From: kingsize smiles
To: thegioi@vnexpress.net
Sent: Monday, January 05, 2004 3:29 PM
Subject: Re: Khai Tam
Sau đây là ý kiến của tôi đối với bài viết của bạn Khai Tâm,
Thưa bạn Khai Tâm,
Trước tiên tôi xin có một đính chính cho bài viết của bạn: Câu nói bất hủ "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã" là của Thái sư Trần Thủ Độ, trước cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Không quan trọng lắm, của ai thì cũng không ảnh hưởng đến ý bạn muốn nói.
Bạn hỏi rằng "Nếu là ý chí và nguyện vọng của nhân dân Iraq, thì tại sao khi quân Mỹ tiến vào thủ đô Baghdad thì không gặp phải một sự chống cự nào đáng kể?" v.v. và v.v... Tôi hiểu rằng bạn muốn nói: chống Mỹ không phải là ý chí của nhân dân Iraq, ủng hộ Saddam Hussein không phải là ý chí của nhân dân Iraq.
Chế độ trước đây của Saddam Hussein có lẽ không phải là một chế độ tốt, theo nghĩa "chế độ tốt là một chế độ hợp lòng dân". Tuy nhiên nếu kết luận rằng toàn dân Iraq đã chán ghét chế độ, qua những biểu hiện như "không chống cự" liên quân, giật đổ tượng Hussein, hoan hô khi Hussein bị bắt... thì e rằng hơi võ đoán.
Khi chiến dịch Barbarossa của Hitler mở màn, Hồng quân Liên Xô mặc dù kháng cự và hy sinh quên mình, nhưng chỉ sau 4 tháng quân Đức đã đến cửa ngõ Mạc Tư Khoa. Trong một vài tuần đầu, quân Đức đã chiếm được những thành phố lớn như Kharcov, Minsk (Minsk thất thủ sau có 6 ngày kể từ đầu cuộc xâm lăng). Ở Ucraine, phe dân tộc chủ nghĩa (ly khai) được thể thành lập chính phủ thân Đức, giật đổ tượng Lenin. Lúc ấy người ta đã phải kêu lên "Hồng quân của chúng ta đâu rồi? Xe tăng, máy bay của chúng ta đâu rồi?" Liên Xô gặp bất lợi trong thời gian đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, không phải hoàn toàn vì mất cảnh giác. Họ đã có chuẩn bị cho cuộc chiến với chủ nghĩa đế quốc trong thời gian hàng chục năm, và chuẩn bị đối đầu với Đức trong 5-7 năm, mặc dù Liên Xô và Đức đã ký với nhau hiệp ước bất tương xâm. Hơn thế nữa, Hồng quân Liên Xô đã có tập dượt qua các cuộc chiến với Nhật Bản (Khasan và Nomonhan), Phần Lan và đều giành thắng lợi. Nếu vậy, phải chăng thất bại ban đầu của Liên Xô (không phải Hồng quân Liên Xô, mà là quốc gia Liên Xô) là bởi chế độ không hợp lòng dân? Bạn cũng biết là không phải như thế.
Chiến thuật mà triều đình nhà Trần áp dụng để thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, là chiến thuật "vườn không nhà trống". Quân Nguyên Mông đã tiến vào Thăng Long mà không gặp kháng cự, dù là của quân đội hay của nhân dân. Phải chăng đấy là bởi nhân dân muốn giặc vào Thăng Long? Bạn cũng biết là không phải như thế. Chiến thuật "vườn không nhà trống" lại được áp dụng thành công một lần nữa khi Chính phủ Kháng chiến của ta vận động "tiêu thổ kháng chiến", nhờ thế mà cầm chân được quân Pháp gần hai tháng ở các đô thị miền Bắc, tạo điều kiện rút lui chiến lược, bảo toàn và xây dựng lực lượng, để qua hai giai đoạn phòng ngự, cầm cự, chúng ta có thể tổng phản công đúng lúc đúng chỗ khiến Pháp phải rút khỏi Đông Dương.
Các ví dụ mà tôi viện dẫn (đấy là chưa nói đến cuộc xâm lăng nước Nga của Napoleon, năm 1812) đều có kết quả ban đầu hơi giống nhau: quân xâm lược tiến thẳng vào trung tâm đất nước trong thời gian cực ngắn. Tôi không định nói Hussein cũng học tập áp dụng chiến thuật tiêu thổ, bởi vì bộ tham mưu của ông không báo cáo ý đồ chiến lược của họ với tôi, hay với bạn. Có thể ông ta đã sai lầm ở một chỗ nào đó, và phải trả giá. Nhưng đừng nói rằng nhân dân Iraq muốn quân Mỹ chiếm đóng nước mình.
Ở nước Nga, khi Eltsin cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động, tượng đài Lenin và Dzerzinsky cũng bị kéo đổ nhiều nơi; người ta còn định đưa thi hài Lenin ra khỏi Quảng trường Đỏ. Bạn đừng nói với tôi rằng những việc ấy là thể theo nguyện vọng của nhân dân Nga. Đó chỉ là nguyện vọng và hành động của một thiểu số quá khích và xu thời. Những kẻ như thế và còn tệ hại hơn thế cũng đã từng nhảy múa vui mừng ở Đông Đức, ở Rumani, ở Ba Lan, ở Bulgari. Và ở Iraq.
Bốn vạn vệ binh cộng hoà... Con số ấy thực sự là con số chẳng ai kiểm chứng được. Bạn cũng biết như tôi, qua báo chí, rằng nhiều đơn vị quân đội quốc gia Iraq chỉ tồn tại trên giấy tờ, có tên mà không có lính. Mười năm cấm vận, sợ rằng đến mỡ bôi súng cũng không đủ, chứ nói chi đến vũ khí. Họ thua không phải vì không hợp lòng dân, mà trước tiên bởi họ quá yếu. Thế nhưng ở Mosul, ở Tikrit, người Iraq đã kháng cự thế nào? Bạn có thể nhắc cho tôi nhớ những bản tin BBC, rằng Fedayeen hàng đêm giết những người chống đối trong nội thành Mosul, nhưng nếu hai ngàn tay súng dân quân cuồng nhiệt chưa bắn hết đạn, thì họ cũng chẳng địch nổi bốn trăm ngàn dân "chán ghét chế độ".
Bạn cho rằng không thấy dân Iraq đánh lại liên quân, tức là họ hoan nghênh liên quân. Bạn cho rằng những vụ "khủng bố" do những kẻ khát máu và cuồng tín, "tàn quân, dư đảng của Hussein" thực hiện. Vậy bạn không đếm xỉa đến những mẩu tin ngăn ngắn mà chính CNN hay Reuters đưa, về lòng căm ghét của "một vài" người dân Iraq đối với quân Mỹ hay sao?
Vả lại, thái độ thụ động của nhân dân Iraq cũng dễ giải thích thôi: họ là dân thường. Cách mạng Tháng Tám thành công, với một ngàn năm trăm đảng viên cộng sản làm nòng cốt cho hai mươi lăm triệu dân ta. Tính cả thành viên của Việt Minh, chỉ có sáu mươi ngàn người (xin lỗi nếu tôi nhầm lẫn về số lượng, nhưng chắc là không nhầm quá 100%). Nhân dân cần đầu tàu, cần người lãnh đạo. Không thể nói sáo rằng "muôn người như một", muốn được như vậy cần có một người hoặc một đoàn thể tiên phong.
Có thể Saddam Hussein không đủ uy tín làm đầu tàu, có thể đảng Baath không đủ năng lực làm tiên phong, nhưng như thế không có nghĩa là người Iraq "triệu người như một" không chấp nhận họ, càng không có nghĩa là nhân dân Iraq không muốn đánh lại quân Mỹ.