Nguyên nhân
Cơ thể mất nước mỗi ngày qua mồ hôi, đại tiểu tiện, nước mắt... là điều bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây mất nước như đổ mồ hôi, tiêu chảy, nôn mửa, uống rượu, dùng thuốc lợi tiểu.
Nắng nóng, cơ thể tăng tiết mồ hôi cũng làm tăng khả năng mất nước. Cung cấp lượng nước qua đồ ăn uống không đủ có thể dẫn đến mất nước nặng hơn.
Bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng này, nhưng tỷ lệ cao hơn ở nhóm người sau:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tiêu chảy và nôn mửa, sốt cao nên hay mất nước. Trẻ ở độ tuổi này không biết nói hoặc tự đi lấy độ uống khi khát.
Người lớn tuổi thường ít nhận ra mình đang khát, khó đi lại hoặc lười ăn, uống nước cũng dễ mất nước.
Người bị cảm lạnh hoặc đau họng có thể không muốn ăn uống, lười uống nước hơn bình thường.
Người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường dẫn đến đi tiểu nhiều, dùng một số thuốc khiến tiểu thường xuyên.
Người hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng, như khảo sát công trình, xây dựng, chơi thể thao... dễ toát mồ hôi, cần nhiều chất lỏng hơn bình thường.
Triệu chứng
- Khát, miệng khô.
- Không đi tiểu nhiều, nước tiểu màu vàng đậm.
- Đau đầu, đau bụng.
- Chuột rút cơ bắp.
- Ho khan.
- Huyết áp thấp.
- Chán ăn hoặc thèm đường.
- Bàn chân sưng lên.
- Chóng mặt.
- Tim đập loạn nhịp.
- Thở nhanh.
- Buồn ngủ, thiếu năng lượng, lú lẫn hoặc khó chịu.
- Ngất xỉu.
Mức độ
Mức độ mất nước có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng.
Mất nước nhẹ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu ít, đổ mồ hôi, khô miệng. Tình trạng này có thể khắc phục bằng cách bổ sung nước, đồ uống bù điện giải hoặc dung dịch bù nước đường uống mua ở hiệu thuốc.
Mất nước vừa phải có triệu chứng tương tự như mất nước nhẹ nhưng mức độ nặng hơn, có thể cần hỗ trợ từ chuyên gia y tế để có hướng xử lý phù hợp.
Mất nước nghiêm trọng khiến người bệnh chóng mặt, trũng mắt, ngất xỉu, thở nhanh và tim đập nhanh. Trẻ em mất nước nghiêm trọng có thể giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể. Ở mức độ này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch có chứa muối.
Ảnh hưởng
Một số cơ quan quan trọng ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả khi thiếu nước, huyết áp và lượng oxy trong máu thấp dẫn đến các biến chứng như:
- Kiệt sức do nhiệt hoặc say nắng.
- Co giật.
- Suy thận.
- Hôn mê.
- Sốc.
- Sưng não.
Cách cung cấp nước
- Mang theo nước bên mình và uống theo nhu cầu cơ thể.
- Uống nước thường xuyên trong ngày, có thể thêm một lát chanh hoặc cam để tạo hương vị.
- Uống nước lọc thay vì đồ uống có đường, rượu và caffein để làm dịu cơn khát, tránh mất nước.
- Người hay quên uống đủ nước nên đặt lời nhắc trên điện thoại.
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu nước như rau, trái cây, súp vào chế độ ăn uống.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |