Theo ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, tràn dịch khớp gối xảy ra khi lượng dịch dư thừa bên trong khớp gối của người bệnh. Thành phần của chất dịch có thể là máu, chất đạm, chất béo và dịch khớp. Tình trạng này khiến cho khớp sưng căng, tấy đỏ, đau nhức, ảnh hưởng đến khả năng vận động và đi lại của người bệnh.
Tràn dịch khớp xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sưng khớp gối suốt đời chiếm khoảng 27% dân số.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tràn dịch khớp, phổ biến nhất là do nhiễm trùng, gọi là viêm khớp nhiễm trùng. Bệnh làm hư hỏng hoặc phá hủy một phần khớp do các mô khớp chứa đầy mủ. Các vấn đề có liên quan đến viêm nhiễm như viêm khớp dạng thấp, gout, vận động mạnh và thường xuyên, chấn thương dây chằng, gãy xương hoặc khối u... cũng có thể gây ra tràn dịch khớp gối.
Để chẩn đoán tràn dịch khớp gối, bác sĩ có thể dựa vào việc quan sát cách bệnh nhân cử động chân, dáng đi, mức độ đau khi di chuyển. Bác sĩ cũng sờ nắn gối, thực hiện nghiệm pháp McMurray, nghiệm pháp Thessaly, nghiệm pháp bập bềnh bánh chè, nghiệm pháp Sweep...
Tùy theo nguyên nhân, tình trạng tràn dịch khớp gối sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu tràn dịch khớp nặng không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ có thể dẫn đến nguy cơ hạn chế vĩnh viễn chức năng khớp và làm mất xương dưới sụn. Sự xâm nhập của vi khuẩn có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho sụn khớp. Tình trạng nhiễm trùng cục bộ không được điều trị sẽ lan đến các khu vực khác, thậm chí gây nhiễm trùng máu.
Điều trị tràn dịch khớp gối
Phương án chăm sóc, điều trị tràn dịch khớp gối do nguyên nhân gây bệnh quyết định. Thông thường, khi xử lý được nguyên nhân, khớp gối người bệnh không còn sưng phù, đau nhức. Tuy nhiên, không phải tất cả nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối điều được chữa khỏi.
Do đó, tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối, bác sĩ có thể lựa chọn phương án điều trị bảo tồn bằng thuốc. Thuốc kháng sinh giúp diệt vi khuẩn, điều trị các bệnh nhiễm trùng. Thuốc giúp giảm đau, giảm sưng, giảm viêm và tích tụ các tinh thể axit uric trong khớp gối do các cơn gout cấp tính gây ra.
Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định tiêm steroid, thuốc có công dụng kháng viêm mạnh, nhằm giúp ức chế các chất gây viêm khớp và tràn dịch. Bên cạnh đường uống, tiêm tĩnh mạch, thuốc steroid có thể được tiêm vào khớp. Việc tiêm steroid nội khớp có thể gây một số tác dụng phụ như: mỏng sụn, yếu dây chằng, nhiễm trùng, viêm khớp...
Hút dịch khớp gối cũng là một trong những phương pháp điều trị phổ biến. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ chọc và dùng kim dài khoảng 5 cm đâm vuông góc với bề mặt da để hút dịch ra. Phần dịch được lấy ra có thể được mang đi xét nghiệm để xác định sự xuất hiện của vi khuẩn, protein, máu, glucose...
Thời gian điều trị tràn dịch khớp dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, thể trạng, cách chăm sóc... Thông thường là vài tuần đến vài tháng. Nếu người bệnh bị tràn dịch khớp do viêm khớp gối, tình trạng này có thể kéo dài suốt đời.
Bác sĩ An Duy hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc khớp bị tràn dịch tại nhà bằng cách chườm lạnh (khi bị chấn thương), nghỉ ngơi, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nạng hoặc gậy để giảm bớt áp lực cho khớp gối.
"Tràn dịch khớp gối là tình trạng thường gặp. Khi thấy khớp gối sưng tấy, khó đi lại kèm sốt cao, người bệnh nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được kiểm tra, tránh nguy cơ nhiễm trùng làm hư hỏng khớp gối gây tổn thương vĩnh viễn khớp, ảnh hưởng chức năng vận động", Bác sĩ An Duy khuyến cáo.
Hân Thái