Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, Khoa hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết mùa đông, nhiều người bị khó thở, tức ngực, trằn trọc hoặc thức giấc đột ngột khi ngủ. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc bệnh hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi... Ngoài các thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm hay chất lượng không khí, lựa chọn tư thế ngủ phù hợp giúp chúng ta dễ thở hơn khi ngủ.
"Tư thế ngủ giúp phổi hoạt động tốt nhất là nằm nghiêng về bên trái, kê gối ở dưới đầu và giữa hai chân", bác sĩ Hồng Thắm nói.
Ở tư thế này, tác động của trọng lực khiến quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi. Đây cũng là tư thế tốt nhất cho người ngáy ngủ do mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân là khi nằm ngửa, trọng lực khiến lưỡi có xu hướng tụt về phía cổ họng gây cản trở đường thở, tạo nên tiếng ngáy. Ngủ nghiêng giúp lưỡi nằm ở vị trí trung gian, làm thông thoáng đường thở. Ngoài ra nằm nghiêng làm dịu triệu chứng ợ nóng do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, một yếu tố gây khởi phát cơn hen suyễn về đêm.
Nằm nghiêng quá lâu sẽ gây áp lực lên vùng hông và lưng, do đó nên kê thêm một chiếc gối giữa hai chân để cố định hông, giữ cho cột sống ổn định, giảm đau mỏi lưng.
Ngoài ra, bác sĩ Hồng Thắm cho biết có 2 tư thế ngủ khác cũng tốt cho người có vấn đề về đường thở:
Nằm ngửa, kê cao vai và cổ: Nếu không quen nằm nghiêng, người bệnh có thể chuyển sang nằm ngửa, nhưng nên kê cao phần vai, cổ với gối để lưu thông đường thở dễ dàng. Nếu có tình trạng dịch mũi xoang chảy xuống họng ban đêm gây ho, người bệnh có thể kê cao phần đầu hơn.
Nằm ngửa, kê cao đầu và kê gối dưới đầu gối: Tư thế này phù hợp cho người bị ngưng thở khi ngủ nhưng vẫn muốn nằm ngửa. Kê gối cao giúp hạn chế lưỡi trượt xuống cổ họng, đưa luồng khí đi thẳng xuống phổi; kê gối dưới đầu gối giúp căn chỉnh cột sống, giảm đau mỏi.
Bác sĩ Hồng Thắm cho biết một số tư thế ngủ không tốt cho người có bệnh hô hấp như hen suyễn, COPD vì khiến triệu chứng trầm trọng hơn. Nằm nghiêng bên phải làm tăng trương lực phế vị, kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm dẫn đến co thắt đường thở. Nằm sấp cũng không được khuyến khích, do làm hạn chế luồng khí tự do vào phổi. Nằm ngửa mà không kê cao gối sau cổ và vai cũng khiến triệu chứng tắc nghẽn đường thở trở nên nghiêm trọng hơn.
Để có giấc ngủ ngon, không bị khó thở dẫn đến tỉnh giấc giữa đêm, bác sĩ Hồng Thắm khuyên nên giảm tối đa các chất có thể gây dị ứng trong phòng ngủ như mùi hương nhân tạo, lông động vật, bụi bặm. Ga trải giường cần giặt 1-2 lần một tuần để loại bỏ mạt bụi và chất gây kích ứng, cân nhắc chuyển sang chất liệu bông tự nhiên thay vì polyester tổng hợp. Mỗi người hạn chế sử dụng quạt tốc độ cao, nếu dùng điều hòa nên chỉnh nhiệt độ phòng ngủ cao hơn bình thường vì không khí lạnh là tác nhân gây khó thở ở người mắc hen suyễn, COPD.
Nếu tình trạng khó thở ban đêm xảy ra nhiều hơn một lần mỗi tuần, người bệnh cần khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để tìm nguyên nhân, có phác đồ điều trị phù hợp giúp giảm triệu chứng.
Hoài Phạm