Tôi không đồng ý với cách suy nghĩ mang đầy tính nguỵ biện của bạn Trần Thiện Luân. Dù có muốn nói thế nào đi nữa thì ai cũng thấy cuộc chiến tranh của chính quyền Mỹ mà người cầm đầu là tổng thống Bush nhằm vào Iraq vừa qua là cuộc chiến vô nhân đạo.
Chính ông Saddam Hussein đã tham quyền cố vị, các nước Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc và Liên Hợp Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã bóp nghẹt nghị quyết thứ hai vẫn còn bỏ ngỏ cho cơ hội hòa bình sau nghị quyết 1441. Tất cả đã châm ngòi nổ cho cuộc chiến tranh Iraq.
Chúng ta không nên so sánh cuộc chiến đấu của Việt Nam chống lại Khmer Đỏ do Pon Pot cầm đầu với cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq. Hai cuộc chiến tranh này khác nhau hoàn toàn về bản chất. Cuộc chiến tranh của Việt Nam là một chiến đấu tự vệ còn cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq là một cuộc chiến tranh xâm lược.
Saddam là kẻ hiếu chiến nhưng KHÔNG phải là kẻ khủng bố. Vì thế cuộc chiến Afghanistan đánh đuổi Bin Laden là đúng trong khi đánh Iraq truất phế Saddam mà lại đứng dưới cờ "chống khủng bố" là 1 sự dối trá.
Để có chi phí cho các sự can dự của mình ở các điểm nóng trên thế giới, đòi hỏi Mỹ phải có 1) chi phí lớn; 2) sự ủng hộ của người dân Mỹ với chính sách can dự dài hạn của mình. Xét về mặt kinh tế, đây là hai yếu tố mâu thuẫn nhau và là nguyên nhân chính cho sự xoá sổ của nhiều cường quốc theo đuổi chủ nghĩa đơn cực.
Người phương tây biết rõ sự tàn bạo của chính quyền Saddam Hussein. Tuy nhiên họ không chấp nhận triết lý "mục đích bào chữa cho hành động", rằng lật đổ Saddam để mang lại tự do cho dân Iraq. Họ cho rằng việc tuân thủ luật pháp quốc tế phải được đặt lên hàng đầu.
Bạn Thien Luan cho rằng Bush có "đối sách quốc tế hết sức sắc sảo và quyết đoán trong đó có cuộc chiến tấn công Iraq", dẫn đến chỗ "đưa Bush lên làm con người có ảnh hưởng nhất hành tinh trong năm qua". Thật trớ trêu là chính ông Colin Powell, Ngoại trưởng Mỹ, mới đây lại thừa nhận Mỹ có những sai lầm trong chính sách đối ngoại.
Tôi rất buồn vì trong các bài viết, có những câu mang tính nhục mạ giữa các bạn trong nước và các bạn sống ở Mỹ, Canada. Chúng ta cần phải thương yêu, đoàn kết, dẫu sống ở Mỹ, châu Âu, hay Việt Nam, có lòng tự tôn dân tộc thật cao, cùng làm giàu cho mình và cho đất nước, để ai cũng có thể tự hào cầm cuốn hộ chiếu Việt Nam và nói với thế giới rằng "Tôi tự hào là người Việt Nam" .
Bạn Nguyễn Quang Long cực đoan ở chỗ dựa vào đâu mà bạn cho rằng người Mỹ sẽ thẳng tay đàn áp nếu có một dân tộc nào của Mỹ đòi độc lập. Không thấy một dân tộc nào trong 54 bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ muốn tách ra dù họ có cả núi hiến pháp qui định về việc nhập hoặc tách ra khỏi liên bang.
Ông Tổng thống Mỹ thì có nói gì cũng chỉ là tổng thống của một nước mà thôi, ấy vậy mà tại sao ông G.Bush lại làm cái công việc mà lẽ ra nó phải là của ông Kofi, với điều này thôi cũng cho chúng ta nhiều câu trả lời thật thú vị.
Trong một quốc gia, muốn duy trì an ninh trật tự, cần phải có cảnh sát. Giống như vậy, muốn duy trì ổn định và an ninh thế giới, mà qua đó sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và an sinh cho các nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, Hoa Kỳ, chứ không ai khác hơn, xứng đáng đảm nhận trọng trách của một cảnh sát quốc tế.
Chúng ta có biết rằng đồng ý với cuộc chiến Iraq do Mỹ gây ra là đồng ý thảm sát người dân vô tội hay không? Chẳng lẽ không còn cách nào thương thuyết và cứ phải giết chóc mới đem lại tự do dân chủ? Tại sao lại không tạo một con đường sống cho những người dân vô tội?
Nếu nước Mỹ tôn trọng nền dân chủ toàn cầu (Global Democracy) tức là tôn trọng ý kiến đa số các nước trong Liên Hợp Quốc thì Mỹ đã không mang quân xâm lược Iraq. Chính nước Mỹ, hay nói đúng hơn Chính quyền Bush, đã chà đạp lên nguyên tắc dân chủ của thế giới.
Điều này không đúng. Ông Bush chưa bao giờ nói là không thích các nước Hồi giáo, nhưng mục tiêu của ông luôn là thế giới đạo Hồi. Ông ta đội lốt chống khủng bố để đánh các nước đó, nhưng thực chất là để chiếm dầu mỏ. Và cái đích cuối cùng nữa là cuộc bầu cử.
Chế độ trước đây của Saddam Hussein có lẽ không phải là một chế độ tốt, theo nghĩa "chế độ tốt là một chế độ hợp lòng dân." Tuy nhiên nếu kết luận rằng toàn dân Iraq đã chán ghét chế độ, qua những biểu hiện như "không chống cự" liên quân, giật đổ tượng Hussein, hoan hô khi Hussein bị bắt... thì e rằng hơi võ đoán.
Nếu như các bạn cho rằng những người Việt Nam chống chiến tranh là do đầu óc còn chịu ảnh hưởng của chiến tranh lạnh thì bạn nghĩ gì về việc các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số dân châu Âu chống chiến tranh, đặc biệt là những đồng minh thân thiết của Mỹ như Pháp, Đức?
Tôi nghĩ rằng nước Mỹ hành động quá vội vàng và đôi khi hồ đồ. Có một thế lực thứ ba đã gây nên cuộc chiến này. Thế lực đó vô cùng thông minh nhưng yếu kém hơn Mỹ. Người Mỹ mạnh và biết cả những điều đó, nhưng một lần nữa, họ lại tin tưởng quá nhiều vào sức mạnh của vũ khí.
Ông Saddam Hussein có thể chết dưới bàn tay chỉ đạo của Mỹ nhưng tôi tin rằng hình ảnh của một vị tổng thống đơn thương độc mã chiến đấu đến tuyệt vọng sẽ còn được nhân dân yêu chuộng hoà bình, khát khao cho một nền tự do đích thực nhắc đến.
Nếu ai đem so sánh Mỹ tấn công Iraq với việc Mỹ xâm lược Việt Nam thì đó là một sự khập khiễng vô lý. Vì Iraq đã sai hoàn toàn và bị LHQ cấm vận theo đúng các điều lệ, còn Việt Nam thì không. Mặt khác, Hồ Chủ Tịch cùng chiến đấu cùng sống với dân, còn Saddam thì xa rời người dân.
Nếu bạn Công Minh thực sự công tâm, bạn có thể nhận thấy rằng đa số bạn đọc phản đối cuộc chiến không phải vì họ có ác cảm với Mỹ, coi mọi việc Mỹ làm là xấu xa. Họ phản đối Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq vì họ thấy Mỹ đánh Iraq với cái cớ giả tạo là Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt.