Trả lời:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm từ từ, không phục hồi chức năng thông khí của phổi. Tùy vào từng giai đoạn mà triệu chứng của bệnh khác nhau.
Ở giai đoạn sớm, COPD có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài song không đặc trưng và khá dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn nếu xuất hiện ở người có tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, khói, bụi công nghiệp, bếp than... trong thời gian dài (khoảng trên 10 năm).
COPD gây giảm khả năng thông khí, dẫn tới cảm giác khó thở. Ban đầu, khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, sau đó biểu hiện thường xuyên, đến giai đoạn cuối của bệnh, khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi tại giường.
Do bệnh diễn biến trong thời gian dài, lượng oxy đưa vào cơ thể khiến hệ hô hấp phải hoạt động gắng sức, các cơ quan khác gồm tim cũng bị ảnh hưởng và phải hoạt động nhiều hơn. Ở giai đoạn cuối, người bệnh có thể bị suy tim với biểu hiện như phù chân. Một số bệnh nhân trầm cảm, loãng xương kèm theo.
Dù ở giai đoạn bệnh nào, người bệnh cũng nên chú ý tuân thủ điều trị của bác sĩ nhằm kiểm soát triệu chứng COPD. Điều trị bệnh giúp làm chậm lại tốc độ tiến triển nặng lên của bệnh thông qua dùng thuốc đúng, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, thuốc lào. Điều này giúp niêm mạc đường thở của người bệnh không bị kích thích thường xuyên, tình trạng viêm niêm mạc đường thở giảm đi, ít tiết nhầy hơn, co thắt ngực, đau ngực giảm đáng kể.
COPD là bệnh mạn tính nên người bệnh cần khám định kỳ nhằm theo dõi bệnh lý hoặc ngay khi có các dấu hiệu khó thở tăng, khạc đờm nhiều hơn, đờm mù (màu xanh, vàng hay đục), sốt cao, phù chân.
ThS.BS Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |