ThS.BS.CKI Trần Thị Mai Trinh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ đau mắt đỏ nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất. Bổ sung đủ kẽm, vitamin A và C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm viêm. Thực phẩm chứa nhiều axit béo còn bảo vệ mắt khỏi các tác động từ bên ngoài.
Sữa tươi: Chứa vitamin A, E, C, kẽm, DHA, EPA và một số dưỡng chất khác góp phần tăng cường sức đề kháng, nhanh hồi phục sức khỏe.
Bơ: Bổ sung vitamin A, E, C, lutein, zeaxanthin, axit béo không bão hòa giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ hồi phục tổn thương cho mắt.
Cà rốt: Giàu beta-carotene và các dưỡng chất khác có tác dụng tăng cường sức đề kháng.
Bí ngô (bí đỏ), đu đủ: Bổ sung beta-carotene, lutein, zeaxanthin, kali, sắt... giúp kháng khuẩn, tăng cường sức khỏe cho mắt, phục hồi các tổn thương ở mắt và tránh tác động từ môi trường.
Phụ huynh nên tăng cường cho con ăn thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt như rau xanh, cà chua, xoài, các loại cá béo.
Bác sĩ Mai Trinh cho biết trẻ đau mắt đỏ nên hạn chế các món ăn dưới đây để rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, đồ cay nóng, nhiều gia vị: Chứa nhiều natri làm cho cơ thể mất nước, gây khô mắt. Hơn nữa, tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này còn có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm, viêm trở nặng hơn.
Rau muống: Chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, một số chất có thể kích thích mắt, khiến mắt tăng tiết dịch, tăng gỉ mắt, kéo dài thời gian hồi phục.
Bánh kẹo, nước ngọt, thức uống có ga, cà phê: Đồ ăn có thể gây mắt chảy nhiều ghèn, khó chịu và lâu hồi phục.
Thực phẩm dễ gây dị ứng: Bố mẹ nên hạn chế cho bé ăn các món dễ gây kích ứng như đậu phộng, hải sản...
Bé nên xây dựng thói quen lành mạnh nhằm giúp cơ thể khỏe khoắn, tăng cường miễn dịch như tập thể dục hàng ngày, cân bằng thời gian ngủ nghỉ và học tập. Khi mắt trẻ tổn thương, bố mẹ tránh cho con tiếp xúc với màn hình, tivi, điện thoại hay thiết bị điện tử khác.
Giản Đơn
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |