Quy trình thế nào, có đảm bảo an toàn và hiệu quả không? (Ngọc Minh, Nam Định)
Trả lời:
Thông thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt có một nang noãn phát triển và rụng, nếu gặp tinh trùng sẽ hình thành phôi thai. Các nang còn lại bị thoái hóa. Bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều thì tỷ lệ thụ thai thấp hơn vì khó xác định thời điểm trứng rụng.
Thuốc kích trứng là một loại thuốc nội tiết, có tác dụng kích thích nhiều nang noãn phát triển khỏe mạnh đến giai đoạn trưởng thành. Từ đó, bạn có đủ noãn để tạo phôi trong quá trình làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc nhận tinh trùng trong thụ tinh nhân tạo (IUI).
Thuốc có hai dạng gồm uống và tiêm. Bạn không thể tự ý dùng mà cần đến bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để khám. Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý cụ thể và phác đồ điều trị, bác sĩ chỉ định cho bạn sử dụng dạng thuốc phù hợp.
Thuốc dạng tiêm thường được tiêm ngày 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài trung bình khoảng 10-12 ngày. Trong thời gian đó, bác sĩ sẽ hẹn lịch khám (siêu âm, xét nghiệm máu) để theo dõi các nang noãn phát triển. Nếu thuận lợi, vào khoảng ngày thứ 13 của chu kỳ kinh, khi nang trứng phát triển phù hợp, bạn được bác sĩ chọc hút trứng và tiến hành các bước tiếp theo trong phác đồ điều trị hỗ trợ sinh sản.
Bạn nên lưu ý không tự kê đơn thuốc vì có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Trước khi sử dụng loại thuốc nào, bạn nên đi khám để bác sĩ tư vấn phù hợp.
Thuốc kích thích buồng trứng có thể tiêm ở nhiều vị trí. Trong đó, tiêm bắp, tiêm mông hoặc tiêm mặt trước ngoài đùi cần có nhân viên y tế thực hiện. Vị trí tiêm dưới da khá đơn giản, an toàn. Để thuận tiện và tiết kiệm thời gian đi lại, bạn có thể tiêm ở dưới da tại nhà theo hướng dẫn từ nhân viên y tế.
Nên tiêm thuốc đúng ngày, giờ và đủ liều lượng. Nếu quên hoặc dùng thuốc chưa đủ liều, cần báo ngay bác sĩ để điều chỉnh kịp thời. Tiêm dư không gia tăng khả năng thụ thai, mà còn có nguy cơ gây tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu bạn đang điều trị bệnh, phải sử dụng liên tục một loại thuốc nào, cần báo cho bác sĩ trước khi dùng thuốc kích trứng.
Bạn có thể gặp tác dụng phụ trong thời gian uống hoặc tiêm thuốc. Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường như đau bụng lâm râm hoặc đau quặn vùng bụng dưới; căng chướng bụng quá mức, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, tiêu chảy, khó thở... nên đến bác sĩ để kiểm tra ngay.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú
Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể đặt câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để được bác sĩ giải đáp.