Điều này có đúng không bác sĩ? Trẻ nên uống bao nhiêu sữa mỗi ngày? (Ngọc Anh, Đà Nẵng)
Trả lời:
Dậy thì sớm là hiện tượng dậy thì ở bé gái dưới 8 tuổi và bé trai dưới 9 tuổi. Ở trẻ nữ, bé dậy thì sớm có ngực to, chiều cao tăng nhanh, mọc lông... Ở trẻ nam, bé tăng nhanh kích thước cơ quan sinh dục, vỡ giọng, cao hơn các bạn cùng lứa...
Phụ huynh lo lắng về dậy thì sớm là hoàn toàn chính xác. Dậy thì sớm có thể gây ra nhiều vấn đề về thể chất và tâm lý của trẻ. Trẻ sẽ cao nhanh hơn so với các bạn cùng tuổi, song ngừng phát triển xương sớm hơn bình thường, dẫn đến chiều cao thấp hơn ở tuổi trưởng thành.
Khi phát triển sớm, trẻ có tâm lý tự ti, lo sợ, sống khép mình. Nhu cầu sinh lý xuất hiện sớm trong khi trẻ chưa được trang bị kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, có thể gây mắc các bệnh qua đường tình dục, mang thai hoặc phá thai khi còn quá nhỏ.
Nhiều người cho rằng dậy thì sớm có liên quan tới sữa, do trong sữa có hormone tăng trưởng khiến cơ thể phát triển. Song, đây là quan niệm sai. Lý do là hormone tăng trưởng trong sữa đã được dạ dày tiêu hóa như các loại thức ăn khác, vì vậy không có tác dụng trên người. Còn dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không có nguyên nhân cụ thể, đa số do trẻ trưởng thành trước thời hạn.
Một số yếu tố có thể liên quan tới tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ, gồm ăn nhiều, không điều độ gây thừa cân, béo phì; ăn nhiều thịt và ít rau củ quả. Trẻ uống nhiều nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh cũng dậy thì sớm. Lý do là các loại thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, patê, xúc xích, lạp xưởng... được nấu ở nhiệt độ cao. Lúc này, thực phẩm bị biến đổi chất, trẻ ăn vào có thể bị rối loạn nội tiết, khiến cơ thể dậy thì sớm hơn.
Hiện nay, sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng, giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả. Trẻ 4-8 tuổi cần 500 ml sữa một ngày, còn trẻ 9-18 tuổi cần 700 ml một ngày, bao gồm sữa chua, phomai. Do đó, cha mẹ nên cung cấp đủ sữa cho con, cân đối với các nguồn thực phẩm khác như rau củ, trái cây; tránh sử dụng quá nhiều sữa và không chú trọng các nguồn dinh dưỡng khác.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa dậy thì sớm, cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống đủ chất. Trẻ nên sử dụng vừa đủ đạm động vật, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, thức ăn nhanh, hàm lượng muối cao.
Cha mẹ khuyến khích trẻ tập thể dục để tránh thừa cân, béo phì. Trẻ có thể tập các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội, cầu lông... Gia đình hạn chế sử dụng thuốc bổ và các sản phẩm chứa hormone như estrogen, testosterol, nước thơm.
Đồ nhựa tái chế hoặc chứa chất phthalates và BPA cũng là yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm, vì vậy gia đình nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc. Nếu trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy
Trưởng khoa Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM