Đầu tháng 12/2022, chị Nguyễn Thu Sương (55 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám trong tình trạng sưng đau bàn chân trái, đi lại khó khăn, tiền sử hút thuốc lá. Cơn đau xuất hiện khoảng hai tháng trước nhưng nghĩ do đi lại nhiều, chỉ cần nghỉ ngơi kết hợp tập luyện sẽ hết. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm, cơn đau ngày càng nặng. Lúc này, chị mới đi khám và điều trị.
Bác sĩ tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) bàn chân trái, kết quả phần xương cổ chân của bệnh nhân bị tổn thương kèm phù tủy. Qua sinh thiết vùng xương, chụp cắt lớp vi tính (CT), bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ung thư phổi đã di căn tại vị trí xương bàn chân trái, tiên lượng xấu nên phác đồ điều trị không tối ưu.
Theo bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, di căn xương thường xảy ra ở người bệnh ung thư biểu mô giai đoạn muộn, nhất là ung thư phổi. Tuy nhiên, di căn đến xương bàn chân gây triệu chứng đau, phù chân là rất hiếm, xuất hiện ở khoảng 0,007-0,3% số bệnh nhân ung thư. Hiện tượng ngón chân dùi trống cũng thường xảy ra ở người mắc loại ung thư này. Khi các mô mềm dư thừa hình thành dưới lớp móng, đầu ngón chân bị phồng hoặc to ra, móng chân vồng hơn bình thường.
Ngoài biểu hiện ở chân, người bệnh ung thư phổi có thể gặp các triệu chứng như ho kéo dài 2-3 tuần, ho ra máu, nhiễm trùng phổi lặp đi lặp lại, chán ăn, mệt mỏi, giảm cân bất thường... Việc phát hiện bệnh sớm giúp điều trị hiệu quả, tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hương khuyên mỗi người nên đi khám ngay khi nhận thấy những bất thường của cơ thể để được chẩn đoán chính xác, tránh nhầm lẫn hay bỏ sót những dấu hiệu sớm của ung thư phổi với các bệnh phổ biến khác, làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Đối với sàng lọc ung thư phổi, nếu chỉ chụp X-quang rất dễ bỏ sót bệnh do khối u nhỏ có thể sẽ bị mạch máu, bóng tim hoặc xương cột sống che mờ. Phương pháp sàng lọc hiệu quả hiện nay được khuyến cáo bởi các tổ chức y tế lớn trên thế giới là chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp, sử dụng chùm tia X quét hình ảnh phổi trên đa mặt phẳng, tạo ra các lát cắt mỏng, cho phép phát hiện tổn thương phổi rất nhỏ.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống chụp CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát hiện sớm những tổn thương chỉ vài milimet ở phổi mà máy chụp CT thông thường khó phát hiện.
Tùy từng trường hợp bệnh lý, bác sĩ có những chỉ định về phương pháp chẩn đoán ung thư phổi khác nhau như nội soi phế quản, sinh thiết phổi, nội soi màng phổi... Theo bác sĩ Hương, bệnh viện Tâm Anh sử dụng hệ thống nội soi phế quản ống mềm có bộ xử lý hình ảnh hiện đại, độ phân giải cao với hệ thống ánh sáng dải tần hẹp NBI có thể phát hiện sớm những tổn thương tại chỗ trong lòng khí phế quản và thực hiện sinh thiết những bất thường giúp bác sĩ khẳng định thêm những đánh giá trước đó.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới và gần 1,8 trường hợp tử vong. Việt Nam cũng ghi nhận có khoảng 26.260 người mắc ung thư phổi và hơn 23.780 trường hợp tử vong.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.
Mai Linh