Trả lời:
Qua mô tả của bạn, khả năng bé bị trĩ hoặc thịt thừa cạnh hậu môn chảy máu. Đây là tình trạng các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn căng phồng quá mức do chịu áp lực mạnh, biểu hiện là chảy máu trực tràng khi bé đi tiêu hoặc khi lau, thay tã. Trẻ đau rát, cộng thêm những vết sưng nhỏ màu đỏ hoặc xanh gần rìa hậu môn. Bệnh lý này phổ biến ở người lớn.
Tương tự như người lớn, bệnh trĩ ở trẻ nhỏ cũng có hai loại chính là trĩ ngoại (búi trĩ hình thành bên ngoài thành mạch hậu môn, có thể nhìn hoặc sờ thấy được) và trĩ nội (búi trĩ hình thành trong ống hậu môn nên khó nhận biết ở giai đoạn sớm, chỉ khi búi trĩ lòi ra ngoài mới quan sát thấy. Ngoài ra, còn có trường hợp trĩ hỗn hợp, xuất hiện đồng thời cả trĩ ngoại và trĩ nội.
Táo bón (đi tiêu ít hơn ba lần mỗi tuần) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh trĩ ở trẻ. Trẻ nhịn đi ngoài, ngồi quá lâu trong lúc đi đại tiện cũng có nguy cơ mắc trĩ.
Rất nhiều trẻ sơ sinh bị táo bón khi chuyển từ sữa mẹ sang thức ăn đặc. Tình trạng cũng có thể là hậu quả khi cơ thể bé thiếu nước, không nạp đủ chất xơ, uống nhiều sữa công thức giàu protein gây khó tiêu. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân như bệnh cường giáp, phì đại tràng bẩm sinh, các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như bại não, chậm phát triển tâm thần, các bệnh cột sống... cũng gây táo bón.
Trẻ suy gan mạn tính (viêm gan mạn, teo đường mật...), cơ quan không hoạt động bình thường, các tĩnh mạch mang máu đến gan có thể chuyển hướng, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch gần trực tràng, dẫn đến bệnh trĩ.
Nếu trẻ bị trĩ là do táo bón, bố mẹ cần chăm sóc con đúng cách để cải thiện.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cân đối thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ thông qua bữa ăn hàng ngày; hạn chế ăn uống đồ ngọt, nhiều chất béo để hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Bổ sung các loại sinh tố, nước ép trái cây tươi giúp cơ thể hấp thu vitamin và khoáng chất cần thiết; uống đủ lượng nước khuyến nghị mỗi ngày.
Thay đổi hành vi của trẻ và hướng dẫn các tư thế đi ngoài đúng, tốt nhất nên điều chỉnh đầu gối cao hơn hông hoặc cho bé ngồi xổm. Phụ huynh nên tập cho con thói quen đi vệ sinh đều đặn một lần mỗi ngày vào mỗi buổi sáng hoặc tối.
Dùng thuốc thụt (tiêm chất lỏng vào trực tràng để làm lỏng phân) hoặc thuốc nhuận tràng (thuốc để giảm táo bón) khi táo bón không cải thiện dù đã thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi vệ sinh. Bố mẹ lưu ý chỉ sử dụng những loại thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc mỡ bôi ngoài da giúp thu nhỏ búi trĩ, bớt triệu chứng khó chịu ở trẻ.
Phẫu thuật với những trường hợp không thể điều trị nội khoa. Lúc này bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ nhưng trường hợp này rất ít gặp.
Trước mắt, bạn nên chăm sóc bé tại nhà theo hướng dẫn trên. Nếu sau một thời gian, các biểu hiện không bớt, nhất là có kèm theo sốt, bạn cần đưa bé đến bệnh viện khám.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng
Chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |