Kết hôn ba năm chưa có con, chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, chị Xuân (34 tuổi, ngụ Bình Dương) không ngờ dự trữ buồng trứng (AMH) đã suy giảm. Chỉ số AMH chỉ còn 0.2, trong khi ở phụ nữ dưới 38 tuổi thường là 2.2-6.8 ng/mL. Bác sĩ khuyên xin trứng để thụ tinh ống nghiệm nhưng vợ chồng chị quyết tìm cách có con của chính mình.
Đầu năm 2023, chị Xuân đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC). ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến cho biết hai buồng trứng của bệnh nhân không còn nang trứng, lão hóa như phụ nữ ngoài 45 tuổi ở giai đoạn mãn kinh.
Tương tự, Phương Thảo (23 tuổi, ngụ TP HCM) kết hôn ba năm thì sẩy thai 4 lần, phải cắt một bên ống dẫn trứng do thai ngoài tử cung. Bác sĩ chẩn đoán Thảo bị suy buồng trứng sớm, tắc một bên vòi trứng. Siêu âm đầu chu kỳ kinh nguyệt cho thấy một bên buồng trứng có bốn trứng, bên còn lại có ba trứng (ở phụ nữ cùng độ tuổi số lượng trứng ít nhất là trên 10). Nếu tiếp tục trì hoãn thụ tinh ống nghiệm, cô cũng đối mặt nguy cơ xin trứng để làm IVF.
Khác hai trường hợp trên, chị Vân (35 tuổi, ngụ TP HCM) mãn kinh sớm khi chưa kết hôn. Có kinh nguyệt từ năm 10 tuổi, 4 năm gần đây, kinh nguyệt của chị thưa thớt. Kết quả khám, xét nghiệm AMH của chị chỉ còn 0.49, rất ít nang trứng trên hai buồng trứng. "Tôi lo lắng khi nghĩ đến nguy cơ không thể có con", chị Vân nói.
Theo bác sĩ Yến, buồng trứng thường ngừng hoạt động ở 45-55 tuổi, biểu hiện là không còn kinh nguyệt, kết thúc quá trình sinh sản của phụ nữ.
Suy buồng trứng sớm là tình trạng phụ nữ có biểu hiện suy sinh dục, kinh nguyệt thưa thớt hoặc tắt kinh khi dưới 40 tuổi. Bác sĩ Yến cho biết tình trạng này có nhiều nguyên nhân như di truyền, các bệnh lý tự miễn hoặc bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể. Tuy nhiên nguyên nhân chính do suy giảm hormone estrogen. Độc tố từ khói thuốc lá, hóa chất, thuốc trừ sâu, liệu pháp hóa và xạ trị cũng có thể đẩy nhanh quá trình suy buồng trứng. Một số trường hợp có thể không rõ nguyên nhân.
Nghiên cứu năm 2019 cho thấy tỷ lệ suy buồng trứng sớm toàn cầu là khoảng 3,7%. Theo các chuyên gia, xu hướng kết hôn và sinh con muộn trên thế giới khiến tỷ lệ trên ngày càng tăng.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC, cho biết tại Việt Nam chưa có thống kê về tỷ lệ phụ nữ suy buồng trứng sớm. Tại IVFTA-HCMC, có đến 50% bệnh nhân nữ dưới 40 tuổi bị dự trữ buồng trứng thấp, suy buồng trứng sớm đang được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng nhiều phương pháp.
Với những trường hợp này, xin trứng để thụ tinh ống nghiệm là phương án đơn giản nhất, tuy nhiên về mặt di truyền, đứa trẻ sinh ra không có quan hệ huyết thống với người mẹ. Do đó, hầu hết phụ nữ không chấp nhận xin trứng.
Các phương pháp gom trứng nhiều chu kỳ, trữ trứng, thụ tinh ống nghiệm từ trứng rã đông... là giải pháp giúp họ có con của chính mình dù không dễ dàng, bác sĩ Như cho biết thêm.
Chị Xuân được bác sĩ Yến kích thích buồng trứng bằng thuốc uống, canh gom trứng từng tháng theo chu kỳ tự nhiên. Phác đồ này dự kiến kéo dài 6 chu kỳ (6 tháng), mỗi chu kỳ chọc hút trứng một lần, mục tiêu là gom tối đa số trứng còn lại. Tuy nhiên, sau 4 chu kỳ, buồng trứng của chị hoàn toàn cạn kiệt. 4 quả trứng hiếm hoi được rã đông, thụ tinh bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), tạo được phôi duy nhất.
Chị Xuân được chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện, chuyển phôi vào cuối tháng 7/2023, may mắn đậu thai. Thai nhi hiện 13 tuần, phát triển khỏe mạnh.
Trường hợp của Phương Thảo may mắn hơn bởi tuổi trẻ, số nang trứng ở mức trung bình, bác sĩ chỉ kích thích buồng trứng và chọc hút một lần thu được 5 trứng. Chất lượng trứng chưa suy giảm nhiều, tỷ lệ thụ tinh và nuôi cấy phôi của Thảo đạt 100%, thu được 5 phôi ngày 5. Thảo được chuyển phôi và đậu thai ngay lần đầu.
Với chị Vân và những trường hợp khác chưa kết hôn, bác sĩ IVFTA-HCMC tư vấn phương án trữ trứng kịp thời bảo tồn khả năng sinh sản trước khi buồng trứng hoàn toàn cạn kiệt.
Theo bác sĩ Như, trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể người, 99% thành phần là nước nên trữ đông lẫn rã đông đều rất khó. Tại IVFTA-HCMC, tỷ lệ IVF thành công từ trứng trữ tương đương trứng tươi là 97%. Phương pháp này làm tăng hy vọng có con với bệnh nhân vô sinh hiếm muộn, đặc biệt là phụ nữ suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng thấp.
Với "vốn để dành", trong tương lai, chị Vân có thể kết hôn và sinh con nhờ thụ tinh ống nghiệm dù đã mãn kinh, thậm chí có thể xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để làm mẹ đơn thân.
Hoài Thương