, xương không hoàn chỉnh. Ca mổ thành công về mặt kỹ thuật nhưng thực tế bệnh nhân chẳng thể đứng dậy để đi. Các thói quen sinh hoạt hàng ngày bị thay đổi, thậm chí, hồi nhỏ cậu có thể tự đại tiểu tiện thì nay phải có người giúp.
Nhìn cậu thanh niên học lại cách lết trên mặt đất, trong hơi thở hổn hển và mồ hôi nhễ nhại, tôi biết việc từ thiện của mình đã thất bại. Nạn nhân của từ thiện, tôi tự hỏi, những bác sĩ khám cho cậu chỉ kê đơn thuốc canxi so với các chuyên gia quốc tế phẫu thuật như một cuộc thử nghiệm, thì đâu là nhân đạo? Câu hỏi đó làm tôi ám ảnh hơn rất nhiều so với khi nhìn bức ảnh thiếu niên tật nguyền năm xưa.
Tôi cho rằng từ thiện khác với làm việc tốt, nếu hiểu sai chữ "từ thiện" sẽ rất dễ gây phản cảm, bởi từ thiện rất cao quý, song nếu ai làm với cái tâm hời hợt và vô tình coi rẻ người nhận, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Ví dụ, bạn cho tiền người ăn xin đang bế trên tay một đứa trẻ ngủ mê mệt giữa trời nắng nóng, đó là giúp đỡ họ hay đẩy họ dấn sâu thêm vào con đường ăn xin, thậm chí là tiếp tay cho kẻ ác đầu độc trẻ em bằng thuốc ngủ? Những người ủng hộ tiền, doanh nghiệp góp quỹ, những người góp công sức và thời gian để giúp đỡ người thiếu may mắn, đó có phải là từ thiện hay chỉ là làm việc tốt? Trong nhiều tình huống, theo tôi, dùng khái niệm "chia sẻ" thay cho "từ thiện" sẽ hợp lý hơn.
Việc bão lũ tàn phá ở miền Trung cũng vậy, tôi theo dõi và rất xúc động trước sự chia sẻ của cộng đồng. Nhu cầu cứu trợ, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, đang đòi hỏi rất cao. Ngay sau thảm họa, tôi thấy hàng ngàn nhóm trên danh nghĩa cá nhân đã đổ xô về miền Trung giúp đỡ, nhưng không có trật tự, điều đó không chỉ gây lãng phí về nguồn lực và giảm hiệu quả cứu trợ, mà đang bắt đầu hé lộ những rối loạn và bất ổn phía sau. Đã có trưởng thôn bị đánh phải nằm viện vì cả thôn có 200 hộ nhưng ông chỉ lên danh sách 100 hộ nhận tiền cứu trợ của người làm từ thiện. Một trưởng thôn khác bị cộng đồng và chính người làm từ thiện phản ứng dữ dội vì ông đã theo hương ước, thu lại tiền cứu trợ để phân chia cho tất cả bà con theo mức độ thiệt hại.
Thật buồn, khi các tổ chức từ thiện rút đi, nạn nhân của từ thiện xuất hiện. Cứu trợ không phải cứ mang tiền và hàng đến là xong. Tôi đã từng đi cứu trợ, từng khám bệnh từ thiện nên tôi hiểu việc làm từ thiện hời hợt, ban phát sẽ để lại hậu quả vô cùng tồi tệ về thể chất, hệ lụy về tinh thần cho người nhận. Và hôm nay, những đoàn từ thiện mang tiền và hàng đến phát trực tiếp cho người miền Trung, theo tôi nếu không vượt lên trên sự ban phát hời hợt để làm từ thiện một cách bền vững, thì rất có thể đây đó xảy ra tình trạng như ca mổ chân năm xưa, làm đối tượng của lòng tốt bị tổn thương, thậm chí không thể sửa sai.
Việc nhà từ thiện cầm tiền đến phát trực tiếp cho người dân trong bối cảnh bão lũ ở miền Trung theo tôi là chưa phù hợp. Ở miền Trung, hầu hết mọi người bị ảnh hưởng. Họ đều cần được chia sẻ khó khăn, bình đẳng trong quyền được tiếp cận "tài nguyên lòng tốt" thay vì được cho nhiều hay ít tiền đôi khi chỉ vì có nhà to hay nhỏ.
Khi xem video hay các ý kiến "tố" những người "không xứng đáng" nhận tiền cứu trợ, tôi hiểu rằng nạn nhân của từ thiện không chỉ dừng lại ở trường hợp vài trưởng thôn bị đánh, bị tẩy chay. Mất đoàn kết tình làng nghĩa xóm sau mỗi đợt cứu trợ mới là hệ quả nguy hiểm hơn nhiều. Giá trị cộng đồng vốn là truyền thống đặc biệt của người miền Trung, chỉ có sự đoàn kết mới giúp họ vượt qua được những thảm họa thiên tai. Bão lũ chưa bao giờ cuốn trôi được khí phách người miền Trung, nhưng đồng tiền dưới danh nghĩa từ thiện không sử dụng đúng cách đủ sức làm cho nhiều người bị tước đi nhân phẩm.
Bà con miền Trung đang rất cần sự chia sẻ trong hoạn nạn, nhưng dứt khoát, họ không phải là những người ăn xin để nhận bố thí theo kiểu ban phát. Tôi cũng có những người bạn làm từ thiện, cả nghệ sĩ uy tín, quỹ của họ được đăng ký với cơ quan chức năng để tránh sự nhập nhèm. Mùa bão lũ năm nào họ cũng đi miền Trung, nhưng chỉ phát trực tiếp cho dân thực phẩm hoặc vật chất ở những vùng bị cô lập. Còn lại tiền, họ cùng với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả bão lũ như sửa sang lại nhà cửa, trường học hay trạm xá, mua sắm sách vở hay phương tiện giảng dạy, mua cây con giống tặng bà con.
Làm từ thiện trong tình huống lũ lụt như miền Trung không phải chỉ cần một danh sách các hộ và nhà từ thiện cầm tiền phát cho từng người. Cách làm như vậy có giá trị tức thời. Nhưng tôi hiểu, trong nhiều trường hợp sẽ rất khó nếu thay vì phát tiền trực tiếp là những công trình phúc lợi được sửa sang, là công cụ sản xuất, là cây con giống, những thứ có ý nghĩa lâu dài.
Phân phát tiền trực tiếp luôn tạo ra cảm xúc, điều đó không sai trái và cũng chẳng phạm vào quy chuẩn đạo đức, nhưng hệ lụy là có thật.
Trần Văn Phúc