Đại tràng có chiều dài khoảng 1-2 m, thực hiện chức năng co bóp để tống chất thải, thức ăn đã tiêu hóa về phía trực tràng.
ThS.BS Hà Thùy Trang, Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đau bụng do bệnh ở đại tràng có thể xảy ra ở khắp vùng bụng, kèm theo tiêu chảy, táo bón hoặc lẫn máu trong phân. Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ thấy đau ở một vị trí cụ thể như hố chậu trái (bên trái rốn) hoặc phải, mạn sườn trái hoặc phải. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào từng nguyên nhân.
Triệu chứng đau bụng thường xuất hiện khi đại tràng gây ra các cơn co thắt mạnh do viêm, kích ứng, tắc nghẽn...
Dưới đây là một số tình trạng, bệnh lý ở đại tràng gây đau bụng.
Táo bón là tình trạng đi đại tiện phân cứng hoặc tần suất đại tiện ít hơn ba lần mỗi tuần. Bệnh gây đau bụng, đi kèm với triệu chứng chướng bụng, đầy hơi. Nguyên nhân chủ yếu là do táo bón chức năng, hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C) hoặc rối loạn đại tiện (do các rối loạn về cơ và thần kinh của sàn chậu).
Người bệnh táo bón nhẹ chỉ cần chăm sóc tại nhà bằng cách uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, ăn nhiều chất xơ hoặc dùng thuốc nhuận tràng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, lẫn nhiều nước, với tần suất trên ba lần mỗi ngày. Đau bụng do tiêu chảy thường cải thiện sau khi đi đại tiện. Người bệnh đau bụng do tiêu chảy cấp tính nên áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như uống nhiều nước, tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo, xây dựng chế độ ăn BRAT (ưu tiên chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng) và dùng thuốc không kê đơn.
Hội chứng ruột kích thích thường gây đau bụng tái phát, kèm theo ít nhất hai trong số các triệu chứng, gồm đau liên quan đến đại tiện, đau liên quan đến tiêu chảy hoặc táo bón, đau có thể do thay đổi độ đặc của phân.
Người bệnh có thể cần dùng thuốc, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, thư giãn tinh thần để cải thiện bệnh.
Viêm đại tràng có nhiều dạng như viêm đại tràng cấp do vi khuẩn, bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu, viêm đại tràng giả mạc... Tất cả những bệnh này đều dẫn đến đau bụng.
Hầu hết trường hợp viêm đại tràng cơ bản đều có thể điều trị bằng cách dùng thuốc kết hợp thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học. Nếu người bệnh bị thiếu máu cục bộ, bác sĩ chỉ định điều trị tại bệnh viện bằng thuốc kháng sinh và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Bệnh túi thừa ở đại tràng như viêm túi thừa, áp xe túi thừa, chảy máu, thủng túi thừa, cũng dẫn đến triệu chứng đau bụng. Vị trí cơn đau bụng tùy vào vị trí tổn thương của túi thừa.
Trường hợp bệnh diễn tiến nghiêm trọng gây biến chứng như thủng, áp xe, chảy máu túi thừa, bác sĩ chỉ định can thiệp ngoại khoa để điều trị dứt điểm.
Ung thư đại trực tràng nguy hiểm nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Triệu chứng bệnh gồm đau quặn vùng bụng dưới, đầy hơi, táo bón, nôn, buồn nôn, suy nhược, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như cắt niêm mạc đại trực tràng qua nội soi, xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật (với các giai đoạn muộn).
Bác sĩ Trang khuyến cáo người bệnh nên kiêng ăn thịt đỏ, đồ chiên nướng, thực phẩm chứa đường tinh luyện, carbohydrate tinh chế, rượu bia, cà phê... để giảm nguy cơ mắc bệnh đại tràng. Tăng rau củ quả, ngũ cốc giàu chất xơ giúp loại bỏ chất thải, giảm táo bón và viêm nhiễm ở đại tràng, uống nhiều nước hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Mọi người nên chủ động đi khám sớm khi đau bụng bất thường để phát hiện và điều trị kịp thời.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |