Ung thư phổi giai đoạn 3 là giai đoạn tế bào ung thư đã lan đến các mô (khu vực) lân cận. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, giống như hầu hết các loại ung thư phổi, các triệu chứng phổ biến của bệnh ở giai đoạn 3 là mệt mỏi, giảm cân không chủ ý, ho mạn tính hoặc khó thở, có thể dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng ít nghiêm trọng hơn của phổi.
Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 3 có thể thay đổi, đặc trưng do vị trí và quá trình xâm lấn của khối u. Ngoài ho dai dẳng và khó thở, người bệnh có thể bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại như viêm phổi, viêm phế quản.
Ung thư đã lan đến các khu vực như thành ngực và cơ hoành có thể dẫn đến đau ở ngực, xương sườn, vai và lưng. Các khối u nằm gần đường dẫn khí có thể gây ho ra máu và thở khò khè. Khi tế bào ung thư lan đến các khu vực như thực quản và các cấu trúc ngực khác, người bệnh có thể gặp chứng khó nuốt và khàn giọng. Đau ở lưng, ngực và xương sườn là phổ biến nếu có tràn dịch màng phổi và làm cho tình trạng khó thở ngày càng tăng.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho rằng, việc điều trị ung thư phổi giai đoạn 3 gây nhiều khó khăn nhất trong tất cả các giai đoạn ung thư phổi do nhóm khối u ác tính này rất đa dạng. Ung thư phổi giai đoạn 3 có tỷ lệ sống sót thấp. Người bệnh giai đoạn này cần phải điều trị bằng các phương pháp mới hoặc kết hợp các phương pháp điều trị ung thư phổi mới có tỷ lệ thành công cao. Đối với người có sức khỏe tổng thể còn tốt, bác sĩ sẽ áp dụng hóa trị hoặc kết hợp hóa xạ trị. Nếu bệnh nhân không thể đáp ứng hóa trị liệu, xạ trị có thể được sử dụng một mình để điều trị các triệu chứng như đau và khó thở.
Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được áp dụng cho người ung thư phổi có khối u mang một đột biến gene cụ thể (đột biến EGFR, sắp xếp lại ALK, sắp xếp lại ROSI, đột biến KRAS...), nhất là ung thư biểu mô tuyến phổi. Liệu pháp này có triển vọng và có thể kiểm soát ung thư phổi.
Liệu pháp miễn dịch cũng có thể áp dụng (thường là ung thư phổi giai đoạn cuối). Những loại thuốc trong liệu pháp này hoạt động bằng cách tăng cường khả năng chống ung thư của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Mặc dù thuốc không có tác dụng với tất cả người bệnh nhưng một số người đã kiểm soát được bệnh ung thư trong thời gian dài nhờ liệu pháp này.
Phẫu thuật có thể chữa khỏi ung thư phổi nhưng khó thực hiện với các khối u có kích thước lớn và đã lan ra các khu vực lân cận phổi. Phẫu thuật kết hợp hóa trị thường được áp dụng ở giai đoạn 3 nhằm tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật là khá cao đối với những người bị ung thư phổi giai đoạn 3A (khối u 3-7 cm, lan ra các hạch bạch huyết, thành ngực, cơ hoành).
Tùy vào tình trạng khối u và sự lây lan, ung thư phổi giai đoạn 3 có nhiều khả năng không thể chữa khỏi, các phương pháp điều trị giảm nhẹ nhằm làm giảm các triệu chứng (đau và khó thở) và kéo dài thời gian sống. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư phổi giai đoạn 3 là 26-36%. Khi tế bào ung thư lan rộng hơn, cận kề với giai đoạn 4 (giai đoạn cuối), tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ ở mức 13%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thống kê này tương ứng với bệnh ung thư phổi nhiều năm trước. Hiện đã có nhiều loại thuốc mới được phê duyệt điều trị ung thư phổi giai đoạn 3 và 4, làm tăng tỷ lệ sống sót và khả năng chữa khỏi cho người bệnh.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)