BS.CKII Dương Thùy Nga, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết táo bón phổ biến ở trẻ, nếu không điều trị sớm khiến phân ứ đọng, ảnh hưởng đến tâm lý và giảm sức khỏe.
Nguyên nhân có thể do không ăn đủ chất xơ, ít vận động, không uống đủ chất lỏng hoặc mắc một số bệnh lý như mất nước, bệnh Hirschsprung, Celiac. Bé gặp các rối loạn ảnh hưởng đến não và cột sống, suy giáp, khối u đại trực tràng, tác dụng phụ của thuốc cũng là nguyên nhân.
Biết rõ lý do trẻ táo bón giúp cải thiện phù hợp. Theo bác sĩ Thùy Nga, thay đổi chế độ ăn và lối sống là cách điều trị hiệu quả.
Tăng lượng chất xơ
Chế độ ăn uống là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón. Trẻ thường ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thường ít hoặc không có chất xơ, dưỡng chất cần thiết cho nhu động ruột đều đặn và khỏe mạnh.
Nếu trẻ bị táo bón, phụ huynh cần đảm bảo cho con ăn 20-25 g chất xơ mỗi ngày từ trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Thay thế một bữa ăn nhẹ đã qua chế biến bằng một quả táo và bơ đậu phộng có thể cải thiện táo bón.
Uống đủ nước
Trẻ không uống đủ nước mỗi ngày khiến phân cứng và khô, khó đi đại tiện. Uống nhiều sữa cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Lúc này, bé nên giảm ăn thực phẩm giàu sữa như phô mai, sữa. Cha mẹ đảm bảo trẻ uống ít nhất 200 ml chất lỏng trong mỗi bữa ăn, duy trì sử dụng đồ uống lành mạnh suốt cả ngày.
Khuyến khích trẻ đi vệ sinh
Những thay đổi tăng nguy cơ táo bón ở trẻ như đi du lịch, bắt đầu một môi trường mới, nghỉ học, dành nhiều thời gian ở một nơi khác ngoài nhà... Trẻ có thể sợ hãi khi đi vệ sinh ở một nơi lạ. Phụ huynh nên duy trì cho con thói quen đi đại tiện mỗi ngày.
Điều chỉnh thuốc phù hợp
Một số loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể làm chậm nhu động ruột dẫn đến táo bón. Cha mẹ có thể theo dõi tần suất trẻ đi đại tiện, cùng bác sĩ xem xét các loại thuốc để tìm ra nguyên nhân.
Tập thể dục
Giảm hoạt động thể chất và béo phì là các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này. Trẻ nên vận động ít nhất ba giờ mỗi tuần. Chạy nhảy hay tập các môn thể thao ngoài trời có thể giúp kích thích nhu động ruột, tăng quá trình tiêu hóa thức ăn.
Ngoài ra, căng thẳng khi học, thói quen nhịn đi vệ sinh ở trường cũng làm tăng nguy cơ táo bón. Cha mẹ có thể khuyến khích con vui chơi, giảm áp lực học tập, hướng trẻ đi vệ sinh trong khung giờ nhất định.
Bác sĩ Thùy Nga khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để chẩn đoán bệnh khi đã áp dụng các cách trên nhưng táo bón không cải thiện.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |