Ung thư phổi di căn (giai đoạn cuối) là giai đoạn ung thư phổi tiến triển nhất, tế bào khối u đã lây lan sang các bộ phận khác như gan, não hoặc xương. Theo viện Ung thư Quốc gia Mỹ, các dấu hiệu của ung thư phổi giai đoạn cuối tương đối khó phát hiện vì dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề y tế khác như bệnh lao, viêm phổi... Điều này dẫn đến khoảng 57% bệnh nhân ung thư phổi đã di căn khi được chẩn đoán.
Dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi di căn phổ biến gồm: ho dai dẳng; khó thở khi gắng sức; nhiều bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản, viêm phổi; ho ra máu; giảm cân không rõ nguyên nhân; đau vùng ngực, lưng, cánh tay hoặc vai.
Ung thư phổi di căn não có thể gây chóng mặt, thay đổi thị lực, nhức đầu, khó giữ thăng bằng. Tế bào khối u di căn đến xương gây đau xương, xương dễ gãy và chèn ép tủy sống. Khi khối u lan đến gan, triệu chứng thường thấy là vàng da, sưng và đau bụng. Sụt cân, đau bụng, buồn nôn và nôn, đau lưng, suy nhược, mệt mỏi, sốt, lú lẫn là những triệu chứng thường thấy của ung thư phổi di căn tuyến thượng thận.
Nếu có các triệu chứng kể trên, bạn nên nhanh chóng đi kiểm tra, để điều trị kịp thời. Người từ 50-80 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá 20 năm trở lên, đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua nên sàng lọc ung thư phổi mỗi năm một lần.

Triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn cuối tương đối khó phát hiện vì dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề y tế khác. Ảnh: Freepik
Các loại ung thư phổi di căn phổ biến gồm:
Ung thư biểu mô phổi không tế bào nhỏ: Đây là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm 85% các trường hợp mắc bệnh. Bệnh thường phát triển và lây lan chậm hơn ung thư phổi tế bào nhỏ.
Ung thư biểu mô tế bào nhỏ: Bệnh còn được gọi là ung thư tế bào yến mạch, phát triển nhanh, rất hung hăng. Loại này chiếm 10-15% các ca ung thư phổi.
Khối u thần kinh nội tiết (u carcinoid): Bệnh phát triển rất chậm, ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất hormone trong phổi. Carcinoids điển hình hiếm khi phát triển ngoài phổi. Các khối u carcinoid không điển hình có xu hướng phát triển nhanh hơn và có nhiều khả năng lây lan sang các cơ quan khác.
U trung biểu mô màng phổi: Loại ung thư phổi hiếm gặp và xâm lấn cục bộ, thường do tiếp xúc với amiăng gây ra.
Điều trị
Ung thư phổi ở giai đoạn 4, khối u có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thống trong cơ thể ngoài phổi. Việc điều trị thường tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ, làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Xét nghiệm đột biến gen thường được thực hiện trước khi điều trị. Nếu các đột biến gene cụ thể được xác định, liệu pháp thuốc nhắm mục tiêu sẽ được áp dụng đầu tiên. Ngoài ra, các tế bào khối u có thể được kiểm tra protein PD-L1. Nếu mức protein này cao, ung thư có nhiều khả năng đáp ứng với các loại thuốc trị liệu miễn dịch cụ thể.
Các lựa chọn điều trị bổ sung có thể gồm phẫu thuật, hóa xạ trị hoặc kết hợp cả ba. Phương pháp điều trị sẽ được hoàn thiện dựa trên các vị trí di căn cụ thể và ảnh hưởng của khối u. Ví dụ, nếu có tràn dịch màng ngoài tim hoặc màng phổi cần phải loại bỏ chất lỏng. Nếu có khối u di căn não, có thể được điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị.
Hóa trị và liệu pháp miễn dịch được sử dụng trong điều trị giai đoạn ung thư đã lan rộng ra nhiều cơ quan. Sự kết hợp của hai phương pháp này được thiết kế để thu nhỏ khối u, giảm bớt triệu chứng và giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Nếu ung thư đáp ứng với điều này, thì xạ trị có thể được áp dụng, bức xạ được xem xét để ngăn chặn sự tiến triển của khối u trong não. Liệu pháp miễn dịch kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị được cho là phương pháp điều trị ung thư phổi di căn hứa hẹn trong những năm gần đây.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với ung thư phổi giai đoạn đầu là 59,8%; giai đoạn 2-3 là 32,9% và giai đoạn 4 (di căn) chỉ 6,3%.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)