Ngày 5/5, chị Hoa (Bình Thạnh, TP HCM) đưa con gái 7 tuổi đến khám dậy thì sớm tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Bé cao 1m32, nặng 35kg, ngực to, mặt lấm tấm mụn, có lông mu vùng kín. Bé được chẩn đoán dậy thì sớm, chiều cao, cân nặng đều vượt chuẩn.
Chị Hoa cho biết, bé sinh non 29 tuần, nặng 700 g. Đến một tuổi, bé nặng 6,5 kg. Vì cân nặng dưới bảng tiêu chuẩn, chị tẩm bổ cho bé bằng cháo bào ngư, tổ yến, các loại gà hầm sâm khác nhau. Đồng thời, bé cũng uống nhiều vitamin tổng hợp. Từ đó cân nặng bé cải thiện, vượt trội. Lúc 5 tuổi, bé gái nặng 28 kg, ngực bắt đầu phát triển.
Tương tự, chị Hạnh, 28 tuổi, có con gái đầu lòng vừa được chẩn đoán dậy thì sớm, chỉ số BMI vượt chuẩn. Chị kể, mang bầu đủ tháng nhưng chào đời bé chỉ nặng chỉ 2,5 kg, 2 tuổi thì đạt 8 kg. Mong bé tăng cân, chị cho bé ăn nhiều thịt đỏ, hải sản. Con thích thức ăn nhanh, từ chối ăn rau và trái cây từ nhỏ. Tròn 8 tuổi, bé nặng 35 kg, ngực nở.
Chia sẻ về trường hợp của hai bé gái trên, BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết rất nhiều phụ huynh cho con ăn chế độ ăn thừa đạm, thừa béo nhưng thiếu chất xơ, vitamin khiến trẻ có xu hướng thừa cân, béo phì. Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm.
Một đánh giá tại Trung Quốc tổng hợp trên 10 nghiên cứu nhỏ, theo dõi tổng cộng 13.338 bé gái và 12.796 bé trai cho biết, thừa cân và béo phì ở trẻ em gái có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm lần lượt là 4,67 lần và 2,22 lần.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, béo phì ở trẻ em trước tuổi vị thành niên có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi androgen thành estrogen, dẫn đến dậy thì sớm. "Không phải 100% trẻ béo phì đều dậy thì sớm. Tuy nhiên, béo phì có thể làm thay đổi sự tiết và độ nhạy của hormone, kích hoạt trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục (HPG), thúc đẩy quá trình dậy thì", bác sĩ Trang lý giải.
Bé thừa cân cũng còn liên quan đến việc mẹ mắc bệnh tiểu đường, tăng cân nhanh trong thai kỳ. Trẻ có cân nặng quá tiêu chuẩn lúc sinh có nguy cơ béo phì và dậy thì sớm.
Vừa qua, BVĐK Tâm Anh Hà Nội điều trị cho bé gái có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ và sinh con nặng 4 kg. Khi lên 7 tuổi, bé cao 1,34 m, nặng 40 kg. Bệnh nhi thừa cân, vượt chiều cao nhiều so với tuổi. Tuyến vú đã phát triển, mọc lông mu. Xét nghiệm nồng độ hormone sinh dục tăng ở mức giai đoạn đầu của dậy thì.
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
Phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ
Bác sĩ Trang cho biết, để xác định tình trạng dậy thì sớm, bác sĩ quan sát cơ thể, chỉ số BMI. Đồng thời, sử dụng các phương pháp chẩn đoán như: siêu âm tử cung, buồng trứng, chụp X-quang xương bàn tay, xét nghiệm nội tiết, chụp MRI...
Trẻ dậy thì trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai là dậy thì sớm. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, nếu do béo phì có thể phòng ngừa bằng cách cách kiểm soát cân nặng trước tuổi dậy thì. "Khi giảm cân, quá trình dậy thì này vẫn tiếp tục nhưng góp phần nâng cao sức khỏe, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, thận...", bác sĩ Trang khuyến cáo.
Phụ huynh cần cho con tăng cường vận động, giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử, tránh ngồi lâu; duy trì thói quen đi ngủ đều đặn, đủ giấc; xây dựng chế độ ăn cân bằng calo, không cho trẻ ăn nhiều chất béo, chất đạm, đồ chiên rán, nước ngọt; lượng sữa bổ sung cho trẻ đúng theo độ tuổi, ưu tiên chọn sữa tươi ít đường; hạn chế sử dụng thực phẩm, đồ dùng chứa estrogen và testosterone. Bố mẹ lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc, kem, thực phẩm chứa hormone sinh dục.
Phụ huynh đo chiều cao, cân nặng hàng tháng cho con và đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này giúp phát hiện dấu hiệu dậy thì sớm, từ đó có phương án điều trị kịp thời.
Tuệ Diễm