Người bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu không được kiểm soát. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng tăng đường huyết bao gồm khát nước quá mức, mờ mắt... Có những triệu chứng khác mà người bệnh có thể không nhận ra như vết loét ở chân lâu lành, cản trở sự tập trung.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể bao gồm đường trong máu cao, nhiễm trùng chân, nhiễm toan ceton do tiểu đường... Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm hỏng dây thần kinh, mạch máu và các cơ quan quan trọng.
Tăng đường huyết
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) có thể xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không được sử dụng đúng cách. Tăng đường huyết được chẩn đoán khi mức đường huyết cao hơn 100 mg/dL khi đói, cao hơn 180 mg/dL sau ăn 1-2 giờ hoặc khi mức đường huyết cao hơn 200 mg/dL.
Trong giai đoạn đầu, bệnh tiểu đường có thể có ít triệu chứng, nếu có thì chúng thường bao gồm mờ mắt, khát, mau đói, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên... Triệu chứng tăng đường huyết nghiêm trọng hơn có thể gồm mất ý thức, buồn nôn và nôn, thở nhanh, tim đập loạn nhịp.
Đi tiểu thường xuyên
Người bệnh thức dậy nhiều lần trong đêm để đi vệ sinh. Triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng và tổn thương thận nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát.
Khi thận tạo ra nước tiểu, chúng sẽ tái hấp thu tất cả đường và đưa nó trở lại dòng máu. Điều này không xảy ra với bệnh tiểu đường không được kiểm soát. Thay vào đó, lượng glucose dư thừa sẽ hoàn toàn ở trong nước tiểu, hoạt động như một chất thẩm thấu (chất làm thay đổi chuyển động của chất lỏng). Hiệu ứng thẩm thấu hút nhiều chất lỏng hơn vào thận, dẫn đến đi tiểu nhiều hơn.
Khát nước thường xuyên
Khát nước thường xuyên hoặc quá mức thường đi kèm với đi tiểu nhiều ở những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được. Điều này là do cơ thể mất nước nhanh chóng và liên tục qua đường tiểu. Mất nước nghiêm trọng cũng có thể làm cho lượng đường trong máu tăng nhanh do lượng chất lỏng trong cơ thể giảm. Triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, hôi miệng, nước tiểu sẫm màu hoặc ngất xỉu.
Uống nhiều nước hơn có thể giúp ích trong thời gian ngắn nhưng nó không giải quyết được vấn đề cơ bản. Để kiềm chế cơn khát, bạn cần kiểm soát lượng đường trong máu.
Đói liên tục
Đây là một trong ba dấu hiệu chính của bệnh tiểu đường bên cạnh khát nước nhiều hơn và đi tiểu thường xuyên. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát sẽ ngăn cản glucose đi vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Việc thiếu năng lượng, khiến bạn phải ăn nhiều hơn.
Ăn một bữa no có thể giúp giảm triệu chứng ăn nhiều do tiểu đường trong thời gian ngắn nhưng không điều trị được nguyên nhân cơ bản. Tuy nhiên, nó có thể làm trầm trọng thêm vấn đề bằng cách thêm vào lượng đường trong máu vốn đã cao.
Mệt mỏi
Mệt mỏi thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được. Mặc dù có rất ít hiểu biết về lý do tại sao điều này xảy ra nhưng một số yếu tố góp phần gây ra bệnh tiểu đường bao gồm thừa cân hoặc béo phì, trầm cảm, tăng đường huyết thường xuyên, gặp các vấn đề về giấc ngủ, căng thẳng. Mệt mỏi cực độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và không nên xem nhẹ.
Nhiễm trùng chân
Lượng đường trong máu cao không kiểm soát có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến việc chống nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn. Nó cũng giúp vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển mạnh hơn trong các mô và cơ quan bị tổn thương.
Chậm lành vết thương là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng bàn chân đái tháo đường. Với bệnh tiểu đường không được kiểm soát, vết loét có thể mưng mủ và gây chết mô, dẫn đến hoại tử. Các triệu chứng của hội chứng bàn chân đái tháo đường bao gồm: cảm giác nóng rát hoặc kim châm, da khô, loét chân, vết thương ở chân hoặc bàn chân chậm lành, đau hoặc chuột rút ở chân, thay đổi màu da... Nếu không được điều trị, loét bàn chân do tiểu đường có thể dẫn đến cắt cụt chân, nhiễm trùng huyết và thậm chí tử vong.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường
Nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) là một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời. DKA xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ insulin để vận chuyển glucose vào tế bào để tạo năng lượng. Do đó, gan của bạn sẽ bắt đầu phân hủy chất béo để làm nhiên liệu, kích hoạt quá trình sản xuất dư thừa một sản phẩm phụ gọi là ceton.
Các triệu chứng DKA có xu hướng phát triển nhanh chóng, thường trong vòng 24 giờ, gây ra các triệu chứng da hoặc miệng khô, đi tiểu thường xuyên, hơi thở có mùi trái cây, buồn nôn, đau bụng...
Mờ mắt
Mờ mắt đôi khi là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh tiểu đường. Nó có thể xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn quá cao, quá thấp hoặc dao động nhanh chóng. Lượng đường trong máu tăng đột ngột có thể khiến chất lỏng tích tụ trong mắt, gây ra những thay đổi ngắn hạn đối với hình dạng của thủy tinh thể.
Ngược lại, khi hạ đường huyết, tầm nhìn của bạn có thể bị mờ. Sau một cơn hạ đường huyết nghiêm trọng, đôi khi có thể mất đến sáu tuần để hết mờ và biến dạng thị giác.
Kim Uyên
(Theo Very well Health)