Trả lời:
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trên 60 tuổi, sau khi mãn kinh. Thời gian đầu, suy giáp có thể không gây ra triệu chứng.
Tuyến giáp sản xuất hai hormone là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Những hormone này ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong cơ thể gồm hỗ trợ tốc độ chuyển hóa chất béo, carbohydrate; kiểm soát nhiệt độ và lượng protein cơ thể tạo ra; ảnh hưởng đến nhịp tim.
Có nhiều nguyên nhân gây suy giáp, gồm bệnh tự miễn hashimoto, một số loại thuốc, phẫu thuật tuyến giáp, xạ trị, viêm tuyến giáp (có thể gây suy giáp thoáng qua hoặc suy giáp vĩnh viễn). Một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến suy giáp nhưng ít gặp hơn như suy giáp bẩm sinh, rối loạn tuyến yên, thai kỳ, không đủ iốt.
Triệu chứng suy giáp thường phát triển chậm theo thời gian, có thể kéo dài nhiều năm. Các triệu chứng gồm mệt mỏi, trí nhớ giảm sút, giọng nói trầm và khàn hơn, đau nhức khắp cơ thể (có thể gồm yếu cơ), không chịu được nhiệt độ lạnh, da và tóc khô, thô.
Người bệnh dễ bị giảm ham muốn tình dục, chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, gặp các vấn đề sinh sản (ở phụ nữ), trầm cảm, ngứa ran và tê ở tay, táo bón, tăng cân, nồng độ cholesterol trong máu cao hơn mức bình thường, nhịp tim chậm, bướu cổ hoặc nuốt vướng.
Suy giáp không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bướu cổ to khiến người bệnh khó nuốt hoặc thở; nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid máu; tổn thương dây thần kinh ngoại biên dẫn đến đau, ngứa ran, tê ở chân và cánh tay.
Một số biến chứng khác như nồng độ hormone tuyến giáp thấp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn trẻ sinh ra từ mẹ không mắc bệnh tuyến giáp. Suy giáp thời gian dài không điều trị có thể gây hôn mê phù niêm với các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Bệnh suy giáp không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nội tiết để cân bằng lượng hormone trong cơ thể.
Trường hợp của bạn nên đi khám sớm, tùy vào thể trạng và tiền sử bệnh, đáp ứng điều trị, bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh suy giáp được điều trị bằng cách thay thế các hormone mà tuyến giáp không thể sản xuất. Khoảng 6-8 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần. Ở mỗi lần điều chỉnh liều lượng thuốc, người bệnh được xét nghiệm lại. Khi đã đạt được liều lượng thuốc phù hợp, bác sĩ lặp lại xét nghiệm máu sau 3-6 tháng.
BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |