Sữa đậu nành chứa vitamin nhóm B, D, E, các khoáng chất canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, natri, axit béo omega 3, omega 6...
Chuyên viên dinh dưỡng Đỗ Thị Lan, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết protein trong đậu nành có giá trị sinh học cao, chứa các axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể người. Ngoài ra, đậu nành có hàm lượng chất xơ cao giúp nhuận tràng, kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ viêm ruột, ung thư đại tràng.
Sữa đậu nành có chất chống oxy hóa polyphenol, hỗ trợ cơ thể chống lại tổn thương tế bào của các gốc tự do, chống viêm, giảm tình trạng stress oxy hóa. Thành phần isoflavone (hợp chất thực vật thuộc nhóm phytoestrogen) trong đậu nành có tác dụng chống viêm, ảnh hưởng đến quá trình luân chuyển xương và mật độ khoáng xương.
Isoflavone có tác dụng điều chỉnh hàm lượng chất béo trong cơ thể thông qua việc giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu (LDL), tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL).
Bổ sung đồ uống này hàng ngày giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung ở nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Theo chuyên viên Lan, trẻ dậy thì uống sữa đậu nành cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nhiều nguy cơ bệnh tật, hệ xương khỏe mạnh. Công dụng này nhờ hấp thụ nguồn protein chất lượng cao và canxi.
Hoạt chất isoflavone có cấu trúc hóa học gần giống hormone estrogen ở nữ giới nên thường bị lầm tưởng ảnh hưởng đến nội tiết tố nam nếu trẻ trai sử dụng nhiều.
Thực chất isoflavones không phải là estrogen. Chuyên viên Lan cho biết trẻ dậy thì uống sữa đậu nành không làm ảnh hưởng đến hormone giới tính, không ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng của trẻ trai. Hàm lượng isoflavone trong sữa đậu nành rất thấp nên trẻ nam và nữ đều có thể sử dụng.
Tuy nhiên, đậu nành chứa chất xơ chủ yếu là alpha-galactosidase không hòa tan, có thể gây rối loạn tiêu hóa, đầy hơi nếu tiêu thụ quá nhiều. Trẻ có cơ địa dị ứng với các thành phần trong đậu nành, vấn đề về tuyến giáp do thiếu i-ốt cũng nên hạn chế sử dụng do hợp chất goitrogens trong thực phẩm cản trở quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp và hấp thụ i ốt.
Chuyên viên Lan lưu ý phụ huynh không nên cho trẻ uống sữa đậu nành chưa đun sôi kỹ. Chúng chứa chất ức chế men trypsinogen, saponin và một số hợp chất có hại khác, có thể gây buồn nôn, đau bụng đi ngoài, thậm chí ngộ độc. Khi đun sôi, các hợp chất này bị phân hủy, giảm ảnh hưởng tiêu cực với cơ thể.
Không nên pha sữa đậu nành với đường nâu. Bởi một số axit hữu cơ trong đường nâu khi kết hợp protein, canxi trong sữa sản sinh ra các chất làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa, giảm sự hấp thu, tiêu hóa của cơ thể.
Chỉ sử dụng sữa trong vòng ba tiếng sau khi chế biến. Nếu cần bảo quản, nên đặt sữa vào ngăn mát tủ lạnh, tránh để bình giữ nhiệt, phích ấm do có thể nhiễm khuẩn, biến chất.
Không nên dùng đồ uống khi đói, do phần lớn lượng protein trong sữa thay đổi thành nhiệt và được tiêu thụ trong cơ thể, không thể chuyển hóa thành năng lượng. Phụ huynh nên cho trẻ ăn thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, bánh bao, cơm... trước khi uống sữa đậu nành. Dưới tác động của tinh bột, dịch vị dạ dày sẽ tiêu hóa trọn vẹn protein từ sữa, giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
Tránh uống sữa đậu nành cùng lúc với trứng có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng. Không nên để trẻ sử dụng đồ uống này với thuốc để tránh những tác dụng phụ.
Chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, vitamin, canxi, chất xơ, chất khoáng... và các yếu tố vi lượng từ nguồn thực phẩm đa dạng. Trẻ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi; tăng các loại ngũ cốc và tinh bột như bánh mì, gạo; thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, phô mai; bổ sung đủ nước mỗi ngày theo nhu cầu khuyến nghị.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |