ThS.BS.CKI Trần Thị Mai Trinh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Một số ít trường hợp do dị ứng từ bụi, lông, vật nuôi, thuốc... Tuy nhiên, nguyên nhân nhiễm trùng thường gặp nhất, dễ phát triển thành dịch.
Bệnh có triệu chứng đặc trưng như ngứa, đau, nóng ở mắt, chảy nước mắt, đổ ghèn. Sau đó vùng kết mạc mắt có thể sưng huyết, phù đỏ. Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt, vài ngày sau lan sang mắt còn lại, cũng có thể khởi phát ở hai mắt cùng lúc.
Theo bác sĩ Mai Trinh, đau mắt đỏ không nguy hiểm, sẽ khỏi sau 5-7 ngày. Phần lớn trẻ được khám, điều trị ngoại trú theo đơn thuốc và nhỏ mắt theo chỉ dẫn bác sĩ. Phụ huynh lưu ý theo dõi, chăm sóc trẻ theo từng giai đoạn.
Giai đoạn ủ bệnh
Bệnh nhi đau mắt đỏ giai đoạn đầu có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, chảy nước mắt, mắt sưng đỏ và ngứa, đổ ghèn. Nếu phụ huynh không để ý kỹ các biểu hiện ủ bệnh này có thể nhầm lẫn với triệu chứng bệnh hô hấp.
Giai đoạn ủ bệnh kéo dài 2-14 ngày. Bé nên vệ sinh mắt ngày ba lần, hạn chế dụi mắt. Cha mẹ cho con ăn chế độ dinh dưỡng bình thường để nâng đỡ thể trạng, tránh yếu tố kích ứng như bụi, lông thú... Thời điểm này, trẻ cần cách ly tương đối, có thể đeo kính bảo vệ mắt, ngăn lây bệnh cho thành viên khác trong gia đình.
Giai đoạn bệnh toàn phát
Trẻ chảy nước mắt, đổ ghèn, mắt đỏ. Lúc này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám, không tự ý mua thuốc điều trị tránh nguy cơ bội nhiễm.
Cha mẹ cần cho con nghỉ học, tránh lây nhiễm trong môi trường học đường. Trẻ cần vệ sinh đều hai mắt 6-8 lần mỗi ngày bằng nước muối. Bé thường khó chịu, khóc phản đối khi vệ sinh mắt và nhỏ thuốc, do đó, phụ huynh có thể nhỏ thuốc khi trẻ ngủ.
Sau khi vệ sinh mắt, nên lau mặt cho bé bằng khăn ấm, sau khi sử dụng phải giặt và phơi khô ở khu vực riêng biệt. Trẻ nên cách ly để phòng lây nhiễm. Nếu nghi ngờ nguyên nhân do vi trùng hoặc có dấu hiệu bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh nhỏ mắt tại chỗ.
Giai đoạn toàn phát kéo dài 3-5 ngày. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý giúp tăng sức đề kháng cho đôi mắt, ngăn ngừa biến chứng.
Thực phẩm nên ăn giàu vitamin như A, K, C, B. Vitamin A có trong gan, cá, bí ngô, các loại rau xanh đậm... Vitamin K trong trứng, cà rốt, dưa chuột, cần tây, măng tây, rau xà lách, bông cải xanh. Tránh thực phẩm có tính nóng, kích thích như ớt, tỏi, tiêu xanh, nước có gas...
Phụ huynh hạn chế cho con chơi thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính; không đọc sách, báo quá nhiều. Nên tăng thời gian nghỉ ngơi, bảo vệ đôi mắt.
Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn hồi phục khoảng 3-5 ngày. Lúc này, triệu chứng đau mắt giảm rõ, màu đỏ ở lòng trắng mắt dần chuyển sang trắng bình thường. Sau khi khỏi bệnh, phụ huynh có thể cho bé đi học lại.
Bác sĩ Mai Trinh cho biết đau mắt đỏ vẫn có thể lây nhiễm trở lại. Phụ huynh nên tập cho con thói quen vệ sinh tay thường xuyên, không dụi mắt. Khi trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ không tự ý điều trị theo phương pháp dân gian như nhỏ sữa mẹ, xông mắt với thảo dược, lá trầu...
Tuệ Diễm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |