Vụ việc fanpage mạo danh ca sĩ Thủy Tiên để lừa tiền từ thiện đang gây phẫn nộ cộng đồng khi cả nước hướng về miền Trung ngập lụt. Hành vi lợi dụng chiến dịch ủng hộ miền Trung để trục lợi cá nhân này rõ ràng là không thể dung thứ. Kẻ đứng sau vụ việc nhất định sẽ phải bị lôi ra ánh sáng và chịu hình thức xử phạt thích đáng. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra sau vụ việc là tại sao kẻ xấu có thể dễ dàng lợi dụng kẽ hở để lộng hành như thế và làm cách nào để ngăn chặn triệt để hành vi này?
Việc mạo danh người nổi tiếng trên Facebook để lừa đảo vốn không phải chuyện mới. Nó đã và đang xảy ra nhiều lần với đủ các mức độ, quy mô từ lớn tới nhỏ. Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng. Thế nhưng, đến giờ, chúng ta dường như vẫn chưa có một biện pháp cụ thể, hiệu quả nào để kiềm tỏa sự bành chướng của những kẻ này.
Trước hết, nói về việc lập tài khoản ngân hàng giả để lừa đảo. Đây là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng đâu vẫn vào đấy. Để lập nên một tài khoản ảo, những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp chỉ cần bỏ ra một số tiền khoảng 150-200 nghìn đồng, thuê một sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp hay người dân vùng quê nghèo dùng chứng minh nhân dân, đăng ký mở một tài khoản ngân hàng, thẻ ATM đứng tên người đó.
Manh mối để truy gốc những tài khoản giả có thể là CMND, số điện thoại, email đăng ký. Thế nhưng, những kẻ lừa đảo dùng thông tin của người dân bị mua chuộc để làm tấm lá chắn ngụy trang cho mình. Chỉ cần một thao tác đăng ký ngân hàng điện tử (ebank), kẻ xấu có thể dễ dàng chuyển khoản, rút hết tiền lừa đảo trong nháy mắt rồi biến mất mà không để lại dấu vết.
>> Lừa 3,5 tỷ đồng từ CMND nhặt được
Trở lại vụ việc này, câu hỏi được quan tâm là liệu có thể truy được dấu vết kẻ lừa đảo không? Câu trả lời là có, nếu kẻ đứng sau vụ việc vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, có ba trường hợp có thể xảy ra:
- Trường hợp một, kẻ lừa đảo ở nước ngoài. Khi đó, chúng ta sẽ rất khó để truy vết vì không đủ tầm can thiệp quốc tế.
- Trường hợp hai, kẻ lừa đảo ở trong nước, sử dụng hình thức chuyển tiền từ tài khoản lừa đảo vào tài khoản khác. Khi đó, chúng ta chỉ cần truy ngược lại những tài khoản giao dịch số tiền trên là có thể tìm ra câu trả lời.
- Trường hợp ba, kẻ xấu rút tiền trực tiếp tại các cây ATM từ tài khoản lừa đảo. Trong trường hợp này, chúng ta có thể sử dụng camera an ninh tại các cây ATM và các camera giao thông, camera nhà dân để truy tìm thủ phạm.
Tất nhiên, dù có thể truy bắt được kẻ lừa đảo nhưng sẽ tốn không ít thời gian, công sức và cả tiền bạc. Trong khi đó, đây vẫn chỉ là hình thức giải quyết hậu quả chứ không phải biện pháp ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn. Đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Tôi cho rằng, để ngăn chặn triệt để tội phạm lừa đảo bằng tài khoản ngân hàng, chúng ta cần phải có chi tiết cũng như những quy định và công cụ cho việc làm từ thiện. Lòng tốt sẽ không thể nào lan tỏa nếu không được định hướng và quản lý một cách có hệ thống. Từ thiện cũng phải chuyên nghiệp để hạn chế đến mức tối đa những vụ việc đáng tiếc, đồng thời giúp công cuộc hỗ trợ người khó khăn được diễn ra nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn.
Về trách nhiệm của các ngân hàng, có lẽ cũng cần thiết lập những tài khoản đặc biệt (chuyên phục vụ cho mục đích từ thiện) với mức độ bảo mật, cá nhân hóa cao hơn, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các đối tượng bên ngoài. Không những vậy, việc này có giúp việc truy vết tội phạm dễ dàng hơn nhiều nếu xảy ra sự cố. Làm được như vậy, chúng ta có thể công khai, minh bạch được các giao dịch, số tiền ủng hộ, đồng thời hạn chế được việc lợi dụng để trục lợi.
Xét về góc độ người vận động từ thiện, cũng cần có những quy định rõ ràng về nguyên tắc hoạt động (ví dụ như hạn chế làm việc cá nhân, cần có tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ...). Việc một cá nhân có thể dùng danh tiếng và uy tín của bản thân để vận động được hàng chục tỷ đồng vừa là điều đáng mừng, vừa đáng lo khi người đó không thể kiểm soát được toàn bộ những hệ lụy liên quan. Có như vậy, những đồng tiền từ thiện mới đến được đúng nơi, đúng lúc, tránh bị thất thoát, lợi dụng.
Tóm lại, đã đến lúc những bên liên quan cần ngồi lại, hợp tác để tìm ra một tiếng nói chung, giúp làm chuyên nghiệp hóa hoạt đồng từ thiện. Khi có được sự hỗ trợ từ nhiều phía, tôi tin rằng câu chuyện từ thiện sẽ chỉ là những mảng sáng của tình người, lòng tốt thay vì những góc khuất liên quan đến lừa đảo, trục lợi như hiện nay.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.