Trước đó, quá trình chị Phương chọc hút trứng tại một bệnh viện ở TP HCM diễn ra khá suôn sẻ. Sau thủ thuật, chị có cảm giác chướng bụng. Trên chuyến bay về Hà Nội hôm 24/10, tình trạng chị diễn tiến nặng, đau bụng dữ dội, khó thở. Máy bay hạ cánh, chị được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa hội chẩn cùng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (IVF Tâm Anh) xác định người bệnh quá kích buồng trứng. Siêu âm ghi nhận buồng trứng hai bên to gấp 4 lần kích thước bình thường, bên trong có nhiều nang dạng xuất huyết. Chị Phương bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi gây đau bụng, tức ngực, buồn nôn, hô hấp khó khăn.
Trong hơn 40 phút, dưới hướng dẫn của siêu âm ngả âm đạo, bác sĩ hút hơn hai lít dịch ổ bụng bệnh nhân. Ba ngày sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hết chướng bụng, hết khó thở, được xuất viện.
Theo BS.CKI Phan Ngọc Quý, quá kích buồng trứng là một biến chứng chiếm khoảng 3-10% trường hợp kích trứng làm thụ tinh ống nghiệm. Biến chứng này có thể xảy ra ngay từ giai đoạn tiêm thuốc kích thích buồng trứng, kéo dài tới sau chọc hút noãn khoảng 1-2 tuần. Khi bị quá kích, người phụ nữ có cảm giác khó chịu, đau bụng, buồn nôn... hay một số biến chứng nguy hiểm hơn như tràn dịch ổ bụng, tràn dịch tim phổi...
Nang trứng phát triển quá mức có thể gây vặn xoắn buồng trứng, có khả năng phải cắt bỏ buồng trứng, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nữ giới.
Bác sĩ Quý cho biết chị Phương được chẩn đoán đúng và kịp thời cấp cứu liên khoa trong cùng bệnh viện nên quá trình xử trí diễn ra nhanh gọn, đảm bảo được sức khỏe và khả năng làm mẹ.
Theo bác sĩ Quý, quá kích buồng trứng có thể ảnh hướng tới chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản, kéo dài thời gian điều trị, gia tăng chi phí và rủi ro. Dự phòng nguy cơ quá kích là ưu tiên của các đơn vị hỗ trợ sinh sản. Các bác sĩ hỗ trợ sinh sản thường khám sàng lọc nguy cơ trước khi cho tiêm kích thích buồng trứng, chọn phác đồ cũng như kê toa với liều phù hợp.
Tùy tình trạng và khả năng đáp ứng với thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp, tăng giảm liều lượng, hướng dẫn các chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp. "Trường hợp quá kích khi điều trị tại IVF Tâm Anh rất hiếm, dưới 1% mỗi năm", bác sĩ Quý nói thêm.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ cao hoặc đã có biểu hiện của quá kích buồng trứng nên tiến hành đông phôi toàn bộ, chờ sau khi cơ thể hồi phục mới tiến hành chuyển phôi. Quá kích diễn tiến rất nhanh nếu người bệnh có thai. Khi đó, nồng độ hormone hCG trong máu tăng cao là tác nhân kích hoạt các phản ứng của quá kích khiến bệnh chuyển nặng. Lúc này, thai phụ vừa phải điều trị quá kích nặng, vừa phải giữ thai rất phức tạp, rủi ro và tốn kém.
Khuê Lâm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi