Những ngày này, cả nước đang hướng về miền Trung. Dù ít dù nhiều, ai cũng muốn góp công, góp sức chia sẻ với những người dân ở vùng thiên tai, bão lũ. Hàng nghìn tổ chức, cá nhân đang làm từ thiện, nghĩa đồng bào "lá lành đùm lá rách" đã tạo ra những hình ảnh thật đẹp, những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, "làm từ thiện như thế nào cho đúng?" là chuyện khiến tất cả chúng ta phải suy ngẫm.
Tôi nhớ những ngày đầu tiên, khi ở thời điểm cơn "đại hồng thủy" đang tràn về. Khi những tiếng kêu cứu trong đêm được phát ra, ngay sau đó, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra kêu gọi từ thiện. Nhiều người rất dũng cảm trên mặt trận chống lũ, ngày đêm nỗ lực giúp dân, dù âm thầm hay công khai, dù cách này hay cách khác, tất cả đều rất đáng trân quý.
Tuy nhiên, cảm xúc đau đớn trước những tang thương, mất mát khiến nhiều người nóng ruột, muốn đến với miền Trung ngay mà chưa kịp cân nhắc đến sự an toàn của bản thân. Họ muốn tự phát làm việc thiện ngay khi chưa kết nối với chính quyền địa phương để nắm tình hình thực tế, chưa biết đồng bào vùng lũ thực sự cần gì để ủng hộ, do đó việc từ thiện không mang lại hiệu quả.
Nhiều đội nhóm tự phát theo kiểu phong trào, thấy ai làm sao cũng ào ào làm vậy. Thế nên, điệp khúc mỳ tôm, hàng hóa ùn ứ, hư hỏng, chỗ thiếu, chỗ thừa, làm khó địa phương... đã xảy ra đâu đó. Hãy nhớ rằng, thử thách mới chỉ bắt đầu, chúng ta nên suy tính dài lâu. Mỗi đội nhóm làm gì cũng cần phù hợp với tình hình thực tế chứ không phải thấy "người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" mà không phù hợp thực tế.
>> Vì sao Thuỷ Tiên quyên góp được 150 tỷ đồng?
uốn thiện nguyện trọn vẹn cũng cần đặt cái tôi xuống để tôn trọng lợi ích chung, sử dụng khôn ngoan nhân lực, vật lực, xét đến hiệu quả và tính thực tế của hoạt động... Nếu bạn đầu tư cho vấn đề trước mắt 100% sức lực, của cải của mình thì bạn lấy gì mà đương đầu với các đợt tiếp theo? Nếu ai ai cũng trao đồ ăn thì lấy tiền đâu để sử dụng cho nhiều việc cần thiết khác?
Vậy hướng về miền Trung như thế nào cho đúng?
Đây không phải là lần đầu chúng ta đối diện với lũ, nên nhiều người có kinh nghiệm đã chia việc hỗ trợ ra làm ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên, cấp bách là lương thực thiết yếu giúp người dân không đói, những công cụ thiết bị để tăng khả năng cứu trợ và tiếp tế nhằm giảm thiệt hại về người.
Giai đoạn thứ hai là ủng hộ những vật dụng thiết yếu để khôi phục, ổn định, phát triển cuộc sống như: sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh; áo quần, chăn màn; thiết bị trường học, máy móc; thiết bị dọn đồng ruộng, đẩy bùn, xử lý đất, giống cây con, vật nuôi... phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng từng vùng địa phương, phòng chống dịch bệnh...
Giai đoạn thứ ba, xa hơn là rút kinh nghiệm để có phương án đối phó với các đợt bão lụt sau; thường xuyên kiểm tra, diễn tập phản ứng cho các vùng có mức độ rủi ro cao; lên những phương án đối phó với thiên tai mang tính bền vững, lâu dài. Làm thế nào hạn chế nguyên nhân của những hiểm họa này, làm thế nào có những giải pháp di dời dân đến sống những vùng đất cao để tránh thủy thần sau này, làm thế nào giúp dân sớm ổn định cuộc sống...?
Làm từ thiện cũng cần "bi - trí- dũng". "Bi" là tình thương, lòng trắc ẩn. "Trí" là dùng đầu óc, trí thông minh của mình để nhận thức ra vấn đề làm sao cho đúng, cho hiệu quả, đối tượng nào cần giúp và giúp như thế nào, điều gì nên làm, điều gì không nên làm trước khi hành động. "Dũng" là lòng dũng cảm để vượt qua những trở ngại khó khăn, thực hiện kế hoạch đã đề ra. Khi hội đủ cả ba điều này, bạn sẽ có thể làm phước thiện hoàn hảo. Ngược lại, thiếu một trong ba yếu tố đó thì không nên làm vì sẽ không đạt được kết quả trọn vẹn.
Làm từ thiện xuất phát từ tâm, không vụ lợi, làm vì người, đừng làm vì mình. Trong một bộ máy, nếu ai cũng muốn đứng ở vị trí lãnh đạo thì làm sao vận hành thuận lợi? Nếu ai cũng muốn ra mặt kêu gọi thì đâu mang đến hiệu quả chung cho tập thể? Thay vào đó, hãy cũng nhau phối hợp, tạo điều kiện để làm thiện nguyện hiệu quả và tập trung phòng ngừa, ngăn chặn sự cố do con người từ các dự án phát triển kinh tế xã hội ô nhiễm môi trường.
Làm từ thiện cần thực tế và hiệu quả. Các đoàn thiện nguyện ở xa, khi đến địa phương, nên thông báo với với Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện và chính quyền cơ sở các xã để được phối hợp, hướng dẫn đến các điểm cần cứu trợ (đặc biệt là đối với những vùng bị ngập sâu và kéo dài, những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) một cách nhanh nhất, trao quà tận tay cho người dân được chu đáo. Phối hợp với địa phương xây dựng được kế hoạch, phương án để hỗ trợ người dân sẽ tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cũng trọn vẹn đôi đường...
Mở rộng ra trong cuộc sống, ai cũng từng làm từ thiện, có thể đó là chia sẻ tình thương, an ủi, động viên, sự cảm thông hay đóng góp tài sản của cải vật chất. Thế nhưng từ thiện thế nào cho đúng, để mang lại phước cho bản thân và kết quả tốt cho người được giúp đỡ thì cần cân nhắc. Qua nhiều năm tiếp xúc với những người làm từ thiện, tôi tạm chia làm hai nhóm với hai mục đích làm từ thiện:
- Làm từ thiện vì trách nhiệm với cộng đồng, vì công tác xã hội của cơ quan đoàn thể, vì được trừ thuế khi góp từ thiện, được giao hảo làm ăn, được danh tiếng...
- Làm từ thiện chỉ vì cái tâm muốn giúp đỡ. Làm từ thiện xuất phát từ tâm là giúp mà như không giúp, giúp không vụ lợi, thuần túy vì tình thương mà giúp, không mong cầu người khác biết đến, không mong được cám ơn, làm trong âm thầm.
Dù vì mục đích gì, làm từ thiện mà mang đến lợi ích cho cộng đồng thì đều đáng trân trọng, không nên phán xét hình thức nào cả. Tùy mục đích của bạn để lựa chọn cách làm từ thiện phù hợp. Nếu vì tính chất tập thể, cộng đồng, việc từ thiện đó cần phải công khai và đã được nhiều người biết đến, đã được phần thưởng của thế gian, được nhận cảm ơn, được khen ngợi.
Còn với tính chất cá nhân, bạn có quyền lựa chọn từ thiện chỉ vì mục đích giúp đỡ, không cần ai biết. Đó là dịp để bạn trau dồi đức hạnh, giúp hạ cái tôi của mình xuống, biết thương yêu, chia sẻ, cảm thông, bớt ích kỷ, bớt tính xấu, trau dồi thiện lành...
Việc làm từ thiện phổ biến nhất là đem vật chất, tiền bạc giúp đỡ người khác. Nhưng nếu không biết đồng tiền đi đâu, giúp mục đích gì thì đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho chúng ta. Nếu đồng tiền không dùng vào mục đích chính đáng thì sẽ lãnh hậu quả lớn. Ví dụ, bạn cho tiền ăn xin nhưng nếu họ là người nghiện rượu, nghiện ma túy sẽ rất nguy hiểm nếu họ dùng đồng tiền đó để tiếp tục sa lầy vào tội lỗi. Hoặc nếu bạn cho tiền ủng hộ lũ lụt, nhưng không khảo sát thực tế, trao nhầm người, sẽ tạo ra sự sân si, đố kỵ, khiển trách cũng không hay. Đừng nghĩ tiền trao tận tay là xong, trách nhiệm đến đây là hết, phần còn lại không phải là của mình. Nghĩ như vậy là chưa thấu đáo, chẳng thà không cho. Nếu đã quyết định giúp thì phải giúp sao cho đúng.
>> Tầm nhìn 'sống chung với lũ'
Muốn giúp ai hãy hỏi họ (ở nơi nào đó) có cần điều mà mình muốn giúp không?
Họ không đói nữa mà cứ ào ạt đồ ăn sẽ gây dư thừa, hư hỏng, vứt bỏ lãng phí. Họ không cần áo quần nữa mà quăng đại vài bịch rồi không ai xài cũng gây lãng phí. Đi làm từ thiện mà hời hợt, bỏ ngang hay làm không đúng, khiến họ không nhận được kết quả tốt, thì cũng đáng trách. Và việc bớt xén, giành phần từ thiện của người khác cũng là không nên. Đừng nghĩ những việc đó nhỏ, tất cả đều là tạo nghiệp cả.
Phạm vi làm phước
Đừng làm quá khả năng, mà hãy làm trong vòng tay của mình, những người xung quanh mình, những người đang cần mình trước. Nếu với tay ra làm việc thiện mà không quan tâm đến gia đình thì điều này không đúng. Nhiều người cứ thích chạy đến những tâm điểm đang gây chú ý để làm từ thiện, để có ảnh khoe facebook, để có chiến tích cho người khác ca ngợi trong khi chính bạn đời mình, gia đình mình còn nhiều vất cả, lo toan, thiếu thốn hay dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn ở ngay cạnh mình chỉ vì nơi đó không có báo chí, truyền hình. Hãy làm trong khả năng giới hạn, đừng tạo áp lực cho mình, cho gia đình của mình. Hãy lo cho gia đình mình, trong vòng tay của chúng ta, trong cộng đồng quanh chúng ta rồi sau đó, tùy điều kiện có thể với ra ngoài, tùy duyên mà làm.
Khi quyết định làm thì hãy làm cho trọn vẹn, giúp đúng việc, đúng đối tượng và đạt được kết quả tốt nhất, đừng làm ơn mắc oán. Nếu tiền bạc mang đi giúp phải tìm hiểu hết sức thấu đáo đồng tiền đi đâu, dùng vào mục đích gì? Muốn làm, hãy tự tay đi làm để thấy kết quả cuối cùng. Nếu không nhìn thấy kết quả cuối cùng thì không nên làm. Nếu thấy có gì đó chưa phù hợp, cần rút ra bài học để việc làm thiện nguyện hiệu quả và chia sẻ cho người khác cùng hành động.
Cuối cùng, từ thiện là từ tâm, làm vì người, đừng làm vì mình. Làm từ thiện đúng cách là tốt cho người nhận và tốt cho cả bản thân chúng ta.
Thúy Hà
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.