Rối loạn chức năng tuyến giáp là dạng rối loạn nội tiết phổ biến. Trong đó, viêm giáp là một trong những bệnh lý tuyến giáp thường gặp. Viêm tuyến giáp có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng thường hơn ở phụ nữ sau sinh, nhất là phụ nữ 30-50 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh viêm giáp có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp dẫn đến sản xuất quá mức hoặc quá ít hormone tuyến giáp. Triệu chứng viêm giáp được chia theo giai đoạn bệnh gồm:
Cường giáp (nhiễm độc giáp) thoáng qua: Giai đoạn này xảy ra khi tuyến giáp bị viêm và giải phóng quá nhiều hormone, gây cường giáp tạm thời. Triệu chứng thường gặp như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, chán ăn, giảm cân, lo lắng, hồi hộp, dễ cáu gắt, khó ngủ, tăng tiết mồ hôi và nhạy cảm với nhiệt độ nóng, run rẩy, yếu cơ...
Giai đoạn bình giáp: Giai đoạn này xảy ra tại hai thời điểm. Đầu tiên là khi nồng độ hormone tuyến giáp trở lại mức bình thường sau tình trạng cường giáp. Thứ hai, bình giáp có thể xảy ra ở giai đoạn cuối, sau khi kết thúc giai đoạn suy giáp và tuyến giáp trở về trạng thái hồi phục, duy trì hormone bình thường. Ở giai đoạn này thường không có triệu chứng.
Suy giáp: Sau khi giải phóng ồ ạt hormone giáp trong vài tuần hoặc vài tháng, tuyến giáp hormone cạn kiệt, dẫn đến thiếu hụt hormone giáp gây ra tình trạng suy giáp. Ở giai đoạn này, cơ thể có những dấu hiệu mơ hồ dễ bị bỏ quên như mệt mỏi, tăng cân, táo bón, da khô, chịu lạnh kém, yếu cơ, giảm khả năng tập trung... Người bệnh thường chỉ phát hiện ra khi triệu chứng nặng nề, tức giai đoạn suy giáp nặng.
Viêm giáp có nhiều thể bệnh khác nhau, bao gồm viêm giáp cấp, viêm giáp bán cấp và viêm giáp tự miễn (viêm giáp Hashimoto). Bác sĩ điều trị tùy theo thể bệnh và giai đoạn. Nếu người bệnh bị viêm tuyến giáp Hashimoto thường gây suy giáp vĩnh viễn nên cần bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời. Người bệnh cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh nhằm điều chỉnh lượng thuốc phù hợp. Từ bỏ điều trị, tiếp tục mua thuốc kê đơn uống nhưng không tái khám có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Bác sĩ Trúc khuyến cáo người có các dấu hiệu bất thường nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm (nếu có) phòng biến chứng bệnh. Nên khám và kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn, ít nhất một lần mỗi năm.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |